Như Thanh Niên đã thông tin, từ ngày 1.1.2025, luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) phải thực hiện kiểm định khí thải.
Ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, cho biết luật có hiệu lực từ 1.1.2025 nhưng không đồng nghĩa tất cả xe máy trên cả nước sẽ phải kiểm định khí thải từ ngày này. Cụ thể, luật đưa ra quy định nhưng thời điểm thực hiện còn phụ thuộc vào lộ trình áp dụng do Chính phủ ban hành.
Liên quan việc kiểm định khí thải xe máy, Bộ GTVT dẫn Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 cho thấy khí thải từ xe cơ giới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đô thị. Trong đó, mô tô, xe máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất.
Bộ GTVT nhận định quy định hiện hành chỉ áp dụng kiểm soát nguồn khí thải đối với ô tô và xe máy mới, còn xe máy đang sử dụng thì không. Điều này nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến tình trạng môi trường sống ngày càng bị ảnh hưởng.
Ủng hộ nhưng còn băn khoăn
Nêu ý kiến về quy định kiểm soát khí thải đối với xe máy, bạn đọc (BĐ) Thanh Lam bày tỏ ủng hộ nhưng đồng thời đặt ra không ít băn khoăn: "Kiểm soát khí thải xe máy là nhằm bảo vệ môi trường trong sạch, cho nên quy định này tôi thấy rất hợp lý. Nhưng tôi băn khoăn là nhân sự và cách làm thế nào cho khoa học, khách quan, lành mạnh, vì việc đăng kiểm ô tô vừa qua đã bộc lộ nhiều bất cập".
Ý kiến của BĐ Thanh Lam cũng trùng với suy nghĩ của nhiều độc giả khác. BĐ Nguyễn Quốc Thanh nhận xét: "Nếu tính toán là 50.000 đồng/xe/lần kiểm định như đề án thí điểm mà TP.HCM đã thực hiện thì chi phí không lớn, người dân an tâm tham gia giao thông cùng với bảo vệ được môi trường. Tuy nhiên các cơ quan thực thi cần phải có cách làm phù hợp, lộ trình rõ ràng, chứ đừng ra quân ồ ạt rồi bắt người dân phải xếp hàng chờ đợi".
Đa số BĐ cho rằng "lộ trình và nguồn lực" là yếu tố cần thiết để triển khai hiệu quả kiểm soát khí thải xe máy, nhưng không hề dễ dàng. "Quan trọng là cách thức triển khai làm sao cho thuận lợi vì lượng xe máy không phải là nhỏ", BĐ Trịnh Cường lưu ý.
Thời điểm thay đổi nhận thức
Trên thực tế, từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt việc kiểm soát khí thải xe máy. Thế nhưng sau 15 năm, loại phương tiện chiếm tỷ lệ lớn nhất trên đường phố VN mới chính thức được "đưa vào khuôn khổ". Lý giải điều này, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho rằng hiện tại là thời điểm chín muồi để hiện thực hóa kiểm soát khí thải xe máy vì "đã có sự thay đổi rất lớn về nhận thức của người dân".
BĐ Hoàng nhận xét: "Trước đây người dân lo ngại vì tính khả thi của đề án kiểm soát khí thải xe máy, nhưng ở thời điểm này thì tôi cho là làm được". Tán thành, BĐ Minh Nghĩa phân tích: "Vận tải công cộng cơ bản phủ sóng, công nghệ xe điện phát triển mạnh, còn người dân thì sợ ô nhiễm không khí lắm rồi". BĐ Thủy nhận xét thêm: "Trước đây người dân còn phải mua "xe máy bỏ bãi" nhập về từ các nước phát triển, là các loại xe máy không đáp ứng niên hạn, tiêu chuẩn khí thải, bị các nước loại bỏ. Giờ khác rồi!".
Từ những nhận định trên, BĐ Benz đề nghị: "Không phải tổ chức kiểm định là giảm được tuyệt đối khí thải. Thiết thực hơn nữa là tập trung vào hỗ trợ chuyển đổi xe cá nhân từ sử dụng nhiên liệu đốt sang nhiên liệu sạch, tiến tới dừng lưu hành xe máy dùng nguyên liệu đốt tại một số đô thị, địa điểm…".
Quy định kiểm soát khí thải xe máy sẽ mở đường pháp lý cho việc kiểm soát thực chất chất lượng từ nhà sản xuất và tiêu chuẩn niên hạn sử dụng của xe máy.
Trường Lưu
Rất đồng tình nhưng cần lộ trình, đặc biệt là khâu thực hiện vì số lượng xe máy cực kỳ khổng lồ và ảnh hưởng sâu rộng trong người dân.
Tuấn An
Giao thông công cộng cần bao phủ đô thị. Làm được điều này thì không phải lăn tăn việc khó triển khai kiểm soát khí thải xe máy.
Lê Tuấn Hải
Bình luận (0)