RÀ SOÁT DANH SÁCH, XÁC ĐỊNH NƠI CƯ TRÚ THỰC TẾ CỦA HỌC SINH
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch tuyển sinh đầu cấp cho năm học 2023 - 2024 để trình UBND TP.HCM phê duyệt. Theo đó, năm học sắp tới là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện tuyển sinh đầu cấp không khai báo. Đây là điểm mới cơ bản nhất so với các năm trước.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, những năm trước, mặc dù có thực hiện tuyển sinh trực tuyến song phụ huynh vẫn phải khai báo dữ liệu, nhập dữ liệu của con em mình lên phần mềm tuyển sinh của trường, của quận, huyện khi đăng ký tuyển sinh. Còn năm nay, các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục đào tạo là cơ quan tham mưu thường trực cho ban chỉ đạo tuyển sinh địa phương, sử dụng cơ sở dữ liệu ngành để bố trí chỗ học cho học sinh (HS) chứ không phải phụ huynh đăng ký chỗ học. "Căn cứ trên cơ sở dữ liệu ngành, tham khảo trên bản đồ số GIS, ban tuyển sinh sẽ phân bổ HS trên nguyên tắc được học gần nhà", ông Nguyễn Văn Hiếu phân tích.
Để thực hiện điều này, ông Hiếu đề nghị các phòng giáo dục phối hợp với phường, xã rà soát danh sách, xác định nơi cư trú thực tế của HS. "Công tác này là vô cùng quan trọng vì nếu không khéo thì các trường "điểm nóng" có thể xảy ra tình trạng một địa chỉ mấy chục HS trong độ tuổi đi học. Từ chính danh sách này, phòng giáo dục sẽ là cơ quan tham mưu, bố trí phân bổ chỗ học cho HS sau khi rà soát dữ liệu", lãnh đạo Sở lưu ý.
HS LỚP 9 PHẢI CÓ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHIP
Ngoài ra, cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, để thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp không sử dụng giấy tờ cũng như khai báo như các năm trước, các trường, phòng giáo dục phải rà soát lại cơ sở dữ liệu của HS.
Đối với HS lớp 9 đảm bảo các em phải có căn cước công dân gắn chip để phục vụ thi tuyển sinh vào lớp 10. Còn đối với HS tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 thì buộc phải có mã định danh. Theo kế hoạch, ngày 1.5 sẽ hoàn tất cơ sở dữ liệu để xây dựng kế hoạch bố trí HS.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin đến thời điểm hiện tại còn hơn 30.000 HS của TP chưa xác định được mã định danh. Sở GD-ĐT đã phối hợp cùng Công an TP để rà soát và thống kê HS cụ thể của từng trường học để chuyển về các địa phương hướng dẫn phụ huynh HS thực hiện. Ngành công an sẽ hỗ trợ với các trường hợp HS chưa có thông tin, dữ liệu, để đảm bảo tất cả HS trong độ tuổi quy định đều có mã định danh và căn cước công dân gắn chip.
Để đảm bảo việc tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6, lớp 10 theo hình thức trực tuyến, chuyển đổi số, Sở đề nghị phụ huynh HS khai báo các thông tin như ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, nơi cư trú, nơi ở hiện tại… chính xác.
Riêng về việc cấp căn cước công dân gắn chip cho HS lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT cho hay công an đã cấp cho khoảng 28% HS và Công an TP cũng sắp xếp thời gian đến từng trường THCS để thực hiện việc cấp căn cước cho HS.
Ông Hồ Tấn Minh cũng nhấn mạnh: "Việc rà soát dữ liệu của HS là trách nhiệm của các trường để triển khai trên hệ thống dân cư quốc gia. Vì vậy, người đứng đầu nhà trường và người phụ trách công tác này trong trường phải tăng cường công tác triển khai. Đặc biệt việc bảo mật dữ liệu thông tin HS là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường. Đảm bảo thông tin HS không được rò rỉ ra bên ngoài nhà trường".
Xây dựng đề án thu hút giáo viên
Cũng trong nội dung giao ban chuyên môn với lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và các quận, huyện, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở đang tập trung xây dựng đề án thu hút giáo viên (GV), đặc biệt là GV tiểu học.
"Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì đến năm 2025 là toàn bộ HS bậc tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày. Vì vậy, nhu cầu về GV ngày càng cao. Nếu không có chính sách hỗ trợ thu nhập cho GV thì quá thiệt thòi", ông Hiếu nói.
Theo lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM thì hiện nay đề án thu hút GV tiểu học đang được xây dựng ở giai đoạn lấy ý kiến các quận, huyện và đánh giá tác động. Chính vì vậy, Sở GD-ĐT đề nghị phòng giáo dục phải nhanh chóng hoàn tất việc tổng hợp ý kiến để Sở báo cáo UBND, trình HĐND theo quy trình.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh công tác bồi dưỡng GV là việc làm rất quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khi GV thấu hiểu cặn kẽ về nội dung chương trình, phương pháp tiếp cận, hình thức kiểm tra đánh giá thì chương trình mới hiệu quả. Theo ông Hiếu, cần rà soát lại xem việc dạy học của GV hiện nay đã đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình chưa. GV dạy với tinh thần mới và có được phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp. Đánh giá quá trình, thường xuyên, bằng nhận xét, vì sự tiến bộ của HS, đánh giá bằng động viên, thúc đẩy chứ không phải bằng điểm số để đo kiến thức. Đặc biệt các trường không lấy kết quả điểm số của HS để làm tiêu chí đánh giá GV.
Bình luận (0)