Ứng xử văn minh

24/08/2013 03:05 GMT+7

Câu chuyện “bắt giam” hòn đá và phiên tòa xử công dân Trần Thị Sắc khởi kiện Chủ tịch UBND H.Chư Sê (tỉnh Gia Lai) ngày 22.8, cho thấy rất nhiều vấn đề về pháp lý cần phải làm rõ và cả những bài học ứng xử của cơ quan công quyền trong một xã hội văn minh.

Câu chuyện “bắt giam” hòn đá và phiên tòa xử công dân Trần Thị Sắc khởi kiện Chủ tịch UBND H.Chư Sê (tỉnh Gia Lai) ngày 22.8, cho thấy rất nhiều vấn đề về pháp lý cần phải làm rõ và cả những bài học ứng xử của cơ quan công quyền trong một xã hội văn minh.

>> Xét xử vụ án 'bắt giam hòn đá': 'Đá gì cũng là khoáng sản' (!)
>> Vụ 'hòn đá bị bắt giam': Tòa bác đơn kiện
>> “Bắt giam” hòn đá

Theo dõi câu chuyện “vô tiền khoáng hậu” này, dư luận không khỏi băn khoăn. Đó là vì trong khi Đảng, Nhà nước tốn sức vận hành một nhà nước pháp quyền, thì ở đâu đó vẫn còn những công chức chính quyền hành xử theo tư duy “cành cây, que củi cũng là tài sản quốc gia và có thể thu hồi”. Tại tòa, một người nông dân (tất nhiên có sự trợ giúp của luật sư) đã chứng minh hàng loạt những sai sót pháp lý xung quanh quyết định hành chính của chủ tịch huyện. Thế nhưng, chỉ với một lý giải đơn giản của đại diện bị đơn (chủ tịch UBND huyện) - trưởng phòng TN-MT huyện, rằng “tôi nghĩ thế là đúng”, và tòa vội cho là đúng.

Trong một nhà nước pháp quyền thì trách nhiệm của quản lý nhà nước là áp đặt thi hành luật pháp để điều chỉnh hành vi của con người và xã hội, chứ không phải và không bao giờ chỉ thỏa mãn ý chí chủ quan của nhà quản lý, theo cách “tôi nghĩ thế là đúng”. Dù là chủ tịch huyện cũng không thể ra bất kỳ một quyết định nào mà không thể lý giải, căn cứ trên quy định luật pháp.

Trong trường hợp hòn đá của bà Sắc, chưa nói đến những sai sót về mặt hình thức, trình tự các thủ tục hành chính, về mặt luật pháp, UBND H.Chư Sê hoàn toàn không có đủ căn cứ pháp lý để thu hồi hòn đá, thậm chí đem trưng bày khi đang tranh chấp. Khoản 7, điều 2 luật Khoáng sản quy định hoạt động khai thác khoáng sản là nhằm thu hồi khoáng sản (hoạt động có chủ đích là thu hồi khoáng sản). Tuy nhiên, mục đích của bà Sắc là đào ao lấy nước tưới tiêu, trong quá trình đào thì phát hiện ra hòn đá (cho dù hòn đá mà bà Sắc đào được, theo luật cũng được xác định là một loại khoáng sản). Bà Sắc không hề biết trước trong vườn nhà mình có khoáng sản, và cũng không cố tình thuê máy móc với động cơ là đào lấy hòn đá, do vậy bà không vi phạm điều nào trong 8 hành vi bị cấm theo điều 8 luật Khoáng sản. Mà những gì luật pháp không cấm thì người dân có quyền làm.

Thực ra, khi phát hiện hòn đá, bà Sắc chỉ cần có một động tác nhỏ là đề đạt nguyện vọng với cơ quan chức năng được đào hòn đá, đem về nhà trưng bày làm cảnh là hoàn toàn đúng luật. Nhưng tất nhiên, không thể đòi hỏi một người nông dân như bà Sắc phải biết được điều đó; mà cơ quan chức năng trong trường hợp này phải có trách nhiệm áp dụng luật pháp một cách linh hoạt và văn minh, hơn là thể hiện quyền lực vô lối. Bản án của TAND H.Chư Sê dường như là một cách “đâm theo lao”, chỉ để tránh cho cơ quan công quyền khỏi phải trả một lời xin lỗi!

Đồng Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.