Các ngành công nghệ số “lên ngôi”
Theo thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, năm nay trường dự kiến sẽ mở một số ngành mới, chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), kỹ thuật máy tính và ngành quản lý tài nguyên và môi trường.
Sinh viên ngành thương mại điện tử tham quan học tập thực tế tại Lazada |
Cao Tân |
Theo thông tin từ Trường ĐH Hoa Sen, trong năm học 2022 - 2023, trường mở một số ngành học mới liên quan đến công nghệ, chuyển đổi số là công nghệ tài chính (Fintech), tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing), phim, quan hệ công chúng, kinh tế thể thao… Trước đó, trường vừa mở một số ngành học như thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, nghệ thuật số…
Năm nay, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM mở đến 9 ngành học mới, trong đó có nhiều ngành cập nhật việc phát triển mạnh mẽ của số hóa trong thời đại ngày nay. Những ngành học mới thuộc các nhóm ngành kinh tế - quản trị (kinh tế quốc tế, tài chính quốc tế, digital marketing, quản trị sự kiện), sinh học - môi trường - nông lâm (dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, quản lý tài nguyên và môi trường, chăn nuôi) và truyền thông - nghệ thuật (nghệ thuật số, công nghệ điện ảnh, truyền hình). Đây đều là những lĩnh vực có nhu cầu nhân lực nổi bật trong nền kinh tế hội nhập thời gian tới…
Đáp ứng thời đại số
Trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 từ Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, năm 2021 nền kinh tế kỹ thuật số của VN dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỉ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục đạt 57 tỉ USD vào năm 2025. Đến năm 2030 nền kinh tế kỹ thuật số của VN sẽ đạt 220 tỉ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV - Gross Merchandise Value), đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia. Đây cũng là một tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp thương mại điện tử VN.
Theo báo cáo này, trong những năm qua, VN cũng liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về tỷ lệ người dân sử dụng internet cũng như số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm. Doanh thu thương mại điện tử B2C (Business to Customer) liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua…
Những con số tăng trưởng như trên phần nào lý giải việc các trường ĐH mở ngành thương mại điện tử nói riêng cũng như các ngành học liên quan đến công nghệ số nói chung trong mùa tuyển sinh năm nay.
Lý giải về lý do mở ngành thương mại điện tử, ông Nguyễn Việt Thái, Trưởng phòng Truyền thông - tuyển sinh Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, cho biết VN được đánh giá là đất nước có số lượng người dân tiếp cận và sử dụng internet khá cao, chiếm khoảng 58% dân số. Số người sử dụng điện thoại thông minh hiện nay ở VN chiếm khoảng 82% dân số. Cũng theo Sách trắng, năm 2020 tại VN có khoảng 49,3 triệu người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến và là quốc gia có tỷ lệ người tham gia mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết việc đào tạo các ngành mới của trường trong năm nay gắn với xu thế số hóa của nền kinh tế hiện đại. Điều này giúp sinh viên có thể thích nghi với điều kiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Đồng thời, định hướng đào tạo nhóm ngành này cũng góp phần giải “bài toán” nhân lực giỏi chuyên môn - thạo công nghệ hiện nay.
Thạc sĩ Phùng Quán cũng cho biết ngành mới công nghệ điện tử tách ra từ khoa vật lý - vật lý kỹ thuật của trường. Trường định hướng ngoài kiến thức về vật lý thì sẽ tích hợp thêm kiến thức về Internet vạn vật (IoT). Sinh viên ngoài việc được đào tạo kiến thức vật lý, sẽ được tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất để ra trường làm việc trong thời đại số ngày nay. (còn tiếp)
Bình luận (0)