Ngay từ khi con gái học lớp 5 tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), chị Trần Ngọc Ánh đã tìm hiểu thông tin để cho con vào lớp 6 Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (Q.7). Phụ huynh này chia sẻ: “Với sĩ số từ 20 - 25 HS, điều kiện học tập cũng như việc tổ chức tiết dạy của giáo viên sẽ hiệu quả hơn. Thế nên sau khi cân nhắc mức học phí, tôi lựa chọn trường tư cho con theo học ở bậc THCS”.
Phụ huynh đăng ký nhập học cho con vào Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cơ sở 1 Tân Triều (Hà Nội) |
FACEBOOK NHÀ TRƯỜNG |
Trước xu thế này, một chuyên viên phụ trách bậc phổ thông của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng nói, vài năm trở lại đây, nhu cầu cho con em theo học trường ngoài công lập đã rõ nét. Đặc biệt có những trường “hút” phụ huynh bởi chất lượng và sự đầu tư nổi trội. Do cầu lớn hơn cung nên có nhiều trường phải đặt ra điều kiện khi xét tuyển đầu vào.
Chẳng hạn để được theo học lớp 6, lớp 10 của Trường tiểu học - THCS - THPT Lê Thánh Tông (Q.Tân Phú, TP.HCM), phụ huynh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường, sau đó ban tuyển sinh sẽ căn cứ vào kết quả học tập trong học bạ để hoàn thành danh sách HS có đủ điều kiện xét tuyển…
Trong khi đó, tại Hà Nội, trường THPT công lập chỉ đủ cho khoảng 62% HS tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT. Nhiều trường tư thục tuyển sinh bằng xét tuyển từ rất sớm và yêu cầu phụ huynh phải xác nhận nhập học cho con kèm các điều kiện làm khó phụ huynh.
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường ngoài công lập được áp dụng phương thức xét tuyển học bạ THCS hoặc điểm thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2022 - 2023 do Sở GD-ĐT tổ chức (ngày 18 - 19.6) để tuyển sinh vào lớp 10. Thực tế, phần lớn các trường đều áp dụng cả hai phương thức này để tuyển sinh. Nhiều trường chỉ sau vài ngày tiếp nhận hồ sơ đã thông báo nhận đủ chỉ tiêu.
Lý giải về việc hồ sơ nộp vào trường tư đột nhiên tăng vọt, nhiều lãnh đạo nhà trường cho hay người dân ngày càng có xu hướng chọn trường tư phù hợp, việc tuyển sinh nhẹ nhàng thay vì phải chạy đua quá căng thẳng vào trường công; một phần do số lượng thí sinh năm nay tăng đột biến. Mặt khác, sau hơn 2 năm HS phải chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các em chủ yếu học trực tuyến nên phụ huynh HS bất an, không tự tin về kết quả học tập, thi cử của con nên phải tìm một phương án an toàn, được lựa chọn một trường THPT tư thục có chất lượng, chấp nhận mức học phí cao còn hơn khi biết kết quả thi có thể lại rơi vào tình huống “trượt tất cả nguyện vọng”.
Nhiều trường đưa ra tiêu chuẩn xét tuyển rõ ràng và tiếp nhận hồ sơ nhập học đủ tiêu chuẩn với mức học phí hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng và cảnh báo phụ huynh cân nhắc kỹ vì khoản phí nộp cùng hồ sơ nhập học này sẽ không được trả lại. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn nộp và cho biết khi con trúng tuyển vào trường tốt hơn, phù hợp với mong muốn hơn thì sẵn sàng chấp nhận “mất cọc” để rút hồ sơ. Một số trường như THPT Tạ Quang Bửu, dù tuyển sinh bằng điểm thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do TP.Hà Nội tổ chức, nhưng từ khi HS chưa tham dự kỳ thi này thì trường đã thu của mỗi HS 500.000 đồng “phí xét tuyển”. Dù thấy phi lý nhưng nhiều phụ huynh rỉ tai nhau nếu nộp sớm khoản phí này thì khi có điểm thi sẽ được “ưu tiên” xét tuyển hơn?
Trường THPT Lương Thế Vinh (cơ sở 1 Tân Triều) thì “oái oăm” hơn khi đưa ra thông báo tất cả HS trúng tuyển vào lớp 10 phải đăng ký học IELTS tại trường, nếu không thì phải quay lại trường rút hồ sơ đã nhập học. Thông báo này vấp phải phản ứng quyết liệt của phụ huynh, nhà trường sau đó đã phải rút lại kèm lời xin lỗi về sự “nóng vội” của ban tuyển sinh.
Bình luận (0)