Các học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng GS Huỳnh Như Phương sau phần chia sẻ của ông về dạy học văn sáng 5.11 |
HÀ ÁNH |
Đây là những chia sẻ của GS Huỳnh Như Phương trong buổi giao lưu diễn ra tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sáng nay (5.11). Tại đây, GS đã chia sẻ nhiều trăn trở về việc dạy văn ở phổ thông hiện nay.
Dạy văn ở phổ thông như là cách thu hẹp, rút gọn dạy văn ĐH?
Trong bài chia sẻ của mình, GS Huỳnh Như Phương (khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đã đặt ra vấn đề dạy văn trong trường phổ thông. Ông cho rằng, việc dạy văn và học văn không tách rời với nhà trường, nhà trường thế nào thì học văn thế nấy. Nếu nhà trường như thế đó thì việc dạy văn rất khó đổi mới, thay đổi.
GS Phương đặt vấn đề: “Có lẽ chưa bao giờ việc học văn và liên quan với đó là việc dạy văn, đứng trước một tình thế đầy mâu thuẫn như hiện nay. Chưa bao giờ sách báo, tài liệu tham khảo, phương tiện học tập phong phú, đội ngũ thầy cô giáo đầy nhiệt huyết như hiện nay. Nhất là quan niệm về văn học đổi mới cởi mở hơn rất nhiều so với trước đó. Nhưng tại sao, chưa bao giờ môn văn dưới góc nhìn xã hội lại bị giảm sút uy tín và bị phàn nàn nhiều trong dư luận như hiện nay?”.
GS Huỳnh Như Phương chia sẻ trong buổi giao lưu |
HÀ ÁNH |
Lý giải vấn đề mình đặt ra, ông Phương cho rằng có đủ thứ lý do như do cuộc sống, do chủ nghĩa thực dụng, do văn mẫu… Nhưng dưới góc nhìn về suy nghĩ và quan niệm dạy văn, ông cho rằng cần phân biệt học văn ở bậc phổ thông và học văn ở bậc ĐH.
Ông phân tích: “Học văn ở bậc phổ thông là học làm người, học làm giàu tâm hồn và trí tuệ. Học văn ở bậc ĐH là học một nghề nghiệp, học kiến thức và kỹ năng để làm nghề. Dạy văn ở phổ thông chủ yếu là dạy người, còn dạy văn ở ĐH chủ yếu là dạy nghề. Dạy văn ở phổ thông chủ yếu là một nghệ thuật trong khi dạy văn ở ĐH chủ yếu là một khoa học”.
Tuy nhiên, theo GS Huỳnh Như Phương, hai lĩnh vực trên không tách rời hay trái ngược nhau mà có quan hệ chặt chẽ, có ảnh hưởng qua lại với nhau. Trong đó, nội dung và nghệ thuật dạy văn ở phổ thông thành công sẽ tác động đến chất lượng dạy văn ở ĐH. Còn dạy văn ở ĐH, nhất là ở các trường sư phạm, được đổi mới sẽ góp phần đổi mới dạy văn ở phổ thông.
Nhìn nhận vào thực tế, GS Huỳnh Như Phương cho rằng, hiện nay có xu hướng dạy văn ở phổ thông như là cách thu hẹp, rút gọn dạy văn ở ĐH. Ngược lại, dạy văn ở ĐH là cách kéo dài và mở rộng dạy văn ở phổ thông. Hiện nay trình độ viết sách giáo khoa (SGK) của các thầy rất cao và dường như các thầy muốn đưa những kiến thức đó vào SGK. Vậy làm thế nào để dạy văn có kết quả đúng với đặc trưng của nó?
Học văn là học cách sống hòa hợp và có trách nhiệm với xã hội, đất nước, đồng thời là sống như một cá tính độc đáo-độc đáo không phải là lập dị, làm cho khác người. Học văn là học cách tu dưỡng, cách nói năng, học nghệ thuật ngôn từ, mà cũng là học nghệ thuật lắng nghe và im lặng...
GS Huỳnh Như Phương
‘Học văn là học sống ở đời giữa muôn người…’
Học sinh tham dự buổi giao lưu |
HÀ ÁNH |
Trước câu hỏi có gì chung đặt ra cho việc học văn, GS Huỳnh Như Phương cho rằng: “Học văn là học kinh nghiệm làm người ở đời để mà chính mình tự quyết lấy cuộc đời mình. Vì không ai có thể thay ta đưa ra lời giải bài toán cuộc đời ta. Người học văn vì tiếp xúc với nhiều cuộc đời trong sách vở nên có thể lúng túng, lưỡng lự, phân vân và băn khoăn khi va chạm với cuộc đời thực tế. Ta tham khảo từ những cuộc đời đó để rồi đưa ra giải pháp của riêng ta”.
Cũng theo GS Huỳnh Như Phương, học văn còn là học cách ứng xử với quá khứ, đối mặt với hiện tại và dự báo cho tương lai. Học văn là học sống ở đời giữa muôn người cũng đồng thời là học làm người tự do lựa chọn. Học văn là học cách sống hòa hợp và có trách nhiệm với xã hội, đất nước, đồng thời là sống như một cá tính độc đáo-độc đáo không phải là lập dị, làm cho khác người. Học văn là học cách tu dưỡng, cách nói năng, học nghệ thuật ngôn từ, mà cũng là học nghệ thuật lắng nghe và im lặng...
Để các thế hệ học sinh không có những ác mộng về nhà trường…
Một phần trong buổi giao lưu, GS Huỳnh Như Phương dành chia sẻ suy nghĩ của mình về câu chuyện học đường. Ông bắt đầu bằng câu chuyện giấc mơ con người: “Trong các giấc mơ thì những giấc mơ liên quan đến nhà trường và đi học thuộc nhóm nhiều nhất, thuộc vào top 5. Sở dĩ như vậy bởi chúng ta bị áp lực của thời hiện nay”.
Liên hệ tới câu chuyện của mình, GS Phương nhớ lại: “Thỉnh thoảng tôi vẫn ác mộng chuyện đi học bị trễ giờ, không nộp bài kịp… Nhưng đó hầu như là những giấc mơ đẹp. Đó là lý do tôi có cảm hứng đẹp để viết về nhà trường và các thầy cô giáo sau này”. Và cuốn sách Ước vọng cho học đường-những bài viết về giáo dục của mình là tập hợp những bài viết như ông nói.
“Nếu hỏi tôi có ước vọng gì cho học đường, tôi chỉ mong muốn trường học làm thế nào để các thế hệ học sinh không có những ác mộng mà chỉ có những giấc mơ đẹp về nhà trường”, GS Huỳnh Như Phương trăn trở.
Bình luận