Nhưng trước hết, thầy trò HLV Park Hang-seo đã tự nhìn nhận lại những gì mình đã làm được và chưa làm được ở các loạt trận trước của sân chơi đẳng cấp này.
Trận tuyển Việt Nam gặp Oman: Hồ Tấn Tài thế chỗ Vũ Văn Thanh, tại sao không? |
Để rời sân mà không bị tổn thương
HLV Park Hang-seo đang ở thời kỳ khó khăn nhất trong suốt 4 năm qua kể từ ngày ông chính thức làm việc tại Việt Nam. Cùng với các học trò, thầy Park đang nỗ lực vượt qua thử thách rất lớn lúc này là vấn đề tâm lý, trước khi nghĩ đến một trận đấu tốt trước đội Oman vào ngày 12.10. Một số quyết sách về lối chơi, về nhân sự của đội tuyển Việt Nam trong trận gặp đội Trung Quốc có thể chưa hoàn toàn phù hợp - ban huấn luyện đã tự đánh giá như vậy và đề nghị tất cả các thành viên cần phải cố gắng hơn về mọi mặt để có thể tạo được thế trận ổn định và kết quả khả quan khi đối đầu với đội chủ nhà Oman. Những khó khăn về mặt chủ quan cũng cần phải được giải quyết kịp thời dù thời gian chuẩn bị là không nhiều. Còn những khó khăn về khách quan (thời tiết khắc nghiệt, sân tập cực xấu - đến mức đại diện của VFF phải đi khảo sát một sân khác) là những thứ có thể tác động ít nhiều đến sự chuẩn bị chuyên môn nhưng bắt buộc thầy trò ông Park phải tìm cách vượt qua.
Đội tuyển Việt Nam dành trọn buổi sáng hôm qua (10.10) để cùng nhau xem lại băng hình các trận đấu của đội Oman. Ông Park yêu cầu từng trợ lý phải xem trước một ngày và tự nhận định về các tình huống hay - dở của đội bạn để từ đó ông có số liệu thống kê lại.
Đội tuyển Việt Nam tích cực tập luyện, tìm ra đối sách trước Oman |
VFF |
Ông Park từng quả quyết khán giả Việt Nam thích bóng đá nhưng là bóng đá chiến thắng. Ông không dám nói tuyển Việt Nam sẽ thắng Oman nhưng muốn học trò của mình có thể rời sân mà không bị rơi vào tình trạng tổn thương như trận đấu trước đó. Vì thế, ông đề nghị đội tuyển Việt Nam phải nghiêm túc nghiên cứu kỹ về Oman.
Oman tấn công trung lộ và cực khỏe
Đội Oman tuy không có những cá nhân kiệt xuất và đội hình đẳng cấp vượt trội như đội Ả Rập Xê Út, cũng không quá nhanh nhẹn, khéo léo như đội Nhật Bản, cũng không chơi thứ bóng đá khoa học, hiện đại như đội Úc, nhưng họ lại cực kỳ đáng nể về sức mạnh thể chất. Trong cả 3 trận đấu đầu tiên tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đội Oman có thắng có thua nhưng điểm chung là họ chủ động tấn công mạnh mẽ dựa trên nền tảng thể lực rất dồi dào. Đó là điểm mạnh đáng ngại của đối thủ. Họ đã từng khiến đội Nhật Bản trắng tay rời sân khi khai triển rất thành công lối chơi giàu kỹ thuật, tranh chấp sòng phẳng và làm chủ khu trung tuyến. Đối thủ này sẽ đặt tuyển Việt Nam vào thế khó khi chúng ta yếu hơn họ về sức, về trình độ của từng cá nhân cụ thể.
Khá đáng lo cho đội tuyển Việt Nam bởi tình trạng thể lực không tốt. Ở những trận đấu vừa qua, nhất là trận gặp Trung Quốc, một số cầu thủ Việt Nam vốn được đánh giá là khỏe nhất đội như Văn Thanh cũng đã bị chuột rút, đội trưởng Ngọc Hải bị đau cổ chân (khiến buổi tập đầu tiên tại Oman anh phải tập riêng). Chắc chắn trong trận đấu vào ngày mai, đội chủ nhà sẽ tiếp tục chơi đôi công, chủ động đẩy đối phương vào màn “tra tấn” thể lực. Họ sẽ tìm mọi cách làm chủ thế trận, không cho đội tuyển Việt Nam có nhiều khoảng trống ở giữa sân.
Thế mạnh của Oman là tấn công trung lộ rất hay, cũng thi thoảng sử dụng các bài đánh biên. Nhưng qua phân tích băng hình, toàn bộ các pha căng ngang của đội Oman trong trận thua đội Úc cách đây ít ngày lại đạt hiệu quả là… 0% trong tổng số 9 pha căng ngang mà họ tạo ra. Điều này đồng nghĩa với việc đội bạn không quá sắc sảo khi tấn công biên. Nên nếu đội Việt Nam quán xuyến được tốt hai cánh và thực hiện được những đường tấn công từ biên, sẽ có thể tạo ra bất ngờ.
Nên dùng công phượng sớm
Ở trận gặp Trung Quốc, cánh trái của Hồng Duy chơi không tốt bằng trận gặp đội Úc trên sân nhà. Bàn thua đầu tiên của tuyển Việt Nam khi đối đầu Trung Quốc xuất phát từ sai sót của Duy, sau đó hệ thống phòng ngự không theo kịp tình huống của đội bạn. Còn cánh phải, Văn Thanh như phân tích ở trên, đã bị đuối sức nên sau đó để cầu thủ Trung Quốc khai thác sâu.
Cựu trung vệ đội tuyển Việt Nam Nguyễn Mạnh Dũng nói: “Tôi cho rằng có lẽ ông Park sẽ có sự điều chỉnh về lực lượng. Trong trường hợp Ngọc Hải không đảm bảo thể lực 100%, biết đâu ông sẽ sử dụng bộ ba trung vệ khác. Đưa Duy Mạnh vào giữa đá thòng vì Mạnh còn đá được cả tiền vệ trụ nên vị trí trung vệ thòng không quá xa vời đối với anh. Còn vị trí trung vệ lệch phải của Mạnh sẽ trao cho Thành Chung. Trung vệ lệch trái vẫn là Tiến Dũng. Còn trong trường hợp Ngọc Hải kịp lấy lại phong độ tốt, anh vẫn sẽ chỉ huy hệ thống phòng ngự của chúng ta.
Ở hai cánh, tại sao không đưa Thanh tạm sang trái còn Tấn Tài vào điều hành cánh phải? Ở khu vực giữa sân, ông Park sẽ cởi bỏ áp lực cho chính mình nếu mạnh dạn cất Văn Đức. Ông nên tính đến phương án kết hợp cả cầu thủ khỏe và cầu thủ khéo tạo nên bộ tứ tiền vệ vững vàng, gồm Đức Huy, Quang Hải, Hoàng Đức và Công Phượng. Phượng vào sân dù khá muộn ở trận gặp đội Trung Quốc nhưng đã trở thành ngòi nổ cho tình huống dẫn đến bàn thắng của Tấn Tài. Vậy tại sao không mạnh dạn dùng Phượng sớm hơn? Trên hàng công, nên mạnh dạn dùng Văn Toàn có tốc độ, có khả năng xuyên phá và đặc biệt là sự khát khao. Theo tôi, đội tuyển Việt Nam trận này không phòng ngự từ xa mà nên phòng ngự chắc với số đông ở sân nhà rồi thực hiện những pha phản công chớp nhoáng. Tuyển Việt Nam không có sức như đối thủ nên cần đá bằng “đầu”, bằng sự tỉnh táo và khôn ngoan”.
Trong cuộc họp đội ngày 10.10, ông Park đã có một vài chia sẻ chân thành. Ông nói rằng đúng là đội tuyển Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn và ông cần sự chung tay đồng lòng của tất cả mọi người để hướng đến trận gặp Oman. Ông Park kể lại câu chuyện về đội tuyển Hàn Quốc đã vượt qua những thất bại trước World Cup 2002 để cuối cùng thành công và muốn đội tuyển Việt Nam vững tin, lạc quan vào con đường sắp tới.
Cũng trong hôm qua VFF đã tìm được sân mới cách khách sạn đội ở 30 km để thay cho sân tập gần khách sạn quá xấu do bị ảnh hưởng bởi cơn lũ lịch sử cách đây chưa lâu.
Bình luận (0)