Từ việc cựu cán bộ nộp ngay tiền khắc phục hậu quả: Đã kiểm soát tốt kê khai tài sản?

Phan Thương
Phan Thương
07/01/2024 06:53 GMT+7

Cựu cán bộ sai phạm nộp ngay tiền khắc phục hậu quả được đánh giá là tín hiệu tốt trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đảm bảo thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Song, dư luận cũng không khỏi thắc mắc và đặt dấu hỏi về nguồn gốc tài sản và sự không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của một bộ phận người có chức, có quyền.

NỘP KHẮC PHỤC HÀNG CHỤC TỈ ĐỒNG, THU GIỮ TẠI NHÀ HÀNG TRĂM MIẾNG VÀNG

Chẳng hạn, trong vụ án "chuyến bay giải cứu", nhiều bị cáo đã nộp hàng chục tỉ đồng để khắc phục hậu quả: bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, nộp 1,85 triệu USD, đồng thời Cơ quan điều tra (CQĐT) thu giữ 210.000 USD, 146 lượng vàng của bị cáo này khi khám xét tại nhà; bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nộp 42,6 tỉ đồng; bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu Phó trưởng phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) nộp hơn 20 tỉ đồng; bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nộp 16 tỉ đồng; bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên Bộ Công an, nộp 18,8 tỉ đồng. Hay trong vụ án Việt Á, bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, đã khắc phục phần lớn số tiền nhận hối lộ hơn 51 tỉ đồng…

Từ việc cựu cán bộ nộp ngay tiền khắc phục hậu quả: Đã kiểm soát tốt kê khai tài sản?- Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, nộp 1,85 triệu USD khắc phục hậu quả trong vụ án “chuyến bay giải cứu”

Trần Phan

Gần nhất, đối với cựu cán bộ sai phạm bị bắt, thì các bị can này cũng tích cực chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả, như gia đình Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp nộp 4,2 tỉ đồng. Hay liên quan đến sai phạm trong vụ án Hạc Thành Tower ở Thanh Hóa, bị can Trịnh Văn Chiến (cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) đã chủ động nộp khoảng 22,5 tỉ đồng...

Như vậy, việc dư luận bức xúc và đặt dấu hỏi về nguồn gốc tài sản và sự không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập của một bộ phận người có chức, có quyền là điều có thể hiểu được.

Cán bộ sai phạm nộp ngay tiền khắc phục hậu quả: Chỉ để được 'miễn tử'?

KÊ KHAI TÀI SẢN KHÔNG TRUNG THỰC LÀ CÓ

Tại Kỳ họp thứ 31 diễn ra ngày 16 và 17.8.2023, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Theo kết luận, ông Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.

Đến ngày 14.12, ông Lê Đức Thọ bị Bộ Công an khởi tố về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức khác.

Trước đó, cũng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, một số cán bộ, đảng viên trong Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã kê khai tài sản thiếu trung thực, không đầy đủ, vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, trong năm 2022, có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Vậy làm sao để đảm bảo kê khai tài sản minh bạch, đầy đủ?

CẦN BỊT KẼ HỞ TRONG KÊ KHAI TÀI SẢN

Luật sư (LS) Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) cho biết luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành quy định người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tài sản, thu nhập và mọi biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên một cách trung thực. Đối tượng có nghĩa vụ kê khai là cán bộ, công chức; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND. Đồng thời, luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định người có nghĩa vụ kê khai lần đầu bao gồm cả sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.

XEM NHANH 20H ngày 7.1: Vì sao cán bộ nộp tiền khắc phục hậu quả?

"Tuy nhiên, quy định như trên chưa đủ để phòng, chống tham nhũng và kiểm soát được việc kê khai tài sản đúng, đủ, hay chưa", LS Hà Hải nhấn mạnh và bổ sung thêm, thực tế điều tra, truy tố, xét xử cho thấy, khi nộp tiền khắc phục hậu quả, số tiền nộp được ghi nhận: "Bị can, bị cáo tích cực vận động gia đình, người thân, bạn bè nộp toàn bộ số tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại…". Nhưng từ đâu gia đình, người thân, bạn bè có tiền nộp cũng khiến dư luận nghi ngờ.

Trong các phiên họp Quốc hội trước đây, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí từng phát biểu "nếu có luật Đăng ký tài sản sẽ góp phần ngăn chặn việc tẩu tán, ẩn nấp của tài sản tham nhũng", đồng thời kiểm soát cán bộ tham nhũng ngay từ đầu. Theo ông Trí, hiện kê khai tài sản chỉ áp dụng trong hệ thống chính trị, nhưng nếu cán bộ đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên mua tài sản, mà chuyển qua cho người nhà, người thân, bạn bè ngoài xã hội đứng tên.

"VN không có các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm kê khai tài sản, chứng minh nguồn gốc tài sản của công dân; vì vậy để kiểm soát được cán bộ, quan chức có rửa tiền phạm tội thông qua tổ chức, cá nhân khác hay không là điều không thể", thạc sĩ Võ Văn Tài (giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát TP.HCM) nêu và chia sẻ, muốn làm được thì thực hiện thay đổi đồng bộ các quy định pháp luật như ban hành luật Kê khai tài sản nói chung, từ đó sửa đổi, bổ sung về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm kê khai của toàn công dân trong các luật liên quan, và có biện pháp chế tài về hành chính, hình sự nếu phát hiện vi phạm, sai phạm về nguồn tài sản bất minh của bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

Khắc phục hậu quả được áp dụng chính sách khoan hồng

Theo LS Tô Bá Thanh (Đoàn LS TP.HCM), người phạm tội chủ động nộp lại tiền, tài sản để khắc phục hậu quả sẽ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi xét xử theo điểm b khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, cơ quan tiến hành tố tụng còn có thể xem xét thêm một tình tiết giảm nhẹ là "người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" theo điểm s khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự. Như vậy, với việc chủ động bồi thường khắc phục hậu quả, người phạm tội có thể được hưởng hai tình tiết giảm nhẹ tại điều 51 bộ luật Hình sự. Ngoài ra, tình tiết khắc phục hậu quả một phần hay toàn bộ còn được áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt theo điều 5 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, tức được xem xét xử dưới khung hình phạt hoặc xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại điều 59 bộ luật Hình sự.

Khoan hồng nhưng không có nghĩa "hòa cả làng"

Bên cạnh những tích cực của việc khắc phục hậu quả sẽ được chính sách khoan hồng của Nhà nước, vẫn có ý kiến cho rằng việc khắc phục hậu quả và giảm hình phạt có thể tạo tâm lý bất chấp phạm tội, "hy sinh đời bố, củng cố đời con", bởi khi hành vi phạm tội bị phát hiện thì chỉ cần khắc phục, bồi thường là xong?

LS Trương Anh Tú (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng đối với một con người, danh dự và bản án công luận xã hội mới là bản án nặng nề nhất. Hơn nữa, theo quy định hiện hành, các hình phạt đối với tội phạm tham nhũng, kinh tế thì khung hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình. Còn quy định khắc phục hậu quả phần lớn hoặc toàn bộ để được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước, nhưng vẫn theo nguyên tắc "xử nghiêm, răn đe người chủ mưu, cầm đầu; nhân văn với đồng phạm có vai trò không đáng kể, không vụ lợi".

"Phải thấy rằng mặc dù trong luật có quy định về đường lối giải quyết đặc biệt là miễn hình phạt, cho những người tự nguyện khắc phục toàn bộ thiệt hại, nộp lại toàn bộ tài sản cho nhà nước, nhưng chưa có ai được hưởng chính sách này. Do đó, những trường hợp gần đây tự nguyện khắc phục hậu quả cũng chỉ để được "miễn tử". Vì vậy khắc phục hậu quả không làm giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật. Khoan hồng nhưng không có nghĩa hòa cả làng", LS Trương Anh Tú đánh giá.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.