Như vậy, 15 năm sau khi Chính phủ phê duyệt chủ trương kiểm soát khí thải xe máy vào năm 2010, loại phương tiện chiếm tỷ lệ lớn nhất trên đường phố VN chính thức được "đưa vào khuôn khổ".
Không phải kiểm định tất cả xe máy đang lưu hành
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, cho biết: Luật Trật tự, an toàn giao thông mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 nhưng không đồng nghĩa tất cả mô tô, xe gắn máy trên cả nước sẽ phải kiểm định khí thải từ ngày này. Cụ thể, luật đưa ra quy định nhưng thời điểm thực hiện còn phụ thuộc lộ trình áp dụng mà Chính phủ ban hành. Lộ trình này sẽ do Bộ Tài nguyên - Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ để Thủ tướng ban hành quyết định. Quyết định trên sẽ ban hành đầy đủ lộ trình, tiêu chuẩn áp dụng, cách thức triển khai...
Theo ông An, khi đó mới có thời điểm cụ thể, đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, tinh thần chung là những xe mới nhập khẩu, sản xuất lắp ráp đang được kiểm soát khí thải rồi; chỉ còn những phương tiện cũ đang tham gia giao thông chưa được kiểm soát. Như vậy, các cơ quan nghiên cứu sẽ xem xét ban hành các quy định phù hợp với thực tế, đơn cử như đưa thời gian nhất định rằng xe mới trong 2 - 3 năm đầu tiên không phải kiểm định khí thải...
"Xe không đạt tiêu chuẩn bắt buộc phải đi khắc phục, sửa chữa. Khi chủ phương tiện đưa xe đi khắc phục, sửa chữa sao cho đạt mức tiêu chuẩn khí thải thì phương tiện cũng sẽ được chăm sóc để đảm bảo cả về an toàn. Đây cũng là mục tiêu quan trọng mà quy định này hướng tới", ông An nhấn mạnh.
Làm rõ thông tin kiểm định khí thải xe máy từ 1.1.2025
Đề xuất kiểm định khí thải đối với xe máy từng được Bộ GTVT đưa ra trong dự thảo luật Đường bộ (cũng tách một phần từ luật Giao thông đường bộ năm 2008) do cơ quan này chủ trì soạn thảo. Bộ GTVT dẫn báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 cho thấy phát thải khí thải từ xe cơ giới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đô thị. Trong đó, mô tô, xe gắn máy là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 68 triệu xe mô tô, xe gắn máy; riêng tại Hà Nội có khoảng 6 triệu xe, trong đó gần 3 triệu xe cũ sản xuất trước năm 2000.
Trong khi đó, quy định hiện hành chỉ áp dụng kiểm soát nguồn khí thải đối với ô tô và xe máy mới, còn xe máy đang sử dụng thì không. Điều này nếu không được giải quyết sẽ làm gia tăng lượng khí thải phát sinh, gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí cho những vấn đề về bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các đô thị lớn.
Lo ngại tốn kém chi phí cho người dân
Năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt kiểm soát khí thải xe máy. Thế nhưng, từ đó đến nay, ngoài lần đăng ký và cấp biển số đầu tiên, xe máy không chịu bất kỳ hình thức kiểm soát nào dù cũ nát, mất an toàn hay gây ô nhiễm. Năm 2012, Công an TP.HCM cũng đã được UBND TP đồng ý cho nghiên cứu xây dựng dự thảo về quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe mô tô 2, 3 bánh, xe gắn máy (kể cả xe điện). Nhưng do vấp phải sự phản đối từ dư luận, dự thảo này chưa kịp lên giấy đã "chết yểu".
Trong khi đó, kết quả chương trình "Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP" do TP.HCM phối hợp Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy VN thực hiện trong giai đoạn từ ngày 15.5 - 2.9.2020 đã cho thấy một bức tranh rất khác. TP.HCM tổ chức 8 điểm kiểm định khí thải xe máy miễn phí, dự kiến tổ chức phục vụ cho 5.000 phương tiện; nhưng đến khi kết thúc chương trình, có đến hơn 13.000 xe máy tới kiểm định khí thải. Sau đó, khi TP.HCM khảo sát ý kiến người dân cho đề án kiểm soát mô tô, xe gắn máy để giảm ô nhiễm môi trường, có tới hơn 76% người dân ủng hộ. "Điều này cho thấy đã có sự thay đổi rất lớn về nhận thức của người dân. Họ rất quan tâm đến vấn đề này", lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM nhận định.
Mặc dù vậy, chi phí vẫn là mối quan tâm lớn nhất. Nếu đề xuất kiểm soát khí thải xe máy của Bộ GTVT lần này được đưa vào luật, người sử dụng phương tiện sẽ phải bỏ chi phí bảo dưỡng định kỳ cho phương tiện. Theo đơn vị xây dựng đề án "Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM", với chi phí đầu tư một trạm kiểm định (1 thiết bị đo khí thải) được tính toán khoảng 354,4 triệu đồng cho một năm, giá dịch vụ kiểm định khí thải được tính toán để thu hồi vốn khi cộng thêm 10% thuế VAT là 32.500 đồng. Chi phí cấp giấy chứng nhận, dán tem là 1.000 đồng/xe (bao gồm việc tạo phôi, in ấn, quản lý...). Như vậy, với các giả thiết có lợi nhất thì giá dịch vụ kiểm định khí thải cho một xe máy là 33.500 đồng.
Thực tế, quá trình kiểm định khí thải tại các trạm sẽ không diễn ra liên tục, do đó năng suất kiểm định chỉ dự kiến bằng 70% năng suất tối đa, khi đó giá kiểm định tính toán là 50.000 đồng/xe/lần kiểm định. Tính ra, người dân chỉ phải trả khoảng 1.000 đồng/tuần để chung tay bảo vệ môi trường.
"Với mức giá 50.000 đồng/năm/xe sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của dân. Qua khảo sát, lấy ý kiến của người dân về vấn đề này cho thấy có tới 93% người được phỏng vấn đồng ý với mức thu 50.000 đồng. Hoạt động kiểm định khí thải xe máy mang tính chất dịch vụ vì mục đích bảo vệ môi trường nên phải có nguồn thu hợp lý để bù lại chi phí đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hao phí lao động bỏ ra", đề án của TP.HCM nêu rõ.
Mặt khác, Bộ GTVT cho biết chi phí này sẽ được bù đắp bằng việc giảm chi phí sửa chữa phương tiện cho những hư hỏng phát sinh do thiếu sự kiểm tra thường xuyên, bảo dưỡng định kỳ, tăng hiệu quả khai thác phương tiện. Nếu người sử dụng xe thực hiện chế độ bảo dưỡng định kỳ theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất thì có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe 7%, tương đương với lượng nhiên liệu tiết kiệm được là hơn 170.000 đồng/năm. Theo tính toán, nếu thực hiện kiểm soát khí thải thì người dân không những không bị tăng chi phí mà còn tiết kiệm trung bình được 25.632 đồng/xe/năm trong trường hợp nhà nước tiến hành thu phí kiểm định khí thải.
Cần lộ trình phù hợp và nguồn lực sẵn sàng
Bên cạnh chi phí, nỗi ám ảnh xếp hàng đăng kiểm ô tô cũng đang đe dọa các chủ phương tiện xe máy. Cả nước có gần 70 triệu xe máy chạy xăng đang lưu hành, gấp nhiều lần số lượng ô tô, viễn cảnh quá tải các trạm đăng kiểm, người dân phải ùn ùn xếp hàng chờ kiểm định, chờ bảo dưỡng, sửa chữa… gây lo ngại cho hầu hết các chủ phương tiện.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tô An nêu rõ: Việc kiểm định khí thải xe máy rất nhanh chóng, không mất nhiều thời gian như kiểm định xe cơ giới, ô tô. Trước đây, Cục Đăng kiểm cũng đã nghiên cứu, ngoài trung tâm kiểm định xe cơ giới, kiểm định ô tô có các thiết bị kiểm tra khí thải thì các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa mô tô, xe máy, các nhà dịch vụ, đại lý xe máy với hàng chục ngàn cơ sở trải đều khắp nơi đều có thể được tổ chức thành nơi kiểm định xe máy.
Th.S Đinh Trọng Khang, Phó giám đốc Viện chuyên ngành Môi trường, Viện Khoa học công nghệ GTVT, nhận định trước đây các phương tiện xe máy không chịu bất cứ hình thức quản lý nào kể từ khi mua xe. Khi thực hiện kiểm soát khí thải, áp dụng các quy định pháp lý thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng. Người dân có thể phải mất thêm thời gian, thêm thủ tục, chi phí. Ở các quốc gia khác, thời gian đầu khi thực thi chính sách này cũng vấp phải phản ứng của dư luận. Tuy nhiên, lợi ích về mặt môi trường và đặc biệt là sức khỏe của người dân mà chính sách này mang lại, là quan trọng nhất. Ngoài ra, thực hiện kiểm soát khí thải xe máy còn giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Chính phủ với các tổ chức quốc tế.
Hiện nay, luật trên được thông qua đã đủ cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai, chỉ còn chờ Chính phủ ban hành các tiêu chuẩn, hướng dẫn, quy định về các trạm đăng kiểm, tổ chức thực hiện như thế nào, giao đơn vị nào quản lý, hình thức xử phạt dưới dạng hành chính ra sao… Những điều này liên quan nguồn lực và tài chính. Các địa phương muốn triển khai cần chuẩn bị cơ sở kiểm định, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực… phù hợp tình hình thực tế.
"Quá trình thí điểm kiểm soát khí thải xe máy ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đều đã tham vấn ý kiến người dân và nhận được sự ủng hộ của đa số người dân", Th.S Đinh Trọng Khang cho hay.
Ủng hộ chủ trương kiểm soát khí thải xe máy càng sớm càng tốt, song TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, lưu ý cần tổ chức sao cho thuận lợi, nhanh, phù hợp với khả năng chi trả của từng địa phương. Đơn cử, nên xây dựng lộ trình thực hiện trước ở các TP lớn, bắt buộc phải có khung pháp lý, chế tài đảm bảo xe không đủ tiêu chuẩn thì không được lưu thông. Ở những vùng sâu vùng xa, có thể làm chậm hơn nhưng phương tiện đó khi di chuyển vào thành phố thì cần phải có dán tem kiểm định.
"Rất nhiều người chạy chiếc xe máy tới 4 - 5 năm không bảo dưỡng. Đó là phương tiện di chuyển hằng ngày của người lao động, nhưng như vậy không chỉ ô nhiễm môi trường mà còn gây mất an toàn cho chính bản thân họ. Nhiều nước đã kiểm soát khí thải xe máy từ rất lâu rồi. Chúng ta để càng lâu thì số lượng càng tăng, càng khó làm. Xe máy là công cụ đi lại, kiếm sống của hàng triệu người nhưng không thể bám mãi vào lý do đời sống khó khăn để trì hoãn kiểm soát. Ai cũng phải có trách nhiệm với môi trường", TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
Giảm 30% ô nhiễm không khí
Xe máy chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC; 37,7% nguồn phát thải bụi; 31% nguồn phát thải bụi siêu mịn. Nếu thực hiện kiểm soát khí thải xe máy theo đề án TP.HCM đã nghiên cứu thì mức giảm sẽ là 56.403 tấn CO/năm (13,1%) và 4.808 tấn HC/năm (13,8%), tương đương giảm tới 30% tình trạng ô nhiễm không khí.
(Kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường - Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Bước đi trước rất thuận lợi
Thách thức lớn nhất của TP.HCM hiện nay là thói quen sử dụng xe máy đã đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người dân, trong điều kiện hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng kịp nhu cầu. Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.HCM mới được Quốc hội thông qua cho phép HĐND TP ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch cũng như lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng năng lượng sạch. Đây là bước đi trước rất thuận lợi để TP.HCM bắt đầu thực hiện đề án kiểm soát mô tô, xe gắn máy.
Ông Bùi Hòa An (Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM)
Bình luận (0)