Ngày 20.11, tại Hà Nội, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2021, tuyên dương những giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, vượt qua khó khăn trong dịch Covid-19, thiên tai, lũ lụt, vùng sâu, vùng xa…
Chương trình được tổ chức trực tiếp với 34 thầy cô giáo ở đầu cầu Hà Nội và 16 thầy cô tham gia trực tuyến ở các đầu cầu trên toàn quốc.
Tới dự chương trình có ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT…
Ông Phạm Tất Thắng và anh Nguyễn Anh Tuấn trao phần thưởng cho các thầy cô giáo |
bảo anh |
Dù khó khăn đến đâu vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ
Phát biểu tại buổi lễ, anh Nguyễn Ngọc Lương nhấn mạnh, trong bất kỳ thời kỳ và hoàn cảnh nào, hình ảnh người thầy vẫn luôn được trân trọng, tôn vinh. Yêu kính thầy cô đã trở thành một chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam. Người thầy luôn là một tấm gương sáng cho học trò noi theo vì ngoài nhiệm vụ truyền thụ kiến thức thì người thầy cũng là hình mẫu về đạo đức lối sống, có lòng yêu thương học trò, yêu nghề, sống nhân ái nghĩa tình, được mọi người kính trọng.
“Xã hội càng phát triển, đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân được nâng cao thì truyền thống tôn sư trọng đạo ngày càng được trân trọng, giữ gìn và phát huy hơn nữa. Và chương trình Chia sẻ cùng thầy cô là một trong những hoạt động góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống quý báu đó, thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ, của những lớp học trò đối với các thầy giáo, cô giáo”, anh Nguyễn Ngọc Lương nói.
Anh Nguyễn Ngọc Lương phát biểu trong chương trình |
bảo anh |
Anh Nguyễn Ngọc Lương cho hay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ở nhiều địa phương các em học sinh chưa được tới trường nhưng các thầy cô giáo đã nỗ lực, sáng tạo để các em “dừng đến trường, không ngừng việc học”. Hình ảnh các thầy cô leo đồi, leo núi để gửi bài cho học sinh; thầy trò hứng sóng điện thoại để trao đổi bài vở; thầy trò đánh vật với con chữ trên màn hình thay cho phấn trắng, bảng đen đã trở nên hết sức quen thuộc, thân thương trong những ngày giãn cách xã hội.
Theo anh Lương, trong 50 thầy cô giáo được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, chặng đường phấn đấu có thể rất khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều chung một tình yêu con trẻ, sự tận tụy, say mê và sáng tạo với nghề “gieo chữ”, sự nỗ lực phấn đấu vượt qua gian khó, tất cả vì học sinh thân yêu. Họ chính là hình ảnh minh họa của những người giáo viên Việt Nam, dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu vẫn luôn cố gắng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ trồng người của mình.
“Chúng ta luôn ghi nhớ và tri ân lực lượng cán bộ, bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch, những người đã vất vả, hy sinh để đã đem lại cuộc sống bình yên cho đất nước; chúng ta cũng sẽ luôn ghi nhớ, tri ân lực lượng giáo viên. Họ là những người âm thầm tuyến sau nhưng cũng phải vượt qua biết bao khó khăn vất vả, để đại dịch có diễn biến phức tạp đến đâu thì mọi em học sinh đều được tiếp thu kiến thức, để cuộc sống được duy trì trong trạng thái bình thường mới, để những mầm non của đất nước vẫn được vun trồng, để tương lai của đất nước được phát triển bền vững”, anh Lương nhấn mạnh.
Không để em nào bị bỏ lại phía sau
Tại buổi tuyên dương, các thầy cô đã có buổi giao lưu xúc động khi chia sẻ về những khó khăn và nỗ lực của cả thầy và trò trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 vừa qua.
Ông Phạm Tất Thắng trao biểu trưng cho giáo viên được tuyên dương |
bảo anh |
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Kiều (tỉnh Đắk Nông) chia sẻ việc dạy online khó khăn, do học sinh không có thiết bị. Nhiều gia đình cố gắng mua điện thoại nhưng cũng không đủ vì có nhiều con. Đặc biệt ở vùng cao, nhiều nơi chưa có đường truyền, chưa có sóng điện thoại. “Hầu như các em đều có gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm kinh tế, nhiều em bố mẹ xa nhà, nên chưa quan tâm đến việc học của con”, cô Kiều cho biết.
Để khắc phục khó khăn, cô Kiều chia sẻ, giáo viên phải tìm mọi cách để kết nối với học sinh. “Với sự nhiệt huyết và tình yêu nghề không bao giờ vơi, chúng tôi đã tìm mọi cách để không em nào bị bỏ lại phía sau”, cô Kiều chia sẻ.
Anh Nguyễn Anh Tuấn trao bằng khen cho giáo viên được tuyên dương |
bảo anh |
Thầy Mai Văn Quyết (tỉnh Bạc Liêu), người cao tuổi nhất trong 50 thầy cô được tuyên dương, đã nhắn gửi tới các thầy cô rằng dù khó khăn nhưng phải bằng mọi cách để các em không bỏ cuộc. Thầy Quyết mong các thầy cô được vinh danh đừng tự mãn, hài lòng, mà phải không ngừng phấn đấu, và mong chương trình được duy trì mãi mãi để nhiều thế hệ nhà giáo được vinh danh.
Tại chương trình, ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc Marketing Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ 40 năm đồng hành cùng tri thức, giáo dục và đất nước Việt Nam trong mọi hoàn cảnh của đất nước, Tập đoàn Thiên Long cảm nhận sâu sắc việc dịch bệnh đã làm xáo trộn nhiều mặt của xã hội. Nhưng dịch bệnh cũng làm sáng bừng nghị lực và sự sáng tạo của người thầy.
“Chừng nào tấm lòng và nghị lực của các thầy cô còn đó, chừng đó ngành giáo dục sẽ vẫn có thể thích nghi và truyền tải kiến thức cho thế hệ tương lai của đất nước. Tập đoàn Thiên Long tin rằng dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo đến đâu, lòng biết ơn và mong muốn tri ân những người thầy trong dịp 20.11 sẽ không bao giờ dừng lại.
Thật may mắn, dù năm nay chương trình Chia sẻ cùng thầy cô gặp nhiều xáo trộn về lịch trình nhưng vào đúng ngày 20.11 hôm nay, chúng tôi vẫn có thể tổ chức một buổi lễ tôn vinh những thầy cô phi thường đã dốc sức dạy học ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong điều kiện hết sức đặc biệt”, ông Hào nói.
Các giáo viên được tuyên dương đã được nhận bằng khen của T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình và sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng, kèm nhiều phần thưởng, cùng các hình thức khen thưởng khác của Bộ GD-ĐT.
Bình luận (0)