Các quan chức CIA gần đây nói với một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ rằng Nga đã đánh cắp email của Uỷ ban quốc gia đảng Dân chủ và ông John Podesta, người quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, kết luận sự can thiệp này nhằm giúp ông Donald Trump thắng cử tổng thống, theo Wall Street Journal ngày 10.12.
Ban chuyển giao quyền lực của ông Trump ngày 10.12 ngay lập tức lên tiếng nhạo báng CIA, nói rằng cuộc bầu cử đã kết thúc từ rất lâu rồi và giờ là thời điểm để bước tiếp. Phía Nga cũng nhanh chóng bác bỏ cáo buộc của CIA.
Phía ông Trump phủ nhận chuyện Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ và cho rằng CIA tự làm mất uy tín khi đưa ra những đánh giá sai trước đó về Iraq. Ban chuyển giao quyền lực của ông Trump lập luận rằng "cũng chính những người đó (CIA) từng tuyên bố Saddam Hussein có vũ khí huỷ diệt hàng loạt".
Thực tế là CIA và các cơ quan tình báo Mỹ từng đánh giá sai dẫn đến cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt - lý do chính để Mỹ đưa quân vào Iraq hồi năm 2003.
Wall Street Journal dẫn nhận định của giới học giả cho rằng việc ông Trump công khai chỉ trích độ đáng tin cậy của CIA là một sự kiện độc nhất trong lịch sử. Tờ Los Angeles Times thì nhận định mâu thuẫn công khai giữa tổng thống đắc cử và cơ quan tình báo quyền lực nhất của Mỹ có thể gây ra những vấn đề có nguy cơ cao đối với chính quyền mới và cả nền an ninh quốc gia.
tin liên quan
Nga bị tố can thiệp bầu cử tổng thống MỹTình báo Mỹ cho rằng Nga đã nhúng tay nhằm giúp ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Việc ông Trump ít tham gia các cuộc họp để nghe báo cáo thông tin tình báo kể từ khi đắc cử tổng thống cũng được cho là vì lý do này.
Cố tổng thống Richard Nixon là người nổi tiếng với mối quan hệ "cơm không lành, canh không ngọt" với CIA vì ông cho rằng cơ quan này quá quyền lực và độc lập. Cựu giám đốc CIA, ông James Woolsey cũng từng không được chính quyền tổng thống Bill Clinton ưa thích và ông được cho là hiếm khi gặp mặt ông Clinton.
Tuy vậy, từ trước đến nay chưa có tổng thống đắc cử nào công khai bác bỏ báo cáo của CIA về mối đe doạ an ninh hoặc không tham gia các buổi báo cáo thông tin tình báo như ông Trump, theo Los Angeles Times.
Mâu thuẫn giữa ông Trump và CIA khiến nhiều người mơ hồ về việc làm cách nào để 2 bên có thể hợp tác với nhau sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20.1.2017. Ông Mike Pompeo, người được ông Trump chọn làm lãnh đạo CIA, được cho là sẽ gánh một "núi áp lực" trong việc truyền tải những quan điểm của CIA cho ông Trump.
tin liên quan
Ông Trump không muốn nghe thông tin tình báo?Mặc dù được đề nghị nghe báo cáo tình báo mỗi ngày nhưng kể từ khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump chỉ dự đúng 2 buổi báo cáo, bỏ qua cơ hội học hỏi kiến thức ông đang thiếu trầm trọng trước khi vào Nhà Trắng.
Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh điều tra về thông tin Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Kết quả điều tra sẽ được báo cáo trước ngày ông Trump nhậm chức.
Nhiều quan chức Mỹ tỏ ra vui mừng vì quyết định của ông Obama, theo Politico. Thượng nghị sĩ Ron Wyden nói đây là tin tốt lành và việc giải mật, công bố thông tin về cáo buộc cho rằng chính quyền Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ nên được tiến hành nhanh và phải là ưu tiên.
Hạ nghị sĩ Adam Schiff, thành viên Uỷ ban tình báo Hạ viện, còn yêu cầu chính quyền hợp tác với các nước ở châu Âu từng bị trường hợp can thiệp như Mỹ để bắt Nga "phải trả giá". "Nếu chúng ta không làm gì, sẽ có nhiều vụ tương tự xảy ra trong tương lai", ông Schiff nói.
Chủ tịch Uỷ ban tình báo Thượng viện, ông Richard Burr thì khẳng định lực lượng tình báo có nhiệm vụ cung cấp những thông tin cần thiết cho Nhà Trắng, và việc lãnh đạo đất nước cần làm gì với những thông tin đó là trách nhiệm của những uỷ ban khác.
Bình luận (0)