Liên tục trong 2 ngày 24 - 25.2, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can Đặng Anh Quân, Đặng Thị Hàn Ni, Trần Văn Sỹ cùng về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 bộ luật Hình sự. Trong đó, bị can Đặng Anh Quân (tiến sĩ luật, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) được xác định là đồng phạm của bị can Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương), vốn đã bị Công an TP.HCM khởi tố, tạm giam điều tra về hành vi nói trên vào ngày 24.3.2022.
Xem nhanh 20h: Nhìn lại xung đột Nguyễn Phương Hằng-Đặng Thị Hàn Ni | Nguy cơ từ cúm H5N1
Bị can Đặng Anh Quân trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng bị can Nguyễn Phương Hằng. Trong đó, bị can Quân nhiều lần phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với bị can Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.
XÂM PHẠM BÍ MẬT ĐỜI TƯ
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM nhận định hành vi của bị can Đặng Anh Quân là giúp sức tích cực cho bị can Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, an toàn xã hội. Hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại khoản 2, Điều 331 bộ luật Hình sự (khung hình phạt cao nhất từ 2 - 7 năm tù).
Đồng phạm với bị can Nguyễn Phương Hằng còn có 3 bị can bị khởi tố trước đó: Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, trợ lý của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (30 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (28 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Đại Nam).
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM xác định bị can Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của các cá nhân: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (nhà báo, thạc sĩ luật Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu…
Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng khai các thông tin phát ngôn trên livestream và đăng tải trên Facebook về các cá nhân trên đều do bà này đọc trên internet, đọc báo và nằm mơ, chưa được kiểm chứng và không có cơ sở chứng minh.
Qua xác minh tại Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05), Công an TP.HCM và Sở TT-TT TP.HCM xác định mức độ người xem, chia sẻ, bình luận các buổi phát trực tiếp của bị can Nguyễn Phương Hằng cho thấy các buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng tại TP.HCM nhiều nhất có đến 610.355 lượt xem, 14.000 lượt thích và 5.021 lượt bình luận.
Tại Bình Dương, các buổi livestream của bị can Nguyễn Phương Hằng xúc phạm người khác, có người xem nhiều nhất lên đến 926.000 lượt xem, 41.000 lượt thích và 32.000 lượt bình luận.
Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân: Từ livestream cùng Nguyễn Phương Hằng đến vòng lao lý
THÔNG TIN KHÔNG ĐƯỢC KIỂM CHỨNG
Dù bà Đặng Thị Hàn Ni là một trong 9 người bị hại trong vụ án Nguyễn Phương Hằng sử dụng mạng xã hội để livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự; nhưng ngày 24.2, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Đặng Thị Hàn Ni. Đến tối 25.2, Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam Trần Văn Sỹ (luật sư). Cả hai bị can này đều bị bắt để điều tra về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 bộ luật Hình sự.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp nhận, thụ lý xác minh tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ đã đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Huỳnh Uy Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty CP Đại Nam (Bình Dương) và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM xác định: bị can Đặng Thị Hàn Ni và bị can Trần Văn Sỹ đã cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh YouTube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư. Các nội dung đăng tải trên đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.
KHÔNG THỂ NGHE TỪ ĐÂU ĐÓ RỒI TỰ SUY DIỄN
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị xử lý theo Điều 331 bộ luật Hình sự. Trường hợp hành vi phạm tội trên gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị xử lý ở khung hình phạt cao nhất từ 2 - 7 năm tù.
Bà Đặng Thị Hàn Ni liên quan thế nào đến vụ án Nguyễn Phương Hằng?
Nhìn nhận từ vụ án Nguyễn Phương Hằng và Đặng Thị Hàn Ni, theo luật sư Chánh, hành vi của các bị can chính là lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng sức ảnh hưởng, lan tỏa của cá nhân, mạng xã hội để đưa những thông tin chưa được kiểm chứng thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư, để xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Đồng thời các nội dung đăng tải thu hút hàng trăm, hàng ngàn lượt xem, bình luận, chia sẻ…
Vì vậy, luật sư Chánh cho rằng để tránh rủi ro khi dùng mạng xã hội, người dùng khi đưa bất kỳ thông tin, hình ảnh của người khác lên mạng xã hội cần phải kiểm chứng, không thể nghe từ đâu đó rồi tự suy diễn vấn đề.
"Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn. Điều 38 bộ luật Dân sự nêu việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác", luật sư Chánh phân tích và nhấn mạnh thêm, người dùng mạng xã hội để bảo vệ mình cần nâng cao ý thức bảo vệ quyền riêng tư, thông tin cá nhân của người khác.
Bên cạnh đó, theo luật sư Chánh, quy định hiện nay của bộ luật Dân sự về mức bồi thường tổn thất tinh thần tối đa cho một người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định là quá thấp so với tổn hại và hệ quả họ phải gánh chịu.
"Mức bồi thường thấp cũng là bất cập cần thay đổi, để cá nhân bị xâm phạm mạnh dạn khởi kiện, hoặc tố cáo, đồng thời tăng mức bồi thường để răn đe, phòng ngừa cá nhân đi xúc phạm người khác", luật sư Chánh đánh giá.
Bình luận (0)