Tỷ lệ bao phủ nợ xấu Vietcombank cao nhất hệ thống, lên tới 465%

09/01/2023 18:37 GMT+7

Báo cáo của Vietcombank ngày 9.1 cho thấy số dư quỹ dự phòng rủi ro của nhà băng “chốt” năm 2022 đã lên tới 35.603 tỉ đồng; tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng theo đó đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng với 465%.

Ngày 9.1, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank, Phạm Quang Dũng phát biểu tại hội nghị
TP

Con số mà dư luận chờ đợi nhất là lợi nhuận và nợ xấu có nhiều điểm rất đáng chú ý. Nhà băng này cho biết, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm 2022.

Trong khi đó, dư nợ xấu chỉ 7.662 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Song, điều bất ngờ là dư quỹ dự phòng rủi ro lên tới 35.603 tỉ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng, khoảng 465% (tức mỗi đồng cho vay ra có 4,65 đồng dự phòng để xử lý - PV).

Ngân hàng cũng cung cấp thêm các số liệu quan trọng khác như: tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỉ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021, kiểm soát trong tỷ lệ tăng trưởng được Ngân hàng Nhà nước giao; huy động vốn thị trường 1 đạt khoảng 1,26 triệu tỉ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022; tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm phần trăm so với 2021…

Vietcombank có NIM đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm phần trăm so với 2021. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%.

Vietcombank tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất trên thị trường chứng khoán, lọt vào Top 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất thị trường năm 2022 (theo Reuters).

Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank Phạm Quang Tùng

tp

Theo lãnh đạo Vietcombank, kết quả trên nhờ công tác quản trị điều hành bám sát phương châm hành động “chuyển đổi, hiệu quả, bền vững” và gắn chặt với quan điểm chỉ đạo điều hành “trách nhiệm - quyết liệt - sáng tạo” để triển khai 3 “trụ cột”, 6 “đột phá” kinh doanh trong năm 2022.

Cụ thể, 3 trụ cột gồm: bán lẻ, dịch vụ, đầu tư. Trong đó, thực hiện nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng; tự động hóa và tối ưu hóa vận hành…

6 đột phá gồm: triển khai chương trình hành động chuyển đổi số và kế hoạch hành động chuyển đổi đúng tiến độ đã phê duyệt, đảm bảo chất lượng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng nguồn nhân lực thích ứng cho chuyển đổi số; phát triển văn hóa số và ứng dụng phương pháp làm việc Agile.

Ngân hàng cũng chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu hoạt động; phát huy thế mạnh tổng thể của toàn hệ thống Vietcombank; đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, phát triển sản phẩm; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.

Một số chỉ tiêu năm 2023 của Vietcombank

Chỉ tiêu

Kế hoạch 2023

(1). Tổng tài sản

Tăng 9% so với 2022[1]

(2). Huy động vốn TT1

Tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng, LDR không cao hơn mức thực hiện năm 2022

(3). Tín dụng

Tăng 12,8% so với 2022

(4). Tỉ lệ nợ xấu

< 1,5%

(5). NIM

≥ 3,24%

(6). Lợi nhuận trước thuế

Tăng tối thiểu 12% so với 2022

[1] Chưa loại trừ dư nợ 51.000 tỉ đồng dự kiến bán cho một tổ chức tín dụng yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc trong năm 2023

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.