Dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn ODA trung hạn 2016 - 2020 cho dự án tuyến đường sắt đô thị - tuyến metro số 1, nhưng đến nay TP.HCM vẫn chưa nhận được thêm đồng vốn nào, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án.
Đó là nội dung buổi họp báo thường kỳ về tình hình các dự án đường sắt đô thị TP, do Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (ban quản lý) tổ chức sáng qua 8.9.
Vốn rót nhỏ giọt
Theo ban quản lý, dự án tuyến metro số 1 vẫn đang gặp khó khăn rất lớn về nguồn vốn. Trước tết 2017, TP.HCM đã ứng khoảng 900 tỉ đồng để chủ đầu tư trả cho nhà thầu thanh toán tiền cho công nhân về quê ăn tết.
tin liên quan
Gỡ khó cho tuyến metroThủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo về việc giải ngân vốn ODA cho dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và xem xét bố trí vốn cho nhiều dự án khác của TP.HCM.
Nhu cầu vốn theo tiến độ thi công của tuyến metro số 1 năm 2017 cần 5.400 tỉ đồng để thanh toán cho các nhà thầu, nhưng TP chỉ được phân bổ 2.100 tỉ đồng. Tại buổi làm việc với TP.HCM đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) làm việc với các bộ chức năng về ứng vốn ODA cho dự án tuyến metro số 1 và bố trí vốn ODA trung hạn 2016 - 2020 phù hợp nhu cầu và tiến độ thi công thực tế các dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn TP.
Tuy nhiên theo ông Quang, cho đến giờ TP vẫn chưa nhận được thông tin đề xuất nào từ phía Bộ KH-ĐT. “Việc giải quyết vốn chậm trễ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ và mục tiêu của dự án, kéo theo hàng loạt vấn đề về vật tư, nhân công, nhà thầu”, ông Quang nói và đề nghị các bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện cho tuyến metro số 1 đủ tiền trả cho nhà thầu.
Ông Quang cho biết đến thời điểm hiện tại, đoạn trên cao của tuyến metro số 1 (từ ga Ba Son đến Depot Long Bình) đã hoàn thành 70% khối lượng công việc. Ngày 15.10 tới sẽ lắp đường ray theo hình thức cuốn chiếu.
Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc do trước đây Bộ Tài chính thông báo hàng hóa, thiết bị nhập khẩu để thi công tuyến metro sẽ được miễn thuế. Vừa rồi, Bộ có thông tư mới xem xét lại vấn đề này khiến một số thiết bị phục vụ thi công bị tắc ở cảng. TP.HCM đã chủ động làm việc với các bên liên quan để tháo gỡ vướng mắc này.
Ảnh hưởng đến kinh tế TP.HCM
KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích, tiến độ thi công tuyến metro số 1 có tác động rất lớn không chỉ về giao thông, hạ tầng mà cả sự phát triển kinh tế của TP.HCM. Việc ký kết với các nhà thầu, cam kết về tiến độ thi công của dự án đã được thỏa thuận rõ ràng giữa các bên.
Nay vốn không kịp phân bổ, dự án trước nguy cơ không chỉ bị ngừng thi công mà TP còn phải trả một khoản tiền lớn bồi thường theo đúng hợp đồng cho nhà thầu.
Bên cạnh đó, để phục vụ thi công tuyến đường sắt này cùng những công trình đi kèm, nhiều “lô cốt” mọc lên trong TP, không chỉ ảnh hưởng giao thông mà còn khiến TP mất một lượng lớn nguồn thu về thuế. Doanh nghiệp và người dân cũng bị thiệt hại về kinh doanh buôn bán. Vì vậy, đã làm là không được ngừng cho đến khi làm xong.
tin liên quan
Metro chậm vì… tiềnTheo KTS Ngô Viết Nam Sơn, tiến độ thi công tuyến metro số 1 có tác động rất lớn không chỉ đến vấn đề giao thông, hạ tầng mà về cả sự phát triển kinh tế của TP.HCM.
Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nếu tình trạng chậm trễ tiếp tục, TP buộc phải “giật gấu vá vai”, nhưng với tình hình hiện nay, e rằng TP.HCM cũng không thể còn chỗ nào để “giật” được nữa. “Đối tác Nhật làm việc rất chuyên nghiệp và sòng phẳng, nếu VN tiếp tục chậm trễ, nguy cơ họ rút khỏi dự án là rất lớn. Hơn 160.000 tỉ đồng Kho bạc gửi ngân hàng, hơn 300.000 tỉ đồng Quỹ bảo hiểm xã hội lấy mua trái phiếu, liệu TP.HCM có thể dùng vào đó? Tức là Chính phủ có tiền, nhưng metro của TP.HCM chưa được ưu tiên”, ông Lưu Bích Hồ nói.
|
Bình luận (0)