Biết trước đề kiểm tra… cả tuần
Lâu nay, nghĩ tới giờ kiểm tra, thi cử môn ngữ văn là hình dung học sinh sẽ ai ngồi vị trí người ấy, im lặng tuyệt đối và cắm cúi viết hết trang giấy nọ đến trang giấy kia. Học sinh chỉ viết được bài văn về tác phẩm đã ôn luyện, nếu gặp tác phẩm mới tinh hầu hết sẽ phàn nàn và không biết làm thế nào để phân tích hay biểu đạt suy nghĩ của mình.
Giờ "kiểm tra" khác lạ, từng nhóm tự do thảo luận trước khi lên thuyết trình |
tuệ nguyễn |
Do vậy, bước vào phòng học của lớp 8 Trường The Dewey Schools (Hà Nội), nếu không được giới thiệu trước sẽ khó hình dung lớp học ồn ào, học sinh chạy đi chạy lại khá tự do, tranh luận sôi nổi… lại đang là giờ kiểm tra định kỳ môn ngữ văn.
Chỉ có điều, cả cô và trò đều đã quen với cách làm này, học sinh cũng có thể không biết hoặc không quá quan trọng về việc mình đang trả bài hay đang thực hiện một bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ để tính điểm nhân hệ số 1 hay hệ số 2...
Việc kiểm tra còn “lạ” ở chỗ học sinh biết trước đề và được phép chuẩn bị trước cả tuần, ngữ liệu của “đề kiểm tra” cũng không nằm trong sách giáo khoa như cách thức quen thuộc.
Chủ đề mà giáo viên yêu cầu lần này, đó là: “Tìm hiểu văn bản chính trị xã hội” với 3 văn bản được giao không nằm trong chương trình sách giáo khoa lớp 8 gồm: Diễn văn Gettyburg của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln; Ba bức thư gửi tới những người yêu chuộng hòa bình của Albert Einstein; Vấn đề phương Đông và phương Tây của tác giả Phạm Quỳnh.
Lớp được chia thành 3 nhóm. Mỗi nhóm thảo luận sản phẩm của 2 nhóm còn lại. Sản phẩm của nhóm nào được nhiều bạn lựa chọn nhất được lên thuyết trình.
Sau phần thuyết trình của mỗi nhóm, các thành viên còn lại đưa ra nhận xét, góp ý, yêu cầu thành viên của mỗi nhóm phải làm rõ hơn những vấn đề chưa hiểu hoặc trình bày chưa thuyết phục. Có những nội dung tranh luận khá gay gắt, bên nào cũng bảo vệ quan điểm của mình…
Giáo viên chủ yếu thực hiện vai trò quan sát và làm “trọng tài” khi thực sự cần thiết. Cô Nguyễn Thị Thúy, Tổ trưởng tổ Khoa học xã hội khối THCS của trường, cho hay: khác với việc kiểm tra, đánh giá theo cách truyền thống, việc kiểm tra lâu nay trường vẫn áp dụng là không có một bài kiểm tra cụ thể nào cả mà trong quá trình học, thực hành, học sinh sẽ được đánh giá và sau đó có một bài thu hoạch, tổng kết chứ không phải bài kiểm tra 1 tiết hay 2 tiết…
Giơ tay để phản biện phần thuyết trình của từng nhóm |
tuệ nguyễn |
Theo cô Thúy, bài hôm nay là một bài tổng kết, kiểm tra được rất nhiều kỹ năng: ví dụ kỹ năng đọc hiểu, tìm kiếm tư liệu, giao tiếp và viết… và nó sẽ được đánh giá cả quá trình với đầy đủ các kỹ năng chứ không đánh giá qua một bài kiểm tra viết đơn thuần qua mấy trang giấy.
Nếu học sinh thuộc nhóm học tốt về môn học này thì có thêm những yêu cầu, thử thách để bộc lộ được hết năng lực của mình.
“Cách học, cách kiểm tra như vậy thì tôi là giáo viên cũng học được rất nhiều từ học sinh bởi các em tự tìm tòi kiến thức, tư liệu từ bên ngoài. Cô trò cùng học và học sinh được tự làm, tự trình bày suy nghĩ của mình và không chịu bất cứ một sự áp đặt nào. Tôi chỉ giao yêu cầu nhiệm vụ, hình thức làm và đợi đến ngày thu bài”, cô Thúy chia sẻ.
"Nếu thấy sách giáo khoa khiên cưỡng tôi cũng không dạy cho học sinh"
Cô Thúy cũng cho biết vẫn nói với học sinh: “Cô đồng ý với tất cả các ý kiến cá nhân của các bạn nhưng các bạn phải giải thích được một cách thuyết phục vì sao các bạn lại đưa ra nhận xét, suy nghĩ như vậy chứ không áp đặt theo cảm nhận của cô hay theo sách”.
Học sinh luôn được khuyến khích phản biện lại giáo viên và các em học được việc chấp nhận sự tranh luận, phản biện của người khác. “Do vậy, bản thân tôi là người dạy nhưng nếu tôi thấy những vấn đề trong sách giáo khoa, sách giáo viên là khiên cưỡng tôi cũng không đưa ý đó vào dạy cho học sinh của mình. Bởi nếu mình không thấy thuyết phục thì khi học sinh phản biện lại mình sẽ rất khó giải thích để khiến học sinh đồng tình”, cô Thúy nói.
Cũng theo cô Thúy, dù vẫn bám sát vào chuẩn kiến thức kỹ năng theo chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng thiết kế chương trình gần giống cách học đại học, học theo tín chỉ, cuốn chiếu theo mạch kiến thức.
Ví dụ, ở lớp 8 cô đang dạy, học kỳ 1 gần như chỉ học tiếng Việt, học kỳ 2 sẽ chuyển sang học văn. Nếu học song song thì nội dung khá dàn trải và nhầm lẫn, khi thực hiện dạy học cuốn chiếu thì thấy hiệu quả khác biệt khi học sinh hệ thống được kiến thức do các em được học liền mạch, trang bị kỹ năng ngôn ngữ tốt để vận dụng vào phần văn.
Nội dung học và kiểm tra đánh giá thoát ly ngữ liệu trong sách giáo khoa nhằm giúp học sinh thoải mái trình bày suy nghĩ riêng của mình mà không phải theo bất cứ khuôn mẫu nào |
lại phúc |
Học sinh không chỉ buộc phải chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ, quan điểm của riêng mình mà còn được lựa chọn cách thức thể hiện điều đó. Ví dụ, khi học sinh lớp 8 được yêu cầu giải mã truyện lịch sử Thiếp chàng đôi ngả của tác giả Nguyễn Triệu Luật, các bạn có rất nhiều sản phẩm nghệ thuật thể hiện quan điểm, hiểu biết cũng như phát huy năng lực về văn học của mình như: một bài thơ về tình yêu nhiều bi kịch của 2 nhân vật chính là Trần Đông Du và Trịnh Văn Trúc; một kịch bản chi tiết về cái chết của nhân vật Trần Đông Du; một bài tiểu luận về bi kịch tư tưởng của Trần Đông Du hay một video bàn luận về yếu tố lịch sử và hư cấu trong tác phẩm…
Căn cứ theo nội dung học, học sinh được đánh giá qua sản phẩm học tập đa dạng như: bài tiểu luận, video, bài thuyết trình, sản phẩm chuyển thể như kịch, thơ…
Với hình thức đặc biệt của các dự án học tập trong môn văn - tiếng Việt, thay vì được đánh giá trên thang điểm 10 như những bài kiểm tra chuẩn thông thường, các em học sinh được đánh giá theo từng tiêu chí cụ thể ứng với mỗi thể loại sản phẩm.
Cụ thể, đối với sản phẩm là tiểu luận, tiêu chí đánh giá sẽ là cách các em tư duy chọn đề tài, khả năng xây dựng dàn ý, viết thành công tiểu luận và bảo vệ những luận điểm đưa ra trong tiểu luận trước lớp.
Đối với hạng mục làm video theo nhóm, các em được đánh giá dựa trên ý tưởng cho video, kịch bản tự viết, quá trình quay phim, dựng phim, làm đồ họa và ý thức khi làm việc nhóm.
Theo cô Thúy, việc kiểm tra, đánh giá rất quan trọng. Nếu khuyến khích các nhà trường đổi mới, dạy học kiểm tra theo hướng mở mà đề thi tại các kỳ thi quan trọng vẫn “đóng” thì rất khó tạo động lực cho các trường thay đổi, nhất là môn ngữ văn.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc Chương trình Khoa học xã hội và nhân văn, Hội đồng Khoa học và sư phạm The Dewey Schools, chia sẻ: “Học sinh được chủ động sáng tạo, trao quyền để quyết định trải nghiệm học tập của mình. Những bài tiểu luận của các bạn có thể còn vụng về, những thước phim tự làm có thể còn chưa tới..., nhưng vẫn thể hiện rõ sự tiến bộ của các bạn so với chính bản thân mình trước kia".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: "Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn..."
Như Thanh Niên đã thông tin, phát biểu tại hội thảo nhằm đánh giá thực trạng dạy học các môn ngữ văn ở trường phổ thông vào tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định quan điểm cần triệt tiêu văn mẫu và nhấn mạnh, văn học phải củng cố vị trí của một môn học nghệ thuật.
Môn học cần phát triển tư duy nghệ thuật, trong đó đặc biệt lấy phát triển tư duy hình tượng, lấy văn học làm rộng mở trí tưởng tượng, phát triển các cảm xúc.
“Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được tinh thần cho con người”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bình luận (0)