U.90 vẫn ghen... ác liệt: Người đòi 'động thủ', kẻ viết 'sớ' tố chồng

19/04/2019 09:33 GMT+7

Những cụ U.90 mà tôi sắp kể, cụ thì hăm 'oánh chết' khách hàng, người đòi chém kẻ hay đi ngang nhà vì đinh ninh là... tình địch. Chưa hết, có cụ bà viết đơn dài 3 tờ giấy tố chồng hay... nói chuyện với hàng xóm.

'Bả vầy mà còn... đong đưa'

Gần cơ quan tôi có một quán cóc, bán linh tinh lang tang. Chủ quán là một bà lão đã ngoài 80, lưng còng như dấu hỏi. Chồng bà là một ông lão râu tóc bạc phơ, còn con cái thì ở xa. Nhìn hai ông bà già ríu rít bên nhau vào lúc xế chiều, tôi ba phần hâm mộ bảy phần kính trọng. Có những chiều quá oải với công việc, tôi qua bên quán vắng, kêu một ly nước mía, ngồi nói chuyện giải sầu với bà lão.

Khi đã đủ độ thân thiết, một hôm bà lão thở dài, nói: “Tôi khổ tâm quá chú ạ!”. Trong lúc tôi còn đang tròn mắt ngạc nhiên thì bà lão nói tiếp: “Tôi già chừng này tuổi đầu rồi mà ổng còn ghen. Gặp ông già nào ghé mua thuốc lá, là ổng hằm hè tôi cả ngày, đến mất ăn mất ngủ! Mà lúc trẻ, ổng đâu có ghen tuông vậy đâu”.

Cụ ông tuổi cao nhưng tai thính, nghe cụ bà tâm sự với khách, liền từ trong nhà chân như không chạm đất vọt ra phân bua: “Chú biết không, bả vầy mà còn đong đưa với mấy thằng cha già đét, tui không khó chịu sao được".

Thấy tình hình căng thẳng, tôi phải đỡ lời: “Dạ, mua bán thì cũng phải trao đổi với khách chứ bác”. “Trao đổi con khỉ khô. Có ngày, tui phải... oánh chết một thằng mới đỡ ứa gan”, cụ ông gằn giọng đáp. May mà ông già chỉ hăm he cho bõ tức chứ không động thủ.

Đi ngang nhà bỗng dưng thành... tình địch

Lại nhớ bên nhà tôi có một cặp vợ chồng già, năm ấy cũng đều trên 80 tuổi. Cụ bà răng đã rụng hết, miệng móm rọm, cằm chìa ra nhọn hoắt, y chang mụ phù thủy trong các phim cổ tích. Còn cụ ông cũng rụng hết răng, tóc bạc phơ lưa thưa và gầy gò, lại có bệnh nói ngọng.

Có ông lão mù ở cách đó vài nhà, lưng gù, trưa nào đi ngang nhà đôi vợ chồng già, chẳng hiểu sao lại cứ tằng hắng một tiếng. Một buổi trưa, ông cụ lưng gù khua gậy lộc cộc đi ngang nhà cặp vợ chồng già, tiếng tằng hắng chưa kịp phọt ra khỏi cổ họng thì cụ ông nói ngọng cầm rựa từ trong nhà phóng ra: “Thằng đui kia. Tại sao qua nhà tao, mà lại tằng hắng? Muốn rủ rê vợ tao à? Tao chém...”.

Sợ có án mạng, tôi vội chạy ra can ngăn: “Bác Năm chớ nóng nảy. Ổng không thấy đường sao né kịp một rựa của bác?”. Cụ ông nói ngọng vẫn còn giận dữ, giơ cái rựa lên cao nhứ nhứ: “Để tao chém chết... cha nó luôn”.

Bà cụ cằm nhọn nghe ồn ào, từ trong nhà đủng đỉnh bước ra, nhổ bãi trầu xuống đất rồi nói với chồng như trách móc: “Đồ quỷ già. Lúc trẻ không ghen, giờ già quéo đòi ghen với tuông!”. Cuối cùng bữa đó cũng êm xuôi.

3 tờ giấy tố chồng hay... nói chuyện với hàng xóm

Trên đây là hai chuyện về cụ ông ghen, còn đây là chuyện một cụ bà ghen, cũng chát chúa thần sầu. Một chiều, tôi vừa đi làm về đến nhà, thì một bà cụ ở xóm bên đến gõ cửa, cầm sẵn 3 tờ giấy cỡ A4 trên tay: “Chú giúp tui với. Ông nhà tui già mà bậy bạ quá, ngày nào cũng nói chuyện với bà hàng xóm. Tui đã viết sẵn cái đơn tố cáo, nhờ chú đăng báo giùm".
Có những cặp vợ chồng, lúc trẻ không biết ghen tuông là gì nhưng khi về già, lại ghen tuông dữ dội - Minh họa: Nguyễn Tài

Tôi đọc lá đơn viết tay dài 3 trang của bà cụ, trong đó liệt kê ngày giờ nào cụ ông đứng nói chuyện với bà hàng xóm cũng đã xấp xỉ… 80 tuổi, ngày giờ nào hai người vừa nói chuyện vừa cười cười rất khả nghi với nhau, khiến cụ bà vô cùng đau khổ vì bị phụ bạc. Đọc xong, tôi nói: “Bác gái cứ yên tâm, bác trai tuổi đã lớn, chỉ là tình làng nghĩa xóm thôi, chứ tuổi ấy thì còn tình ý gì nữa”. Nghe vậy, cụ bà có vẻ không vui, đòi lại lá đơn rồi đi về.

Bạn tôi còn kể, ông cậu của bạn đã 81 tuổi mà cứ lôi chuyện từ 40 năm trước ra ghen với bà mợ, khiến con cháu phải liên tục vò đầu bứt tai làm hòa giải viên. Đại khái, phải có đến 1.001 chuyện ghen tuông ở tuổi gần đất xa trời như thế.

Nhiều người giải thích, rằng tuổi nào cũng ghen, còn yêu còn ghen, rằng ghen là gia vị của tình yêu. Nhưng cái gì thái quá cũng bất cập, già quéo mà còn ghen thì lại càng kỳ khôi, giống như một kiểu bệnh hoạn chứ không còn đơn thuần là do cảm xúc dẫn dắt.

Chẳng biết mấy mươi năm nữa, tôi có giống các ông cụ kể trên không nhỉ? Lo quá!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.