Alek Sigley (29 tuổi) sang Bình Nhưỡng theo học bằng thạc sĩ về văn học Triều Tiên tại Đại học Kim Nhật Thành. Thông thạo tiếng Triều Tiên, Sigley cũng điều hành một công ty chuyên cung cấp các chuyến du lịch cho du khách phương Tây đến thăm đất nước này.
Gia đình Sigley thông báo không thể liên lạc với anh từ hôm 25.6 trong khi BBC đưa tin sinh viên này đã bị chính quyền Triều Tiên bắt giữ.
Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 4.7 xác nhận Sigley đã được thả và hoàn toàn khỏe mạnh nhưng không nói rõ vì sao bị bắt.
Sigley rời Bình Nhưỡng ngày 4.7 và bay sang Bắc Kinh để gặp các quan chức Úc. Sau đó, anh này bay sang Tokyo để đoàn tụ với vợ mình là người Nhật.
Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton ngày 5.7 cảnh báo trên mạng tryền hình 9 News rằng Sigley không nên quay trở lại Triều Tiên. “Lời khuyên của tôi rất rõ. Hãy ở lại Nhật Bản. Hãy quay lại Hàn Quốc, Úc. Đó đều là những lựa chọn tốt hơn là quay lại Triều Tiên. Tôi không nghĩ anh ta sẽ lặp lại trường hợp tương tự vì có thể sẽ có kết thúc rất khác”, ông Dutton nói.
|
Quan chức ngoại giao của Thụy Điển Kent Harstedt, người giúp anh Sigley được thả, không công bố chi tiết vụ việc mà chỉ hoan nghênh chính quyền Triều Tiên “lắng nghe những quan điểm và giải quyết vấn đề nhanh chóng”, theo Reuters. Do Úc không có đại sứ quán tại Triều Tiên nên phải nhờ Thụy Điển đại diện để giải quyết sự việc lần này.
Sự việc đối với Sigley làm nhiều người hồi tưởng lại trường hợp của sinh viên Mỹ Otto Warmbier, người bị bắt giam với cáo buộc đánh cắp một áp phích tuyên truyền tại khách sạn ở Bình Nhưỡng năm 2016.
Hồi tháng 6.2017, Warmbier được Triều Tiên thả về Mỹ nhưng trong tình trạng hôn mê và qua đời sau khi về nước vài ngày.
Bình luận (0)