Chiến lược 'viên thuốc độc' của Twitter
Viên thuốc độc (poison pill) hiểu nôm na là chiến lược mà công ty tự hạ giá cổ phiếu của chính mình, nhằm gây bất lợi cho công ty hoặc cá nhân muốn mua lại công ty. Thông qua chiến lược này vào hôm 15.4, các cổ đông Twitter đang nỗ lực ngăn chặn Elon Musk thâu tóm nền tảng truyền thông mạng xã hội này.
Sợ Elon Musk mua đứt Twitter, nền tảng mạng xã hội này thông qua chiến lược 'viên thuốc độc' |
reuters |
Cụ thể, chiến lược "viên thuốc độc" có thể làm loãng cổ phần của bất kỳ ai đang tích lũy hơn 15% cổ phần của công ty bằng cách bán nhiều cổ phiếu hơn cho các cổ đông khác với mức chiết khấu hấp dẫn.
Theo kế hoạch, chiến lược "viên thuốc độc" sẽ có hiệu lực trong 364 ngày.
Nhiều cá nhân, công ty 'thèm' Twitter
Bên cạnh CEO Tesla, nhiều cá nhân, tổ chức cũng đang có ý định thâu tóm Twitter, trong đó có thể kể đến như Thoma Bravo - một công ty cổ phần chuyên về công nghệ, với khối tài sản hơn 103 tỉ USD (tính đến cuối tháng 12.2021).
Tiết lộ với hãng thông tấn Reuters, Thoma Bravo cho biết họ chú trọng vào việc mua đứt Twitter, thế nhưng vẫn chưa rõ là họ sẽ sẵn sàng chi bao nhiêu và kế hoạch cụ thể sẽ như thế nào.
Hội đồng quản trị Twitter xử trí ra sao sau đề nghị mua đứt 43 tỉ USD từ tỉ phú Elon Musk? |
Dù vậy, sự quan tâm của Thoma Bravo đã đẩy cao quan ngại việc nhiều công ty cổ phần tư nhân tranh giành Twitter. Khác với các tập đoàn công nghệ lớn, hầu hết các công ty mua lại sẽ không phải đối mặt với các hạn chế chống độc quyền trong việc mua lại Twitter.
Và một khả năng khác...
Thay vì "đấu" trực tiếp với tỉ phú công nghệ Elon Musk - người được tạp chí The Forbes đánh giá là giàu nhất thế giới với giá trị tài sản ròng là 265 tỉ USD, một số công ty cổ phần tư nhân có thể sẽ theo khuynh hướng thúc đẩy giá thầu của Musk bằng cách hợp tác với anh ta.
Tuy nhiên, những người trong ngành lại cho rằng việc Musk liên tục chỉ trích Twitter vì phụ thuộc vào quảng cáo để tạo ra phần lớn doanh thu đã khiến một số công ty cổ phần tư nhân e ngại về việc hợp tác với ông.
Elon Musk đưa ra đề nghị mua đứt Twitter sau khi sở hữu hơn 9% cổ phần của nền tảng này. Vị tỉ phú công nghệ đã đưa ra mức giá "cuối cùng và tốt nhất" là 54,2 USD/cổ phiếu, nếu bị từ chối thì Musk sẽ xem xét lại vị trí của mình với tư cách là một cổ đông của Twitter.
Theo nguồn tin nội bộ của Reuters, hội đồng quản trị của Twitter dự kiến sẽ phải cần thêm vài ngày nữa để đánh giá mức thầu của Musk và đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Bình luận (0)