Ứng xử văn minh trong học đường: Hiệu trưởng phải bao dung

13/12/2023 14:52 GMT+7

Hiệu trưởng biết lắng nghe, sẻ chia và bao dung với giáo viên, học sinh là yếu tố tiên quyết tạo nên lối ứng xử văn minh ở môi trường học đường.

Vừa qua, sự việc học sinh Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) có hành vi ép giáo viên vào tường, văng tục khiến dư luận xã hội hết sức bất bình, phẫn nộ. Tôi nghĩ rằng, hiệu trưởng trường này có thể đã buông lỏng quản lý, thiếu sự sẻ chia với đồng nghiệp và học sinh.

Tôi xin kể lại câu chuyện làm nghề dạy học của mình để chứng minh rằng, nếu hiệu trưởng gần gũi, biết lắng nghe, sẻ chia, bao dung với giáo viên, nhân viên và học sinh thì sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực học đường, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.

Hiệu trưởng quát tháo, giáo viên bị học sinh xem thường

Trước đây, tôi từng dạy học tại một trường tư thục ở TP.HCM. Mỗi buổi sáng hàng tuần, nếu học sinh đi không thẳng hàng hoặc nói chuyện lúc xếp hàng vào lớp thì hiệu phó lập tức phát loa phê bình giáo viên chủ nhiệm.

Hiệu trưởng, hiệu phó chỉ cần phát hiện lớp nào ồn là ngay lập tức bước vào lớp quát tháo học sinh và cả giáo viên: "Thầy cô dạy kiểu gì mà lớp như cái chợ" hay "tôi trả lương cho thầy cô làm việc như thế này à"…

Ứng xử văn minh trong học đường: Yếu tố tiên quyết là hiệu trưởng phải bao dung - Ảnh 1.

Hiệu trưởng cần có sự sẻ chia với giáo viên và học sinh

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH


Cách hành xử của ban giám hiệu khiến nhiều học sinh xem thường thầy cô. Học sinh cãi lại giáo viên như cơm bữa, thậm chí nhiều em còn chửi bới và đánh cả giáo viên... 

Hiệu trưởng không bao giờ to tiếng với giáo viên

Sau đó, tôi chuyển sang một trường công lập và may mắn được gặp hiệu trưởng có tâm với giáo dục, ứng xử có tình có lý với giáo viên, nhân viên dưới quyền và rất thương yêu học sinh. Hiệu trưởng trường tôi chưa bao giờ to tiếng với giáo viên, học sinh nhưng ai cũng nể phục, không dám làm sai.

Năm đầu tiên, tôi được giao làm chủ nhiệm một lớp 12 có nhiều học sinh học yếu và thường xuyên vi phạm nội quy, kỷ luật. Trong một lần xử lý học sinh, vì nóng giận, thiếu bình tĩnh tôi đã đánh một nam sinh nhiều roi.

Biết chuyện, hiệu trưởng gọi riêng tôi vào phòng, nhẹ nhàng phân tích lỗi mà tôi mắc phải và sau đó yêu cầu tôi viết cam kết không tái phạm. Điều khiến tôi cảm phục là hiệu trưởng không hề phê bình tôi trước cuộc họp hội đồng sư phạm. Đây cũng là một cách giúp tôi giữ thể diện người thầy.

Khi làm tổ trưởng quản lý 15 giáo viên, ban đầu tôi cảm thấy khó chịu vì có một giáo viên chưa vững chuyên môn, nghiệp vụ dù đã có thâm niên dạy học. Đồng nghiệp cảm nhận được điều này và chia sẻ với hiệu trưởng.

Hiệu trưởng gặp tôi và nói rằng, đồng nghiệp chưa vững chuyên môn, nghiệp vụ thì tôi phải cầm tay chỉ việc bằng kinh nghiệm, sự nhiệt tình và cả tấm lòng thì mới thể hiện được vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh của tổ trưởng.

Tôi nghe lời hiệu trưởng và kiên trì góp ý giáo án, bài giảng giúp đồng nghiệp. Chỉ sau một năm, đồng nghiệp tiến bộ hẳn và rất tự tin trong việc giảng dạy. Nếu không có sự chỉ bảo tận tình của hiệu trưởng, việc ứng xử của tôi dành cho đồng nghiệp chắc chắn sẽ xấu hơn.

Trong một lần tranh luận với hiệu trưởng về chế độ chính sách giáo viên, lãnh đạo nói tôi hiểu sai vấn đề. Nhưng tôi không phục, thậm chí còn hủy kết bạn Zalo với hiệu trưởng.

Ứng xử văn minh trong học đường: Yếu tố tiên quyết là hiệu trưởng phải bao dung - Ảnh 2.

Sẻ chia, bao dung là những yếu tố tạo thành lối ứng xử văn minh ở môi trường học đường

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

Hiệu trưởng vẫn bình tĩnh gửi lời kết bạn lại. Gặp tôi trong bữa ăn, hiệu trưởng nói nửa đùa nửa thật rằng tính tôi còn "sửu nhi" nên không để bụng. Cũng nhờ câu nói này cùng với sự ứng xử đầy bao dung của hiệu trưởng đã giúp tôi trưởng thành hơn nhiều.

Từ câu chuyện của chính mình, tôi nghĩ rằng, hiệu trưởng biết lắng nghe, sẻ chia, bao dung với giáo viên và học sinh là những yếu tố tiên quyết tạo thành lối ứng xử văn minh ở môi trường học đường.

Cần sự kiên nhẫn ở người thầy

Bạo lực học đường có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng trước tiên là ở người thầy. Phương cách xử phạt thiếu tính sư phạm của người thầy (phạt bằng tiền, sự chửi mắng, bị đuổi ra khỏi lớp...) có thể khiến học sinh tức giận, xấu hổ. Thậm chí, học sinh có thể đánh trả lại hoặc chửi lại, không dám đến lớp đành gửi tâm sự lên mạng hoặc kiến nghị đổi giáo viên hoặc nhờ sự can thiệp của phụ huynh học sinh…

Một số thầy cô mang tâm trạng buồn bực ở gia đình vào lớp, trút nỗi giận dữ lên đầu vài học sinh cá biệt, khiến cả lớp bị vạ lây. Hay thầy cô xử lý không công bằng, thiên vị một vài học sinh có đi học thêm, có cha mẹ thường quan tâm đến thầy cô trong những ngày lễ, tết…

Một thực trạng khác là tư tưởng "trăm sự nhờ thầy" từ phía phụ huynh khiến giáo viên gặp nhiều khó khăn trong giảng dạy.

Chẳng hạn, giáo viên bộ môn dành hết tâm huyết, sự sáng tạo cho mỗi tiết dạy nhưng học sinh vẫn cứ học lệch, ngang nhiên lấy bài môn khác ra học (hoặc trốn tiết để học bài môn khác). Cảm thấy bị xúc phạm, một số thầy cô mời phụ huynh vào trường để thảo luận, tìm cách giáo dục con em. Khi đó, giáo viên nhận được những câu nói như những gáo nước lạnh tạt vào mặt họ: "Tôi cho phép nó học lệch. Không học lệch thì làm sao đậu đại học được".

Chưa kể, khi học sinh vi phạm đạo đức, đánh nhau, một số bậc phụ huynh lại đổ lỗi cho giáo viên chủ nhiệm không sâu sát, rồi xin chuyển lớp, chuyển trường. Học sinh không học bài, không soạn bài, đùa giỡn, vô lễ trong giờ học, bị xử phạt, phụ huynh vào trường chửi rủa, thậm chí đánh thầy cô. Học sinh không đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến thì phụ huynh bày cách cho học sinh làm đơn kiện lên ban giám hiệu.

Trước đây, công tác ở một trường tư thục, tôi từng dạy một lớp với nhiều học sinh vi phạm có hệ thống, không tôn trọng giáo viên, không sợ kỷ luật, không sợ bị đuổi học, không sợ hạ bậc hạnh kiểm, thường xuyên gây ồn, nói tục, không chép bài… và tất nhiên các em cũng không sợ việc làm bản tự kiểm hay mời phụ huynh.

Một giáo viên bộ môn chọn kiểu dĩ hòa vi quý, làm lơ, em nào chịu học thì học, bỏ qua cái sai, cái dốt để cho an toàn. Một số khác chỉ biết khóc, rồi sau một thời gian ngắn thì nghỉ dạy; có giáo viên còn tâm huyết với nghề thì nhắc nhở, xử phạt, kỷ luật, mời phụ huynh. 

Nhiều hôm, tôi tức đến nghẹn họng, nhưng phải tự kiềm chế để không phát ra những câu nói phản sư phạm, xúc phạm đến học sinh. Nhiều ngày sau tiết dạy, đi đâu tôi cũng luôn băn khoăn vì những vi phạm của học sinh, luôn trăn trở về cách xử lý sao cho hợp tình, hợp lý, tác động tích cực đến lớp.

Đào Đình Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.