Từ việc thanh niên ngừng tim tại giải chạy: Cảnh báo cho những người cùng đam mê

Thảo Phương
Thảo Phương
18/04/2024 09:30 GMT+7

Vụ việc một nam thanh niên bỗng ngã gục khi chỉ cách vạch đích khoảng 100 m tại giải chạy Tay Ho Half Marathon 2024, đã thu hút sự quan tâm những ngày gần đây, nhất là các bạn trẻ có niềm đam mê với môn chạy bộ.

Có nên thử thách giới hạn bản thân?

Ngày càng nhiều giải chạy bộ được tổ chức thu hút sự tham gia của đông đảo những người có niềm đam mê với môn này. Không chỉ dừng lại ở việc tham gia tại các giải chạy, người trẻ còn thử thách bản thân bằng việc thực hiện trào lưu: "1 haha = 1 km chạy bộ". Cụ thể, họ sẽ chia sẻ dòng trạng thái với nội dung đó trên Facebook cá nhân, 1 lượt biểu tượng cảm xúc haha tương đương km chạy bộ.

Khắc Ngọc Đạt gắn bó với môn chạy bộ 1 năm nay

Khắc Ngọc Đạt gắn bó với môn chạy bộ 1 năm nay

NVCC

Bén duyên với môn chạy bộ 1 năm nay, Khắc Ngọc Đạt (23 tuổi), ngụ tại TP.HCM thường xuyên dành thời gian để tham gia các giải ở nhiều cự ly khác nhau, từ 10 - 21 km. Đạt chia sẻ: “Việc thường xuyên chạy bộ giúp mình cải thiện sức khỏe lẫn tinh thần, cân nặng và các chỉ số tim mạch ở mức tốt. Mình chỉ đăng ký chạy ở những cự ly trong khả năng sức khỏe cho phép. Mình sẽ không vì thành tích hay nghe theo sự động viên của bạn bè mà đăng ký 1 cự ly vượt khả năng. Chỉ chạy khi thấy đảm bảo mình dư sức hoàn thành nó”.

Từ vụ việc nam thanh niên bị ngừng tim trước vạch đích trong 1 giải chạy bộ, Đạt rút ra được nhiều bài học cho bản thân. “Chạy bộ nói riêng và thể thao nói chung là một quá trình dài tính bằng năm nên mình có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tập luyện tốt, ăn uống, nghỉ ngơi khi tham gia một giải chạy nào đó. Trong giải mình luôn lắng nghe cơ thể, điều chỉnh tốc độ sao cho phù hợp, tránh chạy quá nhanh để không xảy ra tình trạng kiệt sức”, Đạt chia sẻ.

Gần đây, chàng trai này cũng thực hiện theo trào lưu “1 haha = 1 km chạy bộ” và kết quả là thu về hơn 250 lượt tương tác, tương đương với cự ly hơn 250 km. Đạt nói: “Thử thách này giúp mình có động lực chạy bộ hơn mỗi ngày cũng như thúc đẩy mọi người tham gia cùng. Mình thực hiện thử thách trong vòng 1 tháng, mỗi ngày 7 - 10 km và cuối tuần là 15 - 20 km chứ không phải ép bản thân chạy trong thời gian gấp rút”.

Còn Phạm Quốc Hùng (21 tuổi), ngụ tại TP.HCM, bắt đầu biết và tham gia môn chạy bộ vào cuối năm 2021. Hùng đến với chạy bộ để rèn luyện sức khỏe, ý chí. “Chạy bộ giúp mình rèn luyện sự kiên nhẫn, khả năng chịu đựng, sức khỏe cũng cải thiện rất nhiều, dẻo dai, linh hoạt hơn. Mình được kết nối với nhiều anh chị em và có cơ hội để khai thác thế mạnh bản thân. Cuối năm 2023, mình hay tham gia các giải nhỏ, đến năm 2024 thì thường xuyên dự những giải lớn hơn. Thông thường, mỗi tháng mình tham gia 2 giải chạy vào thứ bảy hoặc chủ nhật”, Hùng cho biết.

Phạm Quốc Hùng muốn thử thách bản thân ở những cự ly dài

Phạm Quốc Hùng muốn thử thách bản thân ở những cự ly dài

NVCC

Chàng trai chia sẻ thêm: “Mình thường chọn cự ly 42 km vì muốn thách thức bản thân và được ghi danh trên hệ thống bảng vàng của marathon Việt Nam. Thường trong quá trình tập luyện mình sẽ nhắm chừng khả năng có thể hoàn thành ở cự ly nào thì mới chọn để thi đấu. Mình không chọn bừa hay theo phong trào mà mọi thứ phải nằm trong tầm kiểm soát của bản thân”.

Hùng chia sẻ trong mỗi giải chạy, nếu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu là phải giảm tốc độ lại. “Môn thể thao nào cũng cần có kiến thức và chạy bộ cũng vậy. Mình phải nghiên cứu, học hỏi, lượng sức để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra”, Hùng nói.

Để đảm bảo an toàn khi tham gia những giải chạy

Vậy khi tham gia các giải chạy bộ phong trào hay thực hiện những thử thách người trẻ cần lưu ý gì để đảm bảo an toàn?

Anh Hưng Võ, huấn luyện viên môn chạy bộ tại Garmin Run Club, chia sẻ: “Chạy bộ là môn thể thao cơ bản, phù hợp cho nhiều đối tượng, dễ tập luyện, đặc biệt là có lợi cho sức bền tim mạch, hô hấp. Những năm gần đây, môn chạy bộ đường dài dần phổ biến, trở thành xu hướng, thu hút nhiều người tham gia tập luyện. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, chạy bộ cũng để lại những hậu quả không mong muốn như: rủi ro chấn thương, mất an toàn trong tập luyện, kiệt sức, đột quỵ trên đường chạy".

Theo anh Hưng Võ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sự việc đáng tiếc trên. Một trong những nguyên chính là do chưa tìm hiểu rõ về đặc thù bộ môn chạy bộ; tập luyện tích lũy không phù hợp với xuất phát điểm, nền tảng thể chất cá nhân, chưa nắm rõ những vấn đề bệnh lý trước đó của cơ thể… dẫn đến quá sức khi tập luyện.

"Tập luyện liên tục, quá nhiều và nhanh trong thời gian ngắn dẫn đến việc cơ thể bị quá tải, chưa thể thích nghi kịp thời. Điều này lâu dài, vô tình phản tác dụng, gây ra những tổn thương về mặt thể chất, tinh thần", anh Hưng Võ nói.

Anh Hưng Võ, một huấn luyện viên của môn chạy bộ

Anh Hưng Võ, một huấn luyện viên của môn chạy bộ

NVCC

Anh Hưng Võ đưa ra lời khuyên: "Khi tham gia tập luyện bộ môn này, mỗi người nên có mục tiêu, lộ trình phù hợp với thể chất, cấu tạo cơ thể, quỹ thời gian, đặc thù, tính chất công việc. Trong quá trình tập luyện nên xây dựng những thói quen sinh hoạt lành mạnh: đảm bảo ngủ nghỉ đầy đủ để có một trái tim khỏe mạnh; bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết; nên lắng nghe cơ thể của mình. Đặc biệt, là chạy bộ trong mùa nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay, cơ thể sẽ dễ kiệt sức hơn rất nhiều".

Với kinh nghiệm của bản thân, anh Hưng Võ chia sẻ thêm: "Trước khi tham gia giải chạy nên ngủ đủ giấc; hạn chế làm việc quá sức; không nên di chuyển nhiều dưới thời tiết khắc nghiệt; bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng cần thiết, đầy đủ. Cần khởi động kỹ trước các buổi chạy. Trong thi đấu cần lắng nghe cơ thể. Nên hạ mục tiêu hoặc dừng cuộc đua nếu cảm thấy cơ thể có những báo hiệu quá sức, không đảm bảo an toàn. Nên nạp dinh dưỡng đều đặn, xuyên suốt cuộc đua. Khi chạy xong nên tiếp tục di chuyển nhẹ kết hợp hít thở sâu đều để phục hồi tích cực nhịp tim; đứng nơi thoáng mát để cân bằng thân nhiệt cơ thể; thay quần áo sạch, khô để tránh nhiễm lạnh. Đồng thời, bổ sung ngay năng lượng như đường, chất khoáng, protein dạng chất lỏng để cơ thể nhanh chóng phục hồi sau khi kết thúc đường chạy”.

Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết: “Theo báo cáo của nhiều tạp chí y khoa uy tín trên thế giới, nguy cơ đột tử và ngưng tim khi chạy bộ là không cao. Ngưng tim thường do bệnh cơ tim phì đại hoặc xơ vữa động mạch vành và thường xảy ra chủ yếu ở nam giới, tỷ lệ này tăng lên trong thời gian gần đây. Ngoài ra, các vận động viên chạy bộ cần chú ý đến tình trạng đột quỵ xảy ra khi việc tập thể dục nặng trong thời gian dài ở môi trường có nhiệt độ cao và độ ẩm thấp. Vì vậy, vận động viên tham gia các giải chạy nên khám sức khỏe định kỳ. Việc thực hiện và duy trì lối sống khoa học là cần thiết, bằng cách hạn chế thức khuya, cố gắng ngủ đủ giấc, Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài; xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, không dùng thực phẩm nhiều dầu mỡ, cholesterol và chất béo; uống đủ nước, bổ sung điện giải…”.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.