Chàng trai Lưu Lập Đức (32 tuổi), đến từ tỉnh Lâm Đồng vốn sinh ra trong khốn khó. Anh bị thiếu thốn đủ thứ từ vật chất đến tinh thần. Tuổi thơ anh là chuỗi ngày kéo xe lôi bán rau ở chợ đêm, theo bố mẹ bán rau tới 2 giờ sáng…
Đến lúc lớn, chàng trai thấy cuộc sống chạy ăn từng bữa khó khăn quá nên nghĩ thầm: "Phải cố gắng để vươn lên". Nghĩ là làm, Đức quyết tâm thoát nghèo. Anh cố gắng từng chút để có cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, anh thấy rất nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình. "Mình hay đi theo các anh chị ở Đoàn, Hội đi làm công tác tình nguyện thì mới phát hiện thì ra có nhiều người khổ hơn mình tưởng. Mình đặt quyết tâm khi có một công việc ổn định, mình sẽ hướng đến việc từ thiện, làm thêm chút gì đó cho địa phương, cống hiến cho xã hội", Đức chia sẻ với người viết.
Chàng trai đã giới thiệu, kết nối đầu ra cho các bạn trẻ khởi nghiệp như nấm Gaco giới thiệu vô chuỗi siêu thị bách hóa xanh và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho nhiều bạn trẻ khởi nghiệp.
Trong đợt dịch Covid-19, chàng trai đã hỗ trợ trực tiếp 10 tấn rau củ quả cho bà con nhân dân thực hiện cách ly xã hội tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Từ tháng 6 đến 10.2022, chàng trai hỗ trợ giải cứu gần 100 tấn rau củ quả mỗi ngày tới tâm dịch: Đồng Nai, Vũng Tàu, TP.HCM, Bình Dương… Anh còn hỗ trợ 500 kg tấn rau, củ quả các loại cho sĩ biên phòng tại Đồn biên phòng Nam Du, H.Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang; Đồn biên phòng 735, 737, H.Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đức còn thành lập mô hình chuyến xe cứu thương nghĩa tình phục vụ bà con nhân dân có hoàn cảnh khó khăn.
Chàng trai sơ hở là đi tình nguyện
Hỏi hoạt động thiện nguyện nào mà anh thích nhất, Đức trả lời đó là hoạt động phù hợp với thực tế của anh. Chẳng hạn như Đức đang sống ở một nơi có nông sản lớn nên nghĩ ra việc hỗ trợ rau 0 đồng, vận chuyển miễn phí đến các địa điểm… Hoạt động này còn giúp giải cứu nông sản, thu hồi lại vốn cho bà con nông dân trồng mà không bán ra được thị trường thông qua tổ chức xã hội, đoàn thể các cấp.
"Mình làm tùy tâm, điều kiện tới đâu thì làm tới đấy. Mình chỉ xin dựa trên những gì mà mình có, sau đó để dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Hầu như năm nào mình cũng làm từ thiện. Mình cứ cho hết, khi nào cảm thấy đủ là được", chàng trai nói.
Anh còn rủ rê các đồng đội khác, miễn là có chung một ý chí và yêu thích công tác tình nguyện để làm cùng. Chẳng hạn như mô hình xe cứu thương nghĩa tình. Đức nảy ra ý tưởng này trong quá trình làm nông sản, được tiếp xúc với nhiều bà con. Anh phát hiện ra nhiều bà con không có tiền đi xe tới các điểm khám bệnh, chưa kể chi phí vận chuyển cấp cứu khá đắt đỏ…
Vậy là mô hình xe cứu thương nghĩa tình được thành lập giúp hỗ trợ đưa bệnh nhân đến các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa… giúp họ giảm bớt một phần chi phí, tỉ lệ sống sót cũng tăng lên.
"Trong quá trình làm mình mới nhận ra không phải tai nạn mới cần cứu người, mà người bị sỏi thận, đau nhiều ngày… cũng cần phải đi cấp cứu. Mọi người bị đau ốm cứ liên hệ qua tụi mình. Nhóm sẽ xác minh, sau đó chạy tới tận nhà. Thấy người ta nằm đó, tụi mình sẽ chở họ đi bệnh viện hay chuyển viện", anh nói.
Mới đây nhất, anh chuyển một bệnh nhân từ bệnh viện Chợ Rẫy về tỉnh Thái Bình với chi phí 50% (chỉ lấy tiền dầu, chi phí cầu đường, không lấy công). Trước đó, người nhà bệnh nhân liên hệ thuê xe bên ngoài thì người ta báo giá tới 24 triệu đồng. Vì thế, nghe mức giá này, họ rất vui mừng.
Đường sá xa xôi nên khi gần về tới nhà, người nhà bệnh nhân ngỏ ý trả thêm tiền cho nhóm. Thế nhưng, các anh chị bảo: "Trong trường hợp này, tụi em không dám lấy tiền. Chỉ cần bệnh nhân khỏe mạnh là tụi em vui rồi". Đến nơi, nhóm mới tá hỏa khi thấy ngôi nhà không còn một cái gì. Cả gia đình phải dồn hết tiền để thuê xe đưa người bệnh trở về nhà. Cuối cùng, công ty cứu thương, điều dưỡng, tài xế từ chối nhận luôn số tiền đó. Họ đi xe không từ Thái Bình về nhà.
Có nhiều hôm xe của các anh chở người bệnh tới bệnh viện, thì ở đây họ báo cũng đang có trường hợp khó khăn quá cần giúp đỡ. Thấy vậy, các anh chở luôn họ về nhà. Điều mà anh đau đáu nhất là giúp người bệnh nâng cao tỉ lệ sống sót, đi bình an, về bình an.
Lập Đức cho rằng "thanh niên sống đẹp" là người sống tốt với gia đình, sống chan hòa, yêu thương với mọi người xung quanh, có tinh thần giúp đỡ mọi người trong cuộc sống. Anh Đức cảm thấy việc sống đẹp hết sức đơn giản.
"Chỉ cần mọi người trao đi sự tích cực, mang đến cho mọi người một nguồn năng lượng tốt để họ luôn vui vẻ là sống đẹp rồi. Mình chỉ mong bản thân luôn là người có ích, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội", chàng trai nói.
Bình luận (0)