Không để tình trạng chi cục ban hành văn bản mà bắt doanh nghiệp cả nước phải thực hiện, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ Y tế, KH-CN, NN-PTNT, Tư pháp, LĐ-TB-XH về chuyên đề cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành vào sáng 17.10.
“Doanh nghiệp rất hoang mang”
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết khi những rào cản trong Nghị định 38 về kiểm tra an toàn thực phẩm vừa được dỡ bỏ, thay thế bằng Nghị định 15, thì một rào cản khác lại xuất hiện.
|
Cụ thể là 10 ngày qua, doanh nghiệp (DN) ngành thực phẩm TP.HCM lao đao vì có công văn của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 (thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT) yêu cầu từ 1.11.2018 không được nhập lúa mì có nhiễm cỏ dại là kế đồng, đồng thời tái xuất hàng nhập vào VN bởi ảnh hưởng đến môi trường. “Từ nửa tháng nay, các đàm phán quốc tế về bột mì đều dừng lại. DN chúng tôi hoang mang hết rồi”, bà Chi nói và cho biết thêm, rất may là sau khi gửi thư kêu cứu, đề nghị xin lùi thời gian áp dụng, ngay hôm sau bà nhận được tin nhắn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết đang xử lý.
tin liên quan
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Thu hồi ngay văn bản 'buộc tái xuất lúa mì có lẫn cỏ'“Hôm qua bảo kiểm, nay bảo không, mai lại kiểm”
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), kể 2 câu chuyện để minh chứng cho tình trạng gọi là “bất ổn trong thực thi chính sách”.
Chuyện đầu tiên liên quan nhãn hàng hóa khiến nhiều DN thủy sản bức xúc mấy tháng nay. Theo ông Nam, trên thế giới hiện có 3 công ty lớn khai thác cá đại dương, đăng ký với các tổ chức quốc tế kiểm soát. DN thủy sản nhập nguyên liệu thông qua các tàu khai thác về chế biến, mà trên tàu thì không thể có nhãn mác nên bị Cục Thú y giữ hàng ngoài cảng không cho kiểm dịch. “Khi Vasep kiến nghị, Cục Thú y có văn bản giải quyết trước mắt đối với lô hàng của 3 công ty lớn mà VN nhập về. Sau đó, Cục lại có văn bản yêu cầu không kiểm dịch. Hệ quả là những lô hàng cá chuyển từ tàu khai thác quốc tế về không được kiểm dịch và sau đó Chi cục Thú y vùng 6 có văn bản gửi Hải quan TP.HCM đề nghị xử lý vi phạm. Khi Vasep phản ứng với lãnh đạo Bộ NN-PTNT ngày 22.8 thì ngày hôm sau, Cục Thú y có văn bản đồng ý cho kiểm dịch với lý do vì hải quan chưa trả lời”, ông Nam kể lại. Ngày 24.9, Cục Thú y có công văn gửi chi cục, hỏi ý kiến về việc kiểm soát chất lượng đối với lô hàng cá khai thác đại dương. Đây chỉ là văn bản hỏi ý kiến chi cục địa phương, nhưng lập tức các chi cục ngừng kiểm dịch mặt hàng này trên toàn quốc. “Việc hàng ách tắc tại cảng đã gây thiệt hại lớn cho DN. Chỉ riêng 3 DN trong 2 tuần đã mất khoảng 500 triệu đồng nộp cho cảng Cát Lái”, ông Nam nói và cho hay hiện một số DN bị thiệt hại đang muốn khởi kiện hành chính.
Chuyện thứ hai là việc một phó vụ trưởng của Tổng cục Thủy sản yêu cầu phải xuất trình được giấy phép khai thác của ngư dân, một loại giấy mà ông Nam nhấn mạnh là “thông lệ quốc tế” không có. Qua hai sự việc này, ông Nam cho rằng, dù cấp Chính phủ, Bộ trưởng đang rất cải cách song xuống dưới thì đang có tình trạng “bất ổn trong thực thi chính sách” nên thiệt hại kinh tế cho DN khá lớn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng bức xúc không kém. “Không thể để trường hợp như anh Nam nói, một văn bản để DN đi đi lại lại, hôm bảo không kiểm, hôm bảo kiểm, thích thế nào làm thế mà không áp dụng theo một quy chuẩn, tiêu chuẩn nào cả. Không thể để tình trạng ban hành văn bản tùy tiện như vậy, dù không nhiều. Lãnh đạo bộ rất quyết liệt nhưng để cấp cục lộng hành là không ổn. Cán bộ ban hành sai thẩm quyền phải bị xử lý nghiêm”, ông Dũng nói.
Bình luận (0)