Sau khi trải nghiệm thực tế, Ngô Anh Tuấn, khoa Hệ thống thông tin, Trường ĐH Công nghệ thông tin (TP.HCM) cho rằng: "ChatGPT chỉ được dùng như một công cụ hỗ trợ việc học thôi, không nên lạm dụng nó quá nhiều".
Hơn 1 triệu người dùng chỉ sau 5 ngày ra mắt, ChatGPT chỉ cần 2 tháng để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Tiktok phải mất 9 tháng và Instagram mất 2.5 năm để đạt được con số đó. "Mối đe dọa của Google" đã trở thành hiện tượng toàn cầu từ cuối năm 2022 cho đến nay.
Tại Việt Nam, ChatGPT cũng nhanh chóng thu hút sự chú ý và tạo nên cơn sốt với học sinh, sinh viên, đặc biệt là các sinh viên thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Chính vì thế, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) đã tổ chức buổi trao đổi với chủ đề: "ChatGPT - Vận hội và thách thức của IT" nhằm giải mã ứng dụng AI này và trả lời cho câu hỏi: Liệu AI có thể thế lập trình viên?
Nhờ được đào tạo bằng kỹ thuật máy học mang tên "Reinforcement Learning from Human Feedback", nghĩa là "học tăng cường từ phản hồi của người dùng" giúp cho ChatGPT có khả năng mô phỏng đối thoại, trả lời các câu hỏi theo mạch, thừa nhận sai lầm, phản đối các cơ sở không chính xác và từ chối các yêu cầu không phù hợp. ChatGPT. Bên cạnh khả năng của ChatGPT từ việc soạn thơ, viết nhạc, soạn đơn xin nhập học cho đến viết code lập trình, GS.TS Đỗ Phúc cũng chỉ ra những hạn chế của ứng dụng AI này.
Trước sự thông minh của trí tuệ nhân tạo ChatGPT, một số trường trên thế giới đã cấm cửa ứng dụng này nhằm ngăn chặn nguy cơ gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, một số khác đang tìm cách thích nghi và ứng dụng công cụ này trong việc giảng dạy.
Bình luận (0)