Tòa nhà Cục Tác chiến sẽ không còn ?
Ngày 24.7, tại Trung tâm hội nghị Bharat Mandapam (thủ đô New Delhi, Ấn Độ), UNESCO đã thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, đồng thuận với các nội dung đề xuất của VN về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Việc được thông qua Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã mở ra việc khơi thông trục hoàng đạo, tiến tới khôi phục không gian và chính điện Kính Thiên.
Việc khơi thông trục hoàng đạo này đã được bàn luận trong nhiều năm, gắn liền với việc về tòa nhà Cục Tác chiến. Đây là tòa nhà hai tầng, nơi trước đây Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng) làm việc. Khu nhà có mặt trong hồ sơ di sản UNESCO của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tòa nhà nằm trên trục hoàng đạo của khu di sản và có ý kiến cho rằng sẽ phải có thay đổi với tòa nhà để có thể có một trục được khơi thông, từ đó khôi phục không gian và chính điện Kính Thiên. Cũng phải nói thêm, Hà Nội theo đuổi mục tiêu phục dựng điện Kính Thiên nhiều năm nay. Mới đây, theo Nghị quyết số 21 ngày 23.9.2021 và Nghị quyết số 28 ngày 28.12.2022 của HĐND TP.Hà Nội, TP sẽ chi 1.800 tỉ đồng thực hiện dự án phục dựng điện Kính Thiên.
Cách ứng xử với tòa nhà Cục Tác chiến khi phục dựng điện Kính Thiên cũng đã được tính toán qua nhiều năm. Hồi 2012, khi bàn thảo để đạt tới sự liền mạch trục trung tâm từ Đoan Môn tới điện Kính Thiên, nhiều nhà khoa học được tham khảo ý kiến đã chọn cách di dời tòa nhà Cục Tác chiến sang chỗ khác. Một phương án trong số đó do PGS-TS Phan Ý Thuận (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) đưa ra đã đề xuất một tòa nhà khác sẽ bị hạ giải để lấy chỗ di chuyển nhà Cục Tác chiến đến đó. Tòa nhà bị hạ giải là nhà cấp 4 nằm trong danh mục tháo dỡ của dự án tháo dỡ 58 nhà không có giá trị lịch sử trong Thành cổ Hà Nội. Kết quả khảo sát năm 2007 cho thấy đây không phải là di tích lịch sử và không có giá trị sử dụng. Tuy nhiên, phương án này được cho là khó thực hiện về mặt kỹ thuật.
Chậm lại để nghiên cứu
Là một nhà nghiên cứu gắn bó với Hoàng thành Thăng Long từ khi mới khai quật, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho biết hiện tại khai quật đã mang đến nhiều tư liệu về khu di sản. Chẳng hạn, cuộc khai quật năm 2022 phát hiện trên 70 cấu kiện kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng 9999 của một kiến trúc gỗ cao tầng thời Lê sơ. Cuộc khai quật cũng phát hiện hệ thống ngói rồng tráng men xanh, men vàng được thể hiện thành một con rồng chạm nổi độc đáo chỉ có ở Thăng Long, chỉ có ở VN. Thẻ đồng "Cung nữ xuất mãi bài" là thẻ cấp cho cung nữ được phép ra vào nội cung để mua bán, cũng cho thấy một phần đời sống của cung cấm Thăng Long thế kỷ 15. PGS-TS Tống Trung Tín cho biết các nhà khoa học đã đi được 60% quãng đường nhận thức phục dựng điện Kính Thiên.
Từ năm 2012, khi đặt ra vấn đề phục dựng điện Kính Thiên, các nhà nghiên cứu cũng đặt ra một vấn đề khác là phục dựng dần các sinh hoạt tại điện này. Một phiếu lấy ý kiến khi đó có nội dung đề xuất: "Phục dựng điện Kính Thiên trong hoàng thành nhất thiết phải đặt trong chương trình tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của một di sản văn hóa thế giới". Chính vì thế, nhiều người đã nhắc tới Hội đèn Quảng Chiếu. Với sự xuất hiện của một kiến trúc tâm linh tại khu vực Vườn hồng Hoàng thành Thăng Long hồi 2014, các nhà khoa học càng có lý do để nói đến lễ hội này. GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, khi đó còn cho rằng kiến trúc này liên quan đến đài và đèn Quảng Chiếu trong Hội đèn Quảng Chiếu. Tuy nhiên cho tới nay, vẫn chưa có thêm bước tiến mới nào để phục dựng lễ hội Phật giáo này.
Các nghiên cứu của PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, gần đây được công bố cũng đưa ra một số hình dung về điện Kính Thiên. Theo đó, dựa vào nghiên cứu so sánh với kiến trúc ở Trung Quốc, Nhật Bản, cộng thêm tư liệu khảo cổ học, ông Trí đưa ra các mô hình điện Kính Thiên thời Lê và Lý. Mặc dù vậy, PGS-TS Trí vẫn chia sẻ: "Tôi không có nhã ý dùng kết quả nghiên cứu này để phục dựng điện Kính Thiên" với lý do một mô hình được làm kỹ lưỡng còn đem lại hình dung và cảm xúc tốt hơn với công chúng.
Trên nền kết quả nghiên cứu như vậy, dù có "đèn xanh" từ UNESCO với việc khôi phục không gian điện Kính Thiên, việc phục dựng này vẫn nên được nghiên cứu thêm. Chúng ta không quên việc dựng lại Lam Kinh đã bị phản đối ra sao, đã phải ẩn vào chữ "phỏng dựng" do nhiều chi tiết thiếu cơ sở khoa học thế nào. Với Hoàng thành Thăng Long và điện Kính Thiên, càng cần thận trọng.
Bình luận (0)