Tuyển sinh đại học 2019: Nguyện vọng vào khối ngành kinh doanh cao nhất

Quý Hiên
Quý Hiên
16/05/2019 09:07 GMT+7

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT về tình hình đăng ký xét tuyển ĐH năm nay, nhóm ngành kinh doanh, quản lý và pháp luật có số lượt thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển cao nhất. Trong khi đó, nhóm ngành xã hội nhân văn, an ninh quốc phòng có tỷ lệ 'chọi' cao nhất.

 

An ninh quốc phòng số lượng đăng ký rất cao

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) là nhóm ngành có số lượt nguyện vọng (NV) xét tuyển cao nhất, 822.956 NV, trong khi chỉ tiêu là 126.473.
Trong khi đó, khối ngành có tỷ lệ "chọi" cao nhất (1/7) là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng), 104.769 chỉ tiêu mà có đến 739.587 NV. Theo giải thích của một chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), do trong khối ngành này có các ngành nhóm an ninh, quốc phòng, tuy chỉ tiêu ít nhưng số NV đăng ký rất cao nên kéo tỷ lệ "chọi" chung của khối ngành cao lên. Khối ngành sức khỏe (khối VI) tuy tổng số NV đăng ký không nhiều (199.573 NV) nhưng do chỉ tiêu ít (34.352) nên tỷ lệ NV trên chỉ tiêu cũng rất cao: 5,8/1.

Chỉ tiêu công nghệ thông tin tăng không đáng kể

Trước dự báo nhu cầu nhân lực các ngành công nghệ thông tin (CNTT), du lịch tăng trong thời gian tới, Chính phủ đã khuyến khích các trường ĐH có các đề án đào tạo riêng cho 2 lĩnh vực này, để từ đó các trường có thể tăng chỉ tiêu CNTT, du lịch mà không bị bó hẹp trong khuôn khổ quy định chung về việc tự xác định chỉ tiêu.
Nhưng theo một chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), hiện tại hầu như không có trường nào có đề án đào tạo riêng cho CNTT và du lịch. Vì thế, chỉ tiêu của các nhóm ngành CNTT và du lịch có tăng nhưng không đáng kể, tỷ lệ tăng cũng chỉ ở mức độ tương tự các ngành khác.
“Vì kết quả tuyển sinh cũng góp phần tạo dựng thanh danh của trường nên các trường phải tính toán, không thể tùy ý đặt ra các mức chỉ tiêu. Đặt chỉ tiêu cao mà thí sinh không đăng ký, tuyển sinh không đủ thì uy tín của nhà trường sẽ suy giảm”, vị chuyên viên này phân tích.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, nhiều trường ĐH khối kỹ thuật cũng cho biết trường không mặn mà với cơ hội tăng chỉ tiêu ngành CNTT. PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết năm nay trường có tuyển thêm 2 mã ngành liên quan tới nhóm ngành CNTT, mỗi mã ngành 40 chỉ tiêu, nhưng lại giảm bớt 1 mã ngành. Vì thế, tổng chỉ tiêu các các ngành do Viện CNTT của trường đảm nhiệm khâu đào tạo vẫn tương đương năm ngoái, chỉ khoảng 750 - 800 chỉ tiêu.
"Cán bộ của Viện CNTT hiện chỉ có 100 người, nếu mở rộng chỉ tiêu thì chất lượng đào tạo e không đảm bảo như mong muốn của trường. Trường chỉ tăng chỉ tiêu khi tuyển dụng được thêm giảng viên đạt trình độ mà trường yêu cầu", PGS Tớp nói.
Còn PGS Nguyễn Hoàng Long, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, cho biết: “Trường không tăng các mã ngành của nhóm ngành CNTT bởi đang phải thực hiện lộ trình giảm chỉ tiêu có tính chiến lược. Trường đang cố gắng gây dựng thương hiệu nên phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo ĐH hệ chính quy”.
Số thí sinh đăng ký xét tuyển giảm
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT), năm nay số thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và trường có đào tạo ngành sư phạm các trình độ trung cấp, cao đẳng giảm 5,14%. Lý do chủ yếu là số thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THTP quốc gia giảm (từ 925.961 năm ngoái xuống 887.173 năm nay). Vì thế, tổng số lượt NV đăng ký xét tuyển năm nay cũng giảm 6,37% so với năm ngoái. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển năm nay lại tăng. Với tổng chỉ tiêu là 489.637, bình quân mỗi chỉ tiêu "gánh" 5,3 NV (năm ngoái 6,04 ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.