Theo thống kê, trên thế giới cứ khoảng 5 phụ nữ thì có một người bị u xơ tử cung. Bệnh không gây chết người, nhưng nếu phát hiện muộn, chị em sẽ phải đối mặt với biến chứng nguy hiểm.
U xơ tử cung (UXTC) là một khối u của tế bào cơ trơn tử cung, một loại u lành tính thường thấy nhất của tử cung. Có khoảng 20% phụ nữ trên 35 tuổi có UXTC. Phần lớn không có triệu chứng lâm sàng, chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám phụ khoa. Bệnh diễn tiến chậm. Chỉ điều trị khi UXTC có triệu chứng.
UXTC có thể ở dưới niêm mạc, trong cơ tử cung, dưới thanh mạc, cũng có thể ở cổ tử cung hay trong dây chằng rộng. Có thể một hay nhiều khối gọi là đa nhân xơ tử cung. Triệu chứng của UXTC phụ thuộc vào vị trí nhiều hơn là kích thước của nó.
Biểu hiện như thế nào ?
Bác sĩ CKI Trần Thị Anh Lan - BS CKI Sản - Phụ khoa, Phòng khám đa khoa Quốc tế Yersin (TP.HCM) cho biết UXTC có nhiều biểu hiện đặc thù, chẳng hạn rối loạn kinh nguyệt (rong kinh, rong huyết, cường kinh). Triệu chứng này hay gặp ở những UXTC dưới nội mạc hay UXTC trong cơ xâm lấn vào nội mạc. Với những triệu chứng này, cần loại trừ các bệnh lý khác như: sót rau (nhau thai); polyp lòng tử cung; tăng sinh nội mạc tử cung hay bệnh lý khác của nội mạc tử cung. Một triệu chứng khác đó là chèn ép, chỉ gặp khi u xơ quá to chèn ép các cơ quan lân cận. Chèn ép bàng quang gây tiểu khó, tiểu lắt nhắt hay bí tiểu. Chèn ép trực tràng gây táo bón. U to đè vào tiểu khung gây trằn nặng hạ vị. Người bệnh có thể gặp triệu chứng phúc mạc (đau, có phản ứng thành bụng, có cảm ứng phúc mạc), khi UXTC thoái hóa hoại tử. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp triệu chứng toàn thân, như nhợt nhạt thiếu máu do rong kinh, rong huyết kéo dài.
Các bác sĩ chuyên khoa thường chẩn đoán bệnh dựa vào siêu âm. Đôi khi cần chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI) để giúp phân biệt UXTC với một số bệnh có triệu chứng tương tự.
Cách điều trị ra sao ?
Mục tiêu điều trị UXTC là làm giảm nhẹ các triệu chứng (rong kinh, rong huyết, đau…) và giảm kích thước khối u xơ.
Điều trị UXTC có thể chỉ theo dõi (khi UXTC không có triệu chứng), hoặc chỉ điều trị nội khoa nhưng cũng có thể phải can thiệp phẫu thuật, thuyên tắc động mạch tử cung. Theo bác sĩ Lan Anh, quyết định hướng điều trị tùy vào từng người bệnh, dựa trên các yếu tố như kích thước và vị trí khối UXTC, các triệu chứng kèm theo (chảy máu, đau, chèn ép, vô sinh), nguyện vọng của người bệnh (sự thuận lợi, giá điều trị, mong muốn bảo tồn tử cung, tác dụng phụ). Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật khi có một trong các yếu tố sau: UXTC to và sau 12 tuần có triệu chứng; xuất huyết tử cung bất thường và điều trị nội thất bại; có biến chứng (chèn ép bàng quang, niệu quản); UXTC to nhanh nhất là sau mãn kinh; UXTC kết hợp với các bệnh lý khác (K cổ tử cung; K nội mạc tử cung; tăng sinh nội mạc tử cung không điển hình; sa sinh dục…); vô sinh (sẩy thai liên tiếp); khối u vùng hạ vị không phân biệt được với khối u buồng trứng.
Phương pháp phẫu thuật có thể bao gồm bóc u xơ bảo tồn tử cung hay cắt tử cung tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và nguyện vọng của người bệnh.
Phương pháp thuyên tắc động mạch tử cung chỉ định cho những trường hợp sau: UXTC to 12 - 16 tuần (siêu âm tối đa 3 nhân xơ); có chống chỉ định gây mê toàn thân; nhân xơ tái phát sau phẫu thuật bóc nhân xơ; muốn giữ lại tử cung; bệnh nhân không muốn phẫu thuật.
Nhịn... ái ân và ăn đậu nành ?
Hiện giới y khoa chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh UXTC. Trong dân gian, có giả thuyết cho rằng phụ nữ không hoặc ít hoạt động tình dục dễ bị UXTC. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn chưa khẳng định “đói tình dục” là một nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ.
Theo bác sĩ Lan Anh, người ta nhận thấy UXTC hay gặp ở phụ nữ có cơ địa cường estrogen và sự phát triển của UXTC có liên quan đến nồng độ estrogen trong máu, mà trong đậu nành có nhiều phytoestrogen có tác dụng tương tự estrogen nữ. Vì vậy, một câu hỏi đặt ra là: Người có UXTC có nên dùng đậu nành và các thực phẩm chế biến từ đậu nành không, và ăn nhiều đậu nành có phải là lý do dẫn đến bệnh?
Như chứng ta đã biết, đậu nành là thực phẩm phổ biến, rẻ và được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực của người Việt. Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu về công dụng của đậu nành. Theo PGS-TS Lê Bạch Mai (Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia VN), đậu nành đặc biệt tốt cho tim mạch, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh loãng xương và một số bệnh ung thư (vú, dạ dày, tiền liệt tuyến). Còn theo bác sĩ Lan Anh, các phytoestrogen trong đậu nành tồn tại dưới dạng liên hợp rất khó hấp thu và có hoạt tính sinh học thấp. Mà phytoestrogen thì không thể giống 100% estrogen trong cơ thể của người phụ nữ, chưa kể khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa biến đổi cấu trúc phân tử, hiệu quả trúng đích sẽ không cao. Cho nên việc “buộc tội” đậu nành là chưa có cơ sở chắc chắn. Hiện nay cũng chưa có nghiên cứu nào nói về liên quan giữa đậu nành và UXTC: Sử dụng đậu nành với lượng bao nhiêu mỗi ngày và trong thời gian bao lâu sẽ gây UXTC hay làm UXTC phát triển gây hại? Vì vậy thiết nghĩ người có UXTC không có lý do gì phải từ chối một thực phẩm nhiều lợi ích như đậu nành, bác sĩ Lan Anh kết luận, nhưng đồng thời khuyên người có UXTC không nên dùng đậu nành quá nhiều mỗi ngày (chẳng hạn uống sữa đậu nành thay nước, ăn các chế phẩm đậu nành liên tục).
Ngoài đậu nành, người UXTC cũng nên hạn chế một số thực phẩm khác giàu estrogen như tỏi, hạt lanh (có hàm lượng phytoestrogen rất cao), hạt mè, hạt hướng dương, hạt điều, hạt lạc...
Phòng ngừa được chăng ?
Theo bác sĩ Lan Anh, do nguyên nhân UXTC chưa rõ ràng nên khó mà có biện pháp phòng ngừa cụ thể và chính xác. Lời khuyên chung cho các chị em phụ nữ là nên khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện sớm UXTC. Bên cạnh đó, phụ nữ nên giữ cân bằng cuộc sống, tránh căng thẳng, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, nhiều rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước để giúp cân bằng chuyển hóa cơ thể, cân bằng nội tiết, tránh thừa cân béo phì...
Bình luận (0)