>> U Minh kỳ thú: Vương quốc rắn giữa rừng tràm
>> U Minh kỳ thú
Tảng sáng, những người ăn ong ở rừng U Minh Hạ luẩn quẩn mé rừng, xem từng đàn ong đi hút mật tràm. Vì ong đi ăn theo hướng gió nên người ăn ong cũng nhắm hướng gió mà tìm. Thuật từ “phong ngạn” chỉ dân ăn ong của miệt rừng U Minh cũng xuất phát từ đó.
Một phong ngạn đang lấy mật - Ảnh: Duy Nhân |
Ba mùa mật ngọt
Ông Nguyễn Văn Rớt (Hai Rớt), Tập đoàn trưởng Tập đoàn Phong Ngạn 2, ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh, đã ngót 50 năm làm dân phong ngạn. Ông Hai Rớt cho biết hồi trước, dân ở miệt rừng U Minh chẳng ai thèm ngó ngàng tới mật ong mà chỉ lấy sáp ong bán cho các ghe buôn vùng trên xuống mua về làm đèn cầy. Ông Rớt kể: “Có những tổ ong to cỡ bộ ván, lúc đó chẳng bao giờ người ta lấy hết một tổ ong. Người ăn ong cứ leo lên cây, dùng dao cắt lấy từng phần, vắt bỏ mật, lấy sáp cho vào cần xé khiêng về. Khi nào thiếu đường ăn thì người ta mới lấy ít mật về nấu thành đường”.
Về sau, bắt đầu có ghe vùng trên xuống tận nơi mua mật. Mật ong U Minh không bao lâu nổi tiếng khắp vùng bởi rất ngon và bổ. Từ đó, người ta mới bắt đầu lùng sục tìm mật. Mùa nắng, mật nhiều đến nỗi lấy rồi mang về không hết, phải đổ bớt. Thế nhưng, của trời cũng không phải là vô tận, thợ rừng U Minh càng ngày càng phải đi sâu hơn vào rừng mới tìm được nhiều mật, vừa vất vả vừa nguy hiểm. Thế là họ nghĩ ra cách dùng khúc cây dài gác xiên trên những thân tràm - thường gọi là gác kèo - làm nơi cho ong làm tổ bên bìa rừng, rồi dần dà lại tiến sâu hơn trong ruột rừng.
Người đi ăn ong không đi riêng lẻ mà đi từng nhóm bạn để hỗ trợ nhau nếu có bất trắc xảy ra giữa vùng rừng thiêng nước độc. Mỗi người mang theo vài chục cây kèo, chia hướng mạnh ai nấy gác. Trên mỗi cây kèo đều có khắc tên chủ nhân để tránh chuyện lấy nhầm mật của người khác. Dân phong ngạn chia thời điểm ăn ong làm 3 mùa trong năm: mùa ong nước (mùa mưa), mùa ong lỡ (giao mùa), mùa ong hạn. Trong đó, mùa ong hạn là mùa chính trong năm. Mùa này các tổ ít ong, mật nhiều lại ngon. Thuật gác kèo ong cũng theo thời tiết, mùa gió: Đông Bắc, Tây Nam và Tây Bắc. Nếu gác sai hướng gió thì coi như thất bại. Ông Hai Rớt nhớ lại có lần ông gác 100 kèo, đến thời điểm lấy được 300-400 lít mật. “Lúc ấy 1 lít mật đổi ngang 1 giạ lúa. Một mùa mật ngọt, một phong ngạn thu hoạch gấp nhiều lần một người trồng lúa” - ông nói.
Hết thời ăn ong, giữ rừng
Mỗi nhóm thợ rừng đi ăn ong được gọi là đoàn. Các đoàn này tập hợp nhau lại thành “tập đoàn” phong ngạn. Những người trong “tập đoàn” sống rất đoàn kết. Mỗi phong ngạn nhận một khu vực rừng; trong khu vực này, anh ta được trọn quyền gác kèo và cũng chịu luôn trách nhiệm bảo vệ rừng. Nếu rừng cháy ở khu vực nào, sẽ rất dễ tìm ra ai là thủ phạm. Ông Hai Rớt khẳng định chắc nịch: “Vì rừng là chén cơm manh áo nên cánh phong ngạn giữ rừng còn hơn cả kiểm lâm”.
|
Các “tập đoàn” phong ngạn cụ thể hóa việc giữ rừng bằng những quy định như giờ đi ăn ong trong vòng 5 giờ - 8 giờ. Nếu vì lý do nào đó phong ngạn ra khỏi rừng trễ thì phải chịu sự kiểm tra ngay tại mé rừng. Khi tổ kiểm tra kết luận rừng không cháy, người này mới được cho về. Ngoài ra, dân phong ngạn tuyệt đối không được bán mật ong pha, không được ăn ong trộm và thăm “nhầm” kèo của người khác. Nếu phong ngạn nào vi phạm một trong các điều trên thì bị tịch thu đầu kèo, cho ăn ong lần cuối cùng để làm vốn, rồi sau đó bị trục xuất khỏi tập đoàn vĩnh viễn. Đối với phong ngạn, hình phạt đó là cái nhục lớn nên những ai lỡ vi phạm, thường bỏ xứ ra đi không quay lại vùng rừng đó nữa.
Một thời gian dài, hầu hết các đơn vị rừng tràm đều cho phép thành lập các tập đoàn phong ngạn. Tại Lâm Ngư trường Sông Trẹm có 3 tập đoàn: Tập đoàn 18, Tập đoàn Kinh 8 và Tập đoàn Thanh Tùng. Cho đến khi rừng tràm U Minh Thượng, U Minh Hạ liên tiếp những năm cháy lớn, lệnh nghiêm cấm người vào rừng trong mùa khô được ban hành, chấm dứt hẳn mùa ăn ong hạn của dân phong ngạn. Dân phong ngạn không ngừng kêu oan và bằng mọi cách chứng minh được họ không phải là thủ phạm trong các vụ cháy rừng. Nhưng có nói gì đi nữa thì các tập đoàn phong ngạn cũng đành rã gánh. Bởi rừng bây giờ được giao khoán cho dân mà chẳng chủ rừng nào lại để cho cánh ăn ong cầm đuốc vô rừng. Nhiều phong ngạn đã bị cách ly khỏi rừng vĩnh viễn.
Thỉnh thoảng đến mùa mật, lão Hai Rớt lại ngứa nghề. Nhưng sức đã yếu, ông không thể nào càn rúc trong những cánh rừng như ngày xưa. Hôm gặp tôi, kể về một thời huy hoàng của “tập đoàn” phong ngạn, ông đưa tay quệt nước mắt. Bây giờ ký ức về mật ngọt rừng tràm đối với lão phong ngạn này dường như có chút gì đó đăng đắng. |
Theo Duy Nhân / Người Lao Động
>> Xâm nhập vườn quốc gia, tấn công bảo vệ
>> Tìm thương hiệu cho đặc sản Cà Mau
>> Về nơi nói dóc nhất miền Nam
>> Cá, lươn vàng ở U Minh
>> Cảm xúc mới với du lịch Cà Mau
>> “Xóm vàng” miệt rừng U Minh Thượng
>> Rừng U Minh Hạ lại cháy
>> Vào U Minh "ăn" mật ong rừng
>> Vào rừng mở lớp học tình thương
>> Bi hùng “Nhạn trắng Cà Mau”
>> Nhà văn Sơn Nam: "Sống bằng hơi thở đất rừng U Minh
>> U Minh vẫn cần lắm những tấm lòng
>> Về Cà Mau thưởng thức "cây nhà lá vườn
Bình luận (0)