Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 9.2, tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM có 3 ca mắc Covid-19 tử vong, nhưng cả 3 đều do các tỉnh chuyển lên (Long An 2 ca, Bình Phước 1 ca).
Đến ngày 10.2, số ca Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3 tại TP.HCM cũng chỉ còn trên 618 ca. Trong đó, số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 258 ca (đang thở máy xâm lấn 88 ca, giảm thấp nhất trong 5 tháng qua). TP.HCM cũng chỉ có 19 người cách ly tập trung và 2.053 ca đang cách ly tại nhà. Tuy số mắc sau Tết Nguyên đán có xu hướng tăng nhẹ, nhưng số ca nặng và tử vong tiếp tục được kéo giảm sâu.
Bệnh nhân Covid-19 béo phì 140 kg được cứu sống ngoạn mục sau 84 ngày ECMO (tuần hoàn tim phổi nhân tạo) xuất viện Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 trong niềm vui của gia đình vào chiều 10.2 |
HẠNH GIA ĐỊNH |
Vượt qua “bão dịch”
Ca Covid-19 tử vong đầu tiên tại TP.HCM (ngày 2.6.2021) kèm bị sốc nhiễm trùng, suy tim trên cơ địa tăng huyết áp, bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Số ca tử vong sau đó tăng dần từ vài ca lên vài chục ca/ngày, rồi lên 200 - 300 ca ngày; số mắc mới 7.000 - 8.000 ca/ngày. Cao điểm là ngày 23.8, TP.HCM có 340 ca tử vong, mắc mới lên trên 10.000 ca/ngày. Trong “cơn lốc” cao điểm dịch, những tưởng con số tử vong sẽ không dừng lại đó, nhưng chính nhờ những chính sách về chống dịch được điều chỉnh kịp thời mà số ca mắc, tử vong tại TP.HCM đã dần hạ nhiệt và đạt kết quả như mong đợi.
Ngày đoàn tụ gia đình của chàng trai 140 kg mắc Covid-19 can thiệp ECMO kỷ lục Việt Nam |
“Tất cả nhân viên ngành y tế TP.HCM đều vui mừng khi thành phố tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19 ổn định trong nhiều tuần qua. Số ca mắc mới, số ca nặng và số ca tử vong tiếp tục được kéo giảm sâu. Cụ thể là thành phố liên tục có tuần lễ thứ năm liên tiếp là “vùng xanh” với số ca mắc mới liên tục giảm thấp dưới 100/ngày. Số trường hợp tử vong liên tục được kéo giảm từ 123 trường hợp/ngày vào ngày 2.10.2021, nay xuống còn dưới 10 ca trong một ngày, và mới đây ngày 6.2 chỉ còn 2 ca/ngày, đến ngày 9.2 có 3 ca tử vong nhưng đều là các ca nặng kèm bệnh nền ở các tỉnh chuyển lên”, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết.
Đồ họa: Quốc Bảo |
TP.HCM cần thêm 30.000 lao động sau tết, lương từ 6 triệu đồng:tháng |
Chiến lược mới
Từ đầu tháng 12.2021, UBND TP.HCM đã phê duyệt chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân và mang ý nghĩa quyết định cho sự thành công khi mở cửa phát triển kinh tế.
“Nhưng TP.HCM cũng nhận định, khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất và giao tiếp xã hội gia tăng, khả năng lây nhiễm Covid-19 cũng gia tăng, số ca mắc gia tăng, kéo theo sự gia tăng trở lại các trường hợp nặng và tử vong”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói, và cho biết thêm, phân tích các trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn TP.HCM trong thời gian này cho thấy phần lớn các trường hợp tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng vi rút trước đó.
Sau khi thích ứng an toàn với dịch Covid-19, TP.HCM thực hiện “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” trên phạm vi toàn địa bàn. Theo đó, tập trung triển khai các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe (gắn liền điều trị nếu nhiễm Covid-19) cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, với phương châm: Đi từng ngõ, gõ từng nhà để cập nhật danh sách người dân thuộc nhóm nguy cơ (đã cập nhật hơn 640.000 người); xét nghiệm tầm soát phát hiện F0 đối với người thuộc nhóm nguy cơ; đẩy mạnh tiêm vắc xin Covid-19 đảm bảo không bỏ sót đối với những người thuộc nhóm nguy cơ…
Nhờ vậy, kết quả rất khả quan sau 6 tuần triển khai chiến dịch, số ca bệnh nặng phải thở máy và số ca tử vong đã giảm đáng kể, từ 75 ca/ngày (ngày 8.12.2021) xuống còn 6 ca ngày (ngày 23.1.2022, trong đó có 2 ca từ tỉnh lân cận chuyển về).
“Năm 2022, 6 chiến lược mới trong công tác phòng chống Covid-19 tại TP.HCM nhằm giảm thiểu số ca mắc và tử vong, gồm: Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm vắc xin Covid-19 đến từng người dân. Triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19. Sẵn sàng nguồn nhân lực tuyến đầu và nhân lực chuyên sâu ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và các giải pháp làm giảm thấp tử vong do Covid-19. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.
Bình luận (0)