Cái cảm giác choáng và cả sợ khi trưa thanh vắng, chỉ mình tôi trên con đường nhỏ một bên là sông thấp thoáng sau những mái nhà thấp, hàng dừa nước, những tàng cây..., đây đó rời rạc tiếng chó sủa, gà kêu, đến bầy vịt cũng chẳng buồn lội mà uể oải im lìm trong dòng nước nhỏ, dưới tán bần lúp xúp. Tháng 4, sông hôm ấy không nhiều phù sa (tôi nghĩ vậy), vẫn thấy lấp lánh màu bạc. Tôi chỉ uống trái dừa bởi không đói, có lẽ do ăn sáng hơi muộn với tô bún nước lèo tú ụ thêm ly cà phê sữa bên phố. Chỉ là ngẫu hứng khi tôi mượn bạn chiếc xe máy chạy loanh quanh thành phố, đi thế nào tôi dừng trước sông và cái máu khám phá nổi lên, tôi thuê ghe qua bên kia, tôi ngại chờ phà lâu mà chiều phải rời Trà Vinh. Xuống ghe, gió mát lồng lộng, cái võng tùng tơn quá hấp dẫn khiến tôi không ngăn được việc thả mình trên đó và nhắm mắt. Tuy nhiên, chỉ một loáng đã nghe tiếng gọi đến nơi nên khi ấy tôi vẫn chưa cảm nhận được sông mênh mông thế nào!
Rồi chia tay Trà Vinh và hẹn một ngày trở lại. Chỉ là lời hẹn vu vơ, tôi không nghĩ ba tháng sau mình có chuyến về Trà Vinh lần nữa.
2. Nhìn trên bản đồ, cù lao Long Trị chỉ là doi đất bé tí xíu, ốm nhom khép nép bên cù lao Long Hòa, Hòa Minh nằm giữa sông Cổ Chiên, án ngữ vùng hạ lưu. Tháng 7, sông đục màu phù sa, ngút mắt thấy viền chân trời kẻ chỉ màu xanh lá cây đậm. Tôi ngồi sau xe máy chạy trên con đường chính và cảm nhận được độ lớn của cù lao khi nơi đây đầy đủ các sản phẩm của nông nghiệp và thủy sản. Những thửa ruộng xanh, từng đàn cò trắng vụt bay lên nhìn muốn hoa mắt, những đìa tôm, cầu khỉ, nhà vườn, sông, lạch, không khí trong lành làm sao. Cậu thanh niên chở tôi làm việc ở xã cho biết, nơi đây có 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước mặn. Nước mặn thì nuôi tôm, sang mùa nước ngọt thì trồng lúa, đủ gạo ăn quanh năm.
Bữa trưa hôm đó, chúng tôi được chiêu đãi những món “của nhà trồng”. Gà thả vườn, tôm thì quá ngon rồi, tôi đặc biệt “kết” món ba khía nấu lá me mà một người trong đoàn bảo rằng ở thành phố có tiền triệu chưa chắc ăn được con ba khía như thế này! Trong nồi lẩu đặc tôm, nghêu, sò, cá... tươi, ngọt. Còn nữa, tô cơm mới ngon làm sao, không phải màu trắng sáng đầy nghi ngại như cơm gạo thành phố nhưng ăn mới thấy vị ngọt, thơm chân chất ruộng đồng. Lúc đưa tôi ra phà, cậu thanh niên chở tôi nói, phải chi cô ở lại vài bữa, đi hết con đường (chính) này sẽ đến rừng đước, sau rừng có bãi nghêu, nguồn hải sản cung cấp cho thành phố, đi thuyền trên sông ban đêm đẹp lắm, gạo, thủy sản, rau, trái ở đây đặc biệt sạch. Có lời mời trở lại nào hấp dẫn hơn không? Chưa rời cù lao mà tôi thấy mình tương tư nơi này rồi!
Bình luận (0)