Tường trình của Việt kiều Mỹ đợt bầu cử giữa kỳ ở New York: Nóng bỏng, căng thẳng

07/11/2022 18:33 GMT+7

Bầu cử sớm tại Mỹ bắt đầu đã mấy ngày nay. Ngày 1.11 tôi đến địa điểm bỏ phiếu ngay trong khuôn viên trường đại học Brooklyn của mình để bỏ phiếu.

Lúc này đã gần 19 giờ 30 tối, tháng 11 trời New York tối nhanh và không khí hơi se lạnh, lượng người bỏ phiếu lúc này cũng đã thưa thớt. Số nhân viên chính phủ trợ giúp bầu cử hiện còn đông hơn số người tham gia bỏ phiếu. Từ trước cổng trường đại học, ngay nơi sinh viên và giáo sư thường qua lại, các bảng thông báo “Điểm bỏ phiếu sớm” rất dễ thấy cho mọi người.

Các mũi tên chỉ đường đến những vị trí bầu cử thể hiện rõ ràng từ cổng cho đến tòa nhà nơi có điểm bỏ phiếu. Mỗi góc của đường đi đều có nhân viên chính phủ tận tình chỉ đường với nụ cười rạng rỡ thân thiện ngay từ lúc cử tri vào cho đến lúc ra khỏi phòng phiếu. Địa điểm bỏ phiếu mở cửa từ sáng sớm cho đến 20 giờ mà nhân viên vẫn đon đả, nhiệt tình và tâm huyết.

Nữ sinh viên Frida Maleh đã bỏ phiếu sớm hôm 4.11

Địa điểm bỏ phiếu của trường Đại học Brooklyn tại tầng ba, tên Roosevelt, cũng là tên của một tổng thống Mỹ - Franklin Roosevelt.

Tôi gặp trục trặc chút đỉnh lúc lấy phiếu bầu do nhân viên phòng phiếu chưa có kinh nghiệm nên không chấp nhận cho hộ chiếu Mỹ (passport) để đi bầu mà phải là căn cước công dân (ID). Nhưng rồi mọi chuyện đều được xử lý nhanh gọn khi người quản lý đến để giải quyết.

Bang New York có hai ứng cử viên cho chức Thống đốc bang – Bà Hochul (đảng Dân chủ) và ông Zeldin (đảng Cộng hòa). Bà Hochul, thống đốc hiện thời, không phải là người thắng cử kỳ rồi mà bà là cấp phó được lên thay thế ông Cuomo, thống đốc phải từ chức trước nhiệm kỳ do dính líu đến nhiều vụ bê bối. Tuy bắt đầu là một ứng cử viên không dấu ấn trên chính trường tiểu bang nhưng bà Hochul đã tạo được tiếng vang lớn trong các trường đại học với những khoản trợ cấp lớn cho các các chương trình nghiên cứu khoa học, xóa nợ học phí sinh viên vay, … nên bà được lòng của các giáo sư và sinh viên.

Khác các kỳ bầu cử trước, nhiều đồng nghiệp của tôi tuyên bố họ sẽ tham gia bỏ phiếu kỳ này đông đủ. Có hai trường phái rõ rệt: Nhóm giáo sư, nhân viên yêu thích đảng Dân chủ và các ứng viên của họ vì chính sách ủng hộ Công đoàn.

Giáo sư Avi Doytch nói: “Tôi sẽ bỏ phiếu cho ai miễn không phải là ông Zeldin. Tôi không tin ông này vì ông ấy ủng hộ cựu tổng thống Trump (pro-Trump). Ngoài ra hợp đồng lao động vừa hết hạn và chúng ta đang cố gắng để được ký hợp đồng mới với mức lương tăng đi kèm với nhiều phúc lợi khác. Đảng Dân chủ có truyền thống là luôn tạo điều kiện nhiều hơn cho những hợp đồng lao động của Công đoàn. Tôi tin rằng nếu bà Hochul thắng cử, chúng ta sẽ nhận được nhiều quyền lợi trong hợp đồng mới”.

Bên cạnh đó, những cán bộ khác của nhà trường như anh Vincent Wang thì lại tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho ông Zeldin của đảng Cộng hòa bởi vì: “Tôi muốn chấm dứt tình trạng tội phạm đang là vấn đề nhức nhối tại New York. Bạn nên bỏ phiếu cho ông ấy nếu bạn muốn an toàn, không ai bị trấn lột tại nhà ga tàu điện ngầm hoặc bị kỳ thị trên đường phố”.

Cộng đồng có nhiều người gốc Á tại quận Queens được dự báo là sẽ ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hoà vì họ lo lắng chính sách tăng thuế của đảng Dân chủ và tình hình tội phạm đang hoành hành tại thành phố New York cũng như lạm phát kinh tế làm chất lượng đời sống người dân đi xuống.

Theo một khảo sát nhỏ của tôi trên hơn 100 sinh viên tại trường Đại Học Brooklyn 5 ngày vừa qua, số lượng sinh viên đã và sắp đi bỏ phiếu cao hơn hẳn các đợt bầu cử trước đó. Nhiều sinh viên Mỹ quyết định tham gia đợt bầu cử giữa kỳ này là lần đầu tiên vì những bức xúc trong nhiều vấn đề xã hội. Không ngoài dự đoán, phần lớn sinh viên tại trường đại học Brooklyn đăng ký là cử tri của đảng Dân Chủ, tuy nhiên một số trong những cử tri này lại thể hiện xu hướng bầu cử cho ứng cử viên của đảng Cộng Hoà trong đợt bầu cử này.

Ngày hôm qua, chính sách xóa khoản nợ cho sinh viên 20.000 USD của bà Hochul được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện báo chí cũng như mạng xã hội của tất cả các trường thuộc hệ thống đại học thành phố New York (The University of New York) với hơn 500.000 sinh viên. Điều này tất nhiên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc lựa chọn của các cử tri trẻ tuổi trước thềm bầu cử.

Ngoài ra năm nay các chủ đề như là: Quyền phá thai hợp pháp; hôn nhân đồng tính; nhập cư lậu cũng là những yếu tố tác động đến việc bỏ phiếu của cử tri.

Sau khi bỏ phiếu, trên đường về nhà tôi vẫn còn suy nghĩ các điểm mạnh yếu của từng ứng cử viên. Tôi có lẽ cũng muốn một chút ước ao như người đồng nghiệp: “Phải chi nước Mỹ còn có những ứng cử viên chủ trương đường lối trung lập để người dân thêm sự lựa chọn trung hòa”.

Tuy nhiên, hiện nay các ứng cử viên hoặc quá thiên tả hoặc quá thiên hữu. Đảng thì chọn cấm phá thai hoàn toàn cho mọi trường hợp, đảng thì vung tiền vô tội vạ, trộm cướp tràn lan vì cắt giảm lực lượng cảnh sát.

Cộng với tình hình như hiện nay: Lạm phát nên người dân buộc phải cắt giảm chi tiêu vào việc mua lương thực, thực phẩm; lãi suất ngân hàng cao ảnh hưởng đến thị trường bất động sản; nguy cơ giá xăng dầu tăng mạnh ngay sau đợt bầu cử giữa kỳ này; viễn cảnh suy thoái kinh tế trong tương lai gần đang treo lơ lửng trên đầu các cử tri Mỹ khiến đợt bầu cử giữa kỳ này trở nên nóng bỏng và căng thẳng hơn bao giờ hết!

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay. Nước Mỹ có thể thay đổi chính sách nếu phe Cộng hòa chiếm lại đa số tại Hạ viện hoặc thêm cả Thượng viện. Riêng từng tiểu bang thì lại tùy thuộc vào đảng phái của chức Thống đốc thắng cử. Số lượng người bỏ phiếu sớm tuy đông hơn hẳn so với các kỳ trước đây nhưng các cuộc vận động đảng phái vẫn rầm rộ, ráo riết trên tất cả các tiểu bang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.