Phát ngôn viên Sergiy Bratchuk của quân khu Odessa thuộc Ukraine đã bác bỏ tuyên bố rằng Ukraine đứng sau vụ tấn công trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga. “Việc giải phóng Crimea của chúng tôi khỏi quân chiếm đóng sẽ được thực hiện theo cách khác và hiệu quả hơn nhiều", ông Bratchuk viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram, theo Reuters. Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014.
UAV Ukraine tấn công trụ sở Hạm đội biển Đen, 6 người bị thương |
Trước đó, ông Mikhail Razvozhayev, lãnh đạo của Sevastopol, thành phố lớn nhất ở Crimea và là nơi đóng trú của Hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga, viết trên Telegram rằng Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào trụ sở của hạm đội Biển Đen hôm nay 31.7, khiến 6 người bị thương và các sự kiện kỷ niệm Ngày Hải quân của Nga ở Crimea bị hủy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tư lệnh Hải quân Nikolai Yevmenov dự cuộc duyệt binh đánh dấu Ngày Hải quân ở thành phố St Petersburg ngày 31.7 |
Reuters |
Phát biểu trong Ngày Hải quân tại thành phố St Petersburg, Tổng thống Putin tuyên bố hải quân Nga sẽ nhận được tên lửa hành trình bội siêu thanh Zircon trong vòng vài tháng tới và khu vực triển khai loại vũ khí này sẽ phụ thuộc vào lợi ích của Nga, theo Reuters.
Ngoài ra, trước khi cuộc duyệt binh đánh dấu Ngày Hải quân bắt đầu, Tổng thống Putin đã phê duyệt học thuyết hải quân sửa đổi có tính đến “sự thay đổi tình hình địa chính trị và quân sự-chiến lược trên thế giới”, theo Đài RT. Chi tiết của học thuyết được sửa đổi không được công bố.
Nga xem Mỹ và NATO là "mối đe dọa" chính trong học thuyết hải quân mới |
Hồi tháng 5, Phó thủ tướng Nga khi đó Yuri Borisov cho rằng trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga đang diễn ra ở Ukraine và “cuộc chiến tranh hỗn hợp toàn diện” do phương Tây phát động chống lại Moscow, “việc xây dựng khả năng để đảm bảo và bảo vệ lợi ích quốc gia trên các đại dương thế giới” rất quan trọng đối với Nga. Ông Borisov nhấn mạnh: “Học thuyết hải quân được điều chỉnh có tính đến sự thay đổi của tình hình địa chính trị và quân sự-chiến lược trên thế giới”.
Ông Borisov khi đó còn nhấn mạnh rằng phiên bản mới của học thuyết không nhằm mục đích đối đầu mà là tìm cách tăng cường an ninh hàng hải quốc gia và giảm đáng kể sự phụ thuộc của hải quân vào các yếu tố bên ngoài và điều kiện thị trường.
Học thuyết hải quân của Nga được thông qua lần đầu tiên vào năm 2001. Một phiên bản đã được sửa đổi để phản ánh sự mở rộng của NATO và việc Nga sáp nhập Crimea, đã được ông Putin phê chuẩn vào tháng 7.2015, theo RT.
Bình luận (0)