Ứng xử văn minh học đường: Tự kiềm chế là bài học đầu tiên của người thầy

11/12/2023 09:00 GMT+7

Kinh nghiệm của một đời dạy học cho tôi thấy ngoài năng lực sư phạm mà trọng tâm là phương pháp giảng dạy phù hợp giúp học sinh nắm được kiến thức, người thầy phải biết tự kiềm chế trước các hành vi sai sót của học sinh.

Nếu không biết tự kiềm chế, người thầy dễ phát sinh sự nóng giận trước sự vi phạm của các em. Dù đã được học về giáo dục, tâm lý ở trường sư phạm nhưng không ít người thầy luôn tỏ ra quyền lực muốn xử lý ngay những vi phạm đó.

Vì thế, lắng nghe bao giờ cũng giúp người thầy biết được tường tận lý do học sinh vi phạm. Tiếp theo là sự chia sẻ để học sinh có dịp trình bày đôi khi là những suy nghĩ nông cạn vì lứa tuổi chưa trưởng thành nên nhận thức chưa sâu.

Nhận xét học sinh một cách áp đặt

Một việc hết sức phổ biến ở nhà trường hiện nay là giáo viên chủ nhiệm chỉ căn cứ vào lời nhận xét và đánh giá tiết học của thầy cô bộ môn rồi áp đặt kết luận về học sinh. Thầy cô bộ môn nhiều khi chỉ vì một vài cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ học tập hay thực hiện nội quy, thiếu lễ phép với giáo viên chẳng hạn là cả lớp lãnh đủ.

Tôi từng biết có trường hợp một học sinh giỏi, ngoan của lớp do sơ suất không giải hoàn chỉnh một bài tập cô ra trên bảng và nhận điểm số không như ý. Khi trở về chỗ ngồi, em học sinh này đã đặt cuốn vở xuống bàn gây tiếng động. Cô giáo khẳng định đó là hành vi vô lễ, đòi hạ hạnh kiểm, báo với giáo viên chủ nhiệm mời cha mẹ học sinh vào để nhắc nhở. Tôi đã cố gắng nói với cô rằng việc này chỉ nên gặp riêng, góp ý để em sửa sai. Nếu cần thiết thì giáo viên có thể nhắc nhở chung cả lớp nên chú ý hành vi dễ gây hiểu lầm cho thầy cô. Tuy nhiên, cô giáo không đồng tình.

Trước khi mời cha mẹ học sinh đến, tôi gặp riêng và học sinh thành thật cho biết do cảm xúc cá nhân nên mới có hành động như thế, không có việc vô lễ với cô. Em nhận lỗi và hứa cẩn thận hơn. Phụ huynh đến trường, may mắn là cũng nhận sai về phía con nên sự việc dừng lại.

Tự kiếm chế là bài học đầu tiên của người thầy - Ảnh 1.

Thầy cô phải biết tự kiềm chế, lắng nghe học sinh (ảnh minh họa)

NVCC

Giáo viên không muốn dạy chỉ vì một học sinh "hỗn láo"

Một giáo viên khác tuyên bố không giảng bài nếu cả lớp còn để một học sinh có mặt chỉ vì em này nở một nụ cười với các bạn khi em nhận điểm kém do không thuộc bài. Thầy cho rằng bị coi thường, tổn thương danh dự, phải trừng phạt học sinh. Trước áp lực của thầy, lớp đã cô lập, thúc giục em rời lớp để thầy hài lòng.

Mãi đến khi thầy chủ nhiệm biết, can thiệp, học sinh này mới được vào lớp. Dù vậy, mối quan hệ thầy trò đã tổn thương nhất khi suốt năm học, thầy không tương tác với em này nữa. Qua tìm hiểu, tôi biết đó là nụ cười gượng gạo của em với các bạn vì tự biết mình học kém, chứ không dám coi thường, vô lễ với thầy. Trong khi đó, thầy giáo vẫn khẳng định học sinh không biết nhục vì học kém còn nở nụ cười là không chấp nhận được.

Tự kiềm chế trước các vi phạm của học sinh là đòi hỏi to lớn đối với người thầy. Nếu chăm chăm vào nội quy và các biện pháp kỷ luật, thầy trò khó có sự thông cảm. Tuổi học sinh đang lớn, tự cho mình đã thông hiểu mọi vấn đề. Lắm khi hành động là để chứng minh cá tính anh hùng, không sợ gì. Người thầy cần tìm hiểu ngọn ngành các vi phạm, phân tích, làm rõ đúng sai tạo điều kiện cho các em sửa đổi mới thành công.

Để móng tay dài, sơn màu đen có gì sai?

Tôi đã từng nhắc nhở một học sinh nữ rằng: để móng tay dài và tô màu đen là vi phạm nội quy. Học sinh này ngang nhiên trả lời tôi trước lớp: "Để dài có gì sai? Tô màu đen có gì sai? Mấy thầy cô không ai nói. Chỉ mình thầy ý kiến! Cô giáo tô móng tay đủ màu đó thì sao?".

Tôi giận lắm nhưng nhận thấy nữ sinh đang tuổi mới lớn nên nói: "Lớp học tiếp tục nhé! Thôi việc này thầy trò mình bàn sau". Lớp lấy lại không khí nhẹ nhàng.

Hôm sau, tôi gặp đồng nghiệp để tư vấn. Quả thật nhiều thầy cô không nhắc nhở gì nên em có lý khi trả lời tôi như thế. Có đồng nghiệp nữ khăng khăng đòi thông báo cho gia đình em biết và yêu cầu viết kiểm điểm. Tôi không tán thành.

Thầy chủ nhiệm lớp hứa sẽ gặp em để có ý kiến. Sau đó, em có đến gặp tôi nhận sai và hứa sửa đổi. Đúng là do chỉ có mình tôi góp ý nên em phản kháng…

Rõ ràng trong việc giải quyết vi phạm của học sinh rất cần đến sự phối hợp của tập thể giáo viên… Nếu áp đặt các hình thức kỷ luật lên học sinh đối với mọi sai sót là thất bại của người thầy. Muốn học sinh ứng xử văn minh với thầy cô, thầy cô phải nêu gương trước.

Giáo viên thân thiện nhưng vẫn nghiêm túc

Trước cái sai, người thầy không thể bỏ qua mà cần nhắc nhở đúng mực chân tình kèm theo sự khoan dung. Tùy vào hành vi vi phạm, mức độ và ảnh hưởng trong tập thể học sinh mà người thầy định ra hình thức phương pháp tiếp cận để giáo dục học sinh.

Một số thầy cô giao hết cho giáo viên chủ nhiệm, không quan tâm, tìm hiểu cá tính, hoàn cảnh sống, năng lực học tập của học sinh. Thầy cô dạy bộ môn mà không làm chủ nhiệm chỉ tập trung giảng dạy.

Trước những vi phạm của học sinh, điều thường thấy là thầy cô liên hệ ngay với gia đình và đa phần là những kết luận nặng nề đôi khi có sự áp đặt lẫn đe dọa về xếp loại hạnh kiểm. Viện lý do không có thời gian và phải tập trung cho chuyên môn, không ít thầy cô chỉ nghĩ đến việc kỷ luật mà không tiếp xúc học sinh và bạn bè của em. Chính vì thế mới nảy sinh việc thầy cô nói một đàng và học sinh nói một nẻo gây tranh cãi giữa nhà trường và phụ huynh.

Một đồng nghiệp của tôi có cách giải quyết vi phạm khá đặc biệt nhưng rất hiệu quả. Khi học sinh vi phạm nội quy, lơ là học tập, có hành vi không chuẩn mực với thầy cô, đồng nghiệp sẽ mời học sinh vi phạm tự xác định lỗi của mình, viết vào trang cá nhân trong sổ của giáo viên (mỗi em có một trang riêng) ký tên vào ghi ngày tháng cùng lời hứa, hành động khắc phục cụ thể.

Nếu học sinh vi phạm đến lần thứ ba, đồng nghiệp sẽ liên hệ gặp phụ huynh để thông báo và bàn biện pháp giáo dục cụ thể. Học sinh vi phạm chỉ tương tác với giáo viên, hoàn toàn không thông báo trước lớp đúng với tinh thần kỷ luật tích cực, lấy việc khuyến khích động viên tạo điều kiện sửa sai là chính. Khi phụ huynh gặp giáo viên, mọi việc đều sáng tỏ nên không xảy ra tranh chấp, giành phần phải trái gì...

Đồng nghiệp chia sẻ rằng tuyệt đối không áp đặt cái sai mà để học sinh tự nhận thức sau khi tiếp xúc, giải thích ân cần với các em. 

Người thầy tuyệt đối không dùng hành vi, lời nói đe dọa khi học sinh vi phạm nội quy như sẽ xếp hạnh kiểm yếu, đưa ra hội đồng kỷ luật để buộc dừng học hay mời ra khỏi lớp… Những quyết định sai lầm này của người thầy sẽ đẩy các em đến phản ứng tiêu cực nhiều hơn. Các em có thể thách thức, kháng cự quyết liệt vì thấy bị tổn thương trước bạn bè.

Tốt nhất là không đối đầu với học sinh để mong giải quyết sự việc cho hả giận. Thay vào đó, giáo viên tạm gác lại, tiếp tục lên lớp để có thời gian phù hợp giải quyết cho hợp lý… Bên cạnh đó, học sinh có việc làm tốt, tích cực trong học tập, rèn luyện hạnh kiểm và sửa chữa sai lầm, tiến bộ cũng được thầy cô ghi chú và thông báo cho gia đình biết. Với cách làm này, phụ huynh rất hoan nghênh.

Tự kiếm chế là bài học đầu tiên của người thầy - Ảnh 2.

Thầy cô ứng xử văn minh thì mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thân thiện, chia sẻ, khoan dung trước các vi phạm của học sinh mới được học sinh tin yêu. Đây đó vẫn còn thầy cô vào lớp mặt lạnh như tiền, không bao giờ có nụ cười có sự chia sẻ vui buồn. Vẫn có thầy cô lên mạng xã hội với lời nói thiếu lịch sự với đồng nghiệp, vào lớp còn cố chấp, thành kiến với lỗi lầm của học sinh… thì làm sao là tấm gương sáng cho các em.

Thầy cô ứng xử văn minh thì mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui và cũng là ngày vui của giáo viên.

Báo Thanh Niên mở diễn đàn "Ứng xử văn minh trong học đường"

Trước hành vi ứng xử gây xôn xao dư luận của học sinh và cô giáo tại lớp 7C Trường THCS Văn Phú (xã Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Thanh Niên Online mở diễn đàn: "Ứng xử văn minh trong học đường". Diễn đàn mong muốn nhận được những chia sẻ, trải nghiệm, khuyến nghị, ý kiến từ độc giả để có cái nhìn đầy đủ, toàn diện; giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh có cách ứng xử văn minh, phù hợp trong môi trường học đường hiện nay.

Bạn đọc có thể gửi bài viết, ý kiến về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Những bài viết chọn đăng sẽ nhận được nhuận bút theo quy định. Cảm ơn bạn đọc tham gia diễn đàn "Ứng xử văn minh trong học đường".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.