Tuyến dưới giỏi, tuyến trên đỡ khổ

Thanh Tùng
Thanh Tùng
06/10/2022 04:14 GMT+7

Khi bệnh viện tuyến dưới làm được nhiều kỹ thuật khám chữa bệnh, ngoài giúp người bệnh kịp thời được chữa trị, không phải đi xa, còn góp phần giải quyết bài toán khó của ngành y lâu nay, đó là tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Báo Thanh Niên vừa có loạt bài Bệnh viện vùng ven vượt khó. Qua đó cho thấy có những bệnh viện vùng ven của TP.HCM trước đây “èo uột”, nhưng đã nỗ lực học hỏi tuyến trên, đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, đã đem lại kết quả phát triển rõ rệt, làm được nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh như can thiệp tim mạch, mổ thoát vị đĩa đệm... Từ đó người dân tại địa phương đã tin tưởng, mạnh dạn “bước vào” điều trị, thay vì phải lên tuyến trên đợi chờ lâu, tốn thời gian, chi phí nhiều hơn như trước đây.

Vài năm trước, những bệnh viện huyện như Bình Chánh, Củ Chi... phần lớn khi nhận những ca bệnh khó, họ làm động tác “kính chuyển” tuyến trên, do khi đó không có “đồ chơi” - từ con người, máy móc, kỹ thuật. Nhiều bác sĩ tuyến trên khi nhận bệnh từ tuyến dưới hay nói vui “tuyến dưới chỉ làm động tác đẩy” - ý nói phần lớn ca bệnh khó một chút vào tuyến dưới là bệnh viện “đẩy” ngay lên tuyến trên.

Chính vì thế mà nhiều bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM thường nhận “những ca bệnh không đáng” - ý nói những ca bệnh thông thường này tuyến dưới có thể triển khai điều trị được. Do quá tải, bác sĩ bệnh viện tuyến trên hằng ngày quay vòng với hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân nên không còn nhiều thời gian tập trung cho những ca bệnh nặng cần theo dõi sát sao, hay nghiên cứu, sáng tạo trong điều trị những kỹ thuật mới, việc tiếp xúc bệnh nhân cũng chỉ qua loa...

Bài toán giải quyết quá tải cho bệnh viện tuyến trên sẽ không giải xong, nếu như các bệnh viện tuyến dưới không phát triển. Dẫu tuyến trên có xây thêm bệnh viện, thêm giường bệnh thì vẫn quá tải bệnh nhân, khi người dân chưa tin vào tuyến dưới, khi giao thông thuận lợi thì người bệnh sẽ thẳng tiến lên tuyến trên nhiều hơn.

Đầu tư cho bệnh viện tuyến dưới để giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên là việc lâu nay những người làm ngành y đều biết. Tuy nhiên, để triển khai tốt, hiệu quả việc đó không phải nơi nào cũng làm được. Do vậy, không chỉ vùng xa mà ngay cả vùng ven ở TP.HCM cũng còn những bệnh viện chưa phát triển.

Để phát triển, cần sự nỗ lực của bệnh viện tuyến dưới, sự nhiệt tình chia sẻ chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên, và quan trọng là sự quan tâm của cấp quản lý y tế, của địa phương.

Người dân hy vọng trong thời gian tới, nhiều bệnh viện vùng ven của TP.HCM, cũng như các bệnh viện tuyến dưới ở các tỉnh vùng xa có được sự đầu tư phát triển. Có như thế mới giúp người bệnh không phải đi xa, đặc biệt giúp điều trị kịp thời những ca bệnh nặng, tận dụng “thời gian vàng” trong điều trị, nhất là các bệnh tim mạch, đột quỵ, chấn thương sọ não...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.