Tuyển sinh ĐH 2024: Xu hướng giảm chỉ tiêu phương thức xét học bạ

Hà Ánh
Hà Ánh
15/01/2024 07:06 GMT+7

Các trường ĐH đang xây dựng phương án tuyển sinh cho năm 2024. Xu hướng được nhận thấy ở một số trường là giảm chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (xét học bạ). Đáng chú ý, có những trường quyết định bỏ hẳn cách thức này.

KẾT QUẢ HỌC TẬP KHÔNG TƯƠNG ĐỒNG VỚI ĐIỂM ĐẦU VÀO

Bắt đầu kỳ tuyển sinh năm 2024, Trường ĐH Kinh tế quốc dân gây chú ý khi công bố bỏ hẳn phương thức xét tuyển bằng học bạ. Theo cách xét tuyển năm 2023, trường dành 10% tổng chỉ tiêu xét nhóm thí sinh (TS) hệ chuyên và trường chuyên dựa vào điểm trung bình chung bậc THPT và điểm thi 2 môn tốt nghiệp THPT. Nhưng nhận thấy phần lớn sinh viên được xét tuyển theo phương thức này có kết quả học tập không tương đồng với điểm xét tuyển đầu vào nên trường đi đến quyết định bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ.

Tuyển sinh ĐH 2024: Xu hướng giảm chỉ tiêu phương thức xét học bạ- Ảnh 1.

Một số trường thay thế phương thức xét học bạ bằng phương thức điểm thi đánh giá năng lực

ĐÀO NGỌC THẠCH

Điều này cũng từng diễn ra tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cách đây 2 năm. Năm 2020, trường đưa vào sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ với khoảng 30% tổng chỉ tiêu, dành cho TS tốt nghiệp THPT trong 3 năm (2018 đến 2020). Để sàng lọc TS, trường đưa ra điều kiện cần là điểm trung bình học bạ từng môn trong tổ hợp xét tuyển từng năm THPT đạt từ 7,5 điểm trở lên. Điểm trúng tuyển được xác định theo nguyên tắc lấy TS có tổng điểm cao nhất từ cao đến mức đủ chỉ tiêu. Sau 2 năm triển khai, đến năm 2022 trường đã dừng sử dụng phương thức xét điểm trung bình học bạ và thay thế bằng xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Hiện nay trường chỉ còn sử dụng hình thức xét học bạ với học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu với 15% tổng chỉ tiêu. Nói về sự điều chỉnh này, đại diện trường cho biết dù trường đưa ra chuẩn nhận hồ sơ ở mức cao nhưng kết quả học tập THPT ở nhóm trường thường không có sự đánh giá đồng bộ.

Trong khi đó, một số trường ĐH chưa từng sử dụng điểm học tập THPT để tuyển sinh, chẳng hạn như: Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đến thời điểm này vẫn chỉ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau thời gian dài chỉ xét tuyển dựa vào kỳ thi chung, đến năm 2019 Trường ĐH Y dược TP.HCM bổ sung thêm phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Khối trường sư phạm, Trường ĐH Sài Gòn cũng không sử dụng học bạ để xét tuyển. Theo đại diện nhà trường, năm 2024 trường vẫn tiếp tục không sử dụng kết quả học bạ làm căn cứ xét tuyển. Lý giải lựa chọn này, đại diện trường nói: "Kết quả học tập THPT phụ thuộc vào đánh giá của từng địa phương, từng trường, thậm chí từng giáo viên nên không có sự đồng nhất. Do đó, để đảm bảo quyền lợi TS, trường không sử dụng kết quả đánh giá này. Việc chỉ sử dụng kết quả các kỳ thi để xét tuyển sẽ có đánh giá công bằng nhất với TS".

ĐIỀU CHỈNH CHỈ TIÊU CÁC PHƯƠNG THỨC

Một số trường ĐH cũng chủ động điều chỉnh giảm chỉ tiêu phương thức xét tuyển dựa vào học bạ.

Chẳng hạn, theo phương thức tuyển sinh năm 2024 vừa công bố, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM sử dụng 5 phương thức tuyển sinh. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa vào học bạ dự kiến áp dụng cho 25-30% tổng chỉ tiêu.

Tiến sĩ Võ Thái Dân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết Phòng Đào tạo của trường có thực hiện phân tích dựa trên hồ sơ TS nộp vào trường. Dù trong dữ liệu hạn chế của trường nhưng kết quả cho thấy có sự không đồng nhất về học bạ giữa các vùng miền. Ngay ở TP.HCM, có những khu vực dù cùng một địa điểm nhưng điểm được đánh giá ở mức khác nhau. Trong khi đó, số TS trúng tuyển làm thủ tục nhập học không cao nhưng số TS đã đăng ký dù trúng tuyển bằng học bạ nhưng có xu hướng sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm kỳ thi đánh giá năng lực để xác nhận nhập học. Do đó, năm 2024 trường đi đến quyết định giảm chỉ tiêu xét học bạ.

Thay vào đó, tiến sĩ Dân cho biết trường bổ sung phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Phương thức xét tuyển mới được xem là một bước thử nghiệm chuẩn bị cho việc tuyển sinh từ năm 2025, khi mà môn ngoại ngữ không còn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức mới này, trường mong muốn tiếp cận được nhóm học sinh giỏi ngoại ngữ.

Tuyển sinh ĐH 2024: Xu hướng giảm chỉ tiêu phương thức xét học bạ- Ảnh 2.

Thí sinh tham gia dự thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM

NGỌC DƯƠNG


ĐIỀU CHỈNH PHƯƠNG THỨC CÓ SỬ DỤNG ĐIỂM HỌC BẠ

Những năm gần đây, xét tuyển dựa vào học bạ trở thành phương thức tuyển sinh chủ đạo của nhiều trường ĐH. Đáng chú ý, với nhiều trường ĐH tốp đầu, điểm học bạ là một trong số các tiêu chí xét tuyển trong một phương thức.

Chẳng hạn, các trường trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM nhiều năm áp dụng phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng với học sinh 149 trường THPT (83 trường chuyên, năng khiếu và 66 trường bổ sung thêm theo tiêu chí riêng). Ngoài các điều kiện cần về năm tốt nghiệp, hạnh kiểm và học lực, tiêu chí xét là điểm trung bình cộng 3 môn học tương ứng trong tổ hợp xét tuyển của 3 năm học THPT. Năm 2023, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cộng điểm ưu tiên từ 0,2-0,5 điểm cho TS đạt các tiêu chí phụ như: học sinh đạt giải các cuộc thi, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Nhưng năm 2024, đại diện trường ĐH này cho biết dự kiến điều chỉnh tiêu chí đánh giá với phương thức ưu tiên xét tuyển này.

Cụ thể, trường có thể kết hợp thêm chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc khi xét tuyển học sinh nhóm trường THPT chuyên, năng khiếu và nhóm trường có học sinh đạt kết quả cao kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.