Những năm ấy, tôi đã đi khá nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước, trải nghiệm đời sống văn hóa của những người dân ở vùng quê khác nhau, gặp gỡ, viết báo về nhiều điển hình phụ nữ và cán bộ hội xuất sắc.
Bây giờ hồi tưởng lại, tôi thấy mình thật có lỗi vì những địa danh ấy, những người phụ nữ ấy tôi chỉ còn nhớ mang máng. Nhưng có một nơi với những con người, đặc biệt là hai chị em cán bộ Hội phụ nữ huyện tôi sẽ kể ra đây - thì tôi rất khó nguôi quên.
Bạn đã đặt chân đến Vĩnh Linh (Quảng Trị)? Bạn đã đi thăm Địa đạo Vịnh Mốc - huyền thoại lũy thép anh hùng của quân và dân Vĩnh Linh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước?
Còn tôi, tôi đã đến đây năm 1969. Khi ấy, Báo Phụ Nữ Việt Nam đã cử tôi vào Vĩnh Linh. Lúc ấy, tôi phải đi mất vài ngày dưới bầu trời mà bom Mỹ có thể trút xuống bất cứ lúc nào, mới vượt qua chặng đường gần 650 km để đến được mảnh đất nơi địa đầu giới tuyến mang trên mình nỗi đau chia cắt hai miền Nam - Bắc.
Bắt gặp những rặng tre xanh còn sót lại sau vô vàn trận oanh tạc của máy bay Mỹ, lòng tôi chợt se thắt khi nghĩ đến bao hy sinh đồng bào Vĩnh Linh đã gánh chịu.
Tâm trạng của tôi khi ấy hẳn rất hoang mang, lo sợ và cô đơn khi chỉ thấy sự vắng lặng và khung cảnh xóm làng, ruộng vườn bị bom Mỹ cày nát bên những hố bom ngập nước. Tôi trình tờ giấy giới thiệu cho người phụ nữ đầu tiên tôi gặp ở Huyện hội Vĩnh Linh. Đó là một người phụ nữ còn trẻ, gầy nhỏ, có nước da đặc trưng của bà con miền Trung đầy nắng và gió - nước da ngăm ngăm. Chị lướt qua giấy tờ, đoạn nhìn tôi với ánh mắt vừa vui vừa hiền dịu (đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ ánh mắt ấy). Chị bảo vô cùng phấn khởi vì có nhà báo vào tận đây viết bài biểu dương phong trào phụ nữ. Rồi chị tự giới thiệu chị là Hoàng Thị Thơn - Hội trưởng Hội phụ nữ; Hội phó là chị Cẩm, cơ quan hội chỉ có 5 cán bộ. Chị nói thêm, thời chiến các chị ít về nhà vì người già và trẻ em đều sơ tán tận Nghệ An. Tôi sẽ ăn ở cùng các chị ở cơ quan. Hầm trú rất kiên cố. Chị dặn dò tôi cứ nghỉ ngơi rồi chị sẽ giới thiệu kỹ về Vĩnh Linh và phong trào phụ nữ, sau đó tôi muốn đi đâu, gặp ai, chị hoặc chị Cẩm sẽ đưa đi (tôi cũng không thể quên dáng người đẫy đà và gương mặt đôn hậu của chị Cẩm).
Cả hai chị gọi tôi là em xưng chị như ngoài Bắc khiến tôi trút hết được mọi âu lo, có cảm giác như đây là nhà mình, cơ quan mình. Các chị thật chu đáo và tâm lý khi dẫn tôi sang Phân xã TTXVN tại Vĩnh Linh để nhờ anh Phạm Tài Nguyên - Phân xã trưởng - giúp đỡ tôi thêm khi đi các xã.
Nửa tháng trụ ở Vĩnh Linh, nơi đầu tiên chị Thơn dẫn tôi đi là làng hầm địa đạo Vịnh Mốc. Tôi đã tận mắt chứng kiến ngôi làng dài chừng 2km nằm sâu dưới lòng đất đỏ bazan. Tôi không còn nhớ số liệu cụ thể về khối đất đá khổng lồ mà bà con và chiến sĩ đồn biên phòng Vĩnh Linh đã đào và chuyển đi là bao nhiêu để đổi lấy làng hầm quá vĩ đại này. Tôi chỉ nhớ khoảng 2 năm mới xong.
Viết đến đây, tôi chợt nghĩ, làng hầm địa đạo thời ấy có khác nào một kiểu chung cư đặc biệt thời nay vì quá đầy đủ “tiện nghi” phục vụ sản xuất, chiến đấu và cuộc sống thường ngày: Hệ thống làng hầm có 3 tầng với cấu trúc hình vòm gồm nhiều nhánh thông nhau. Cửa ra vào. Cửa thông lên đồi. Cửa nhìn ra hướng biển. Giếng thông hơi. Giếng nước. Bếp Hoàng Cầm. Trạm gác. Trạm xá. Nhà vệ sinh. Phòng phẫu thuật... Tất cả hiện ra trước mắt tôi như trong truyện cổ tích.
Tôi đã ngủ lại đây một đêm. Các chị, các cô gái đã rủ rỉ tâm sự với “Nhà báo từ Bắc vô” về nỗi nhớ, nỗi lo cho các con, cho ông bà, cha mẹ ở nơi sơ tán. Rồi họ kể cho tôi nghe chuyện Vịnh Mốc đã bị không quân và pháo binh Mỹ hủy diệt như thế nào. Những gia đình nào có người thân hy sinh. Bà con đã bám đất bám làng để bảo vệ ruộng vườn ra sao. Phụ nữ, thanh niên, du kích đã chuyển lương thực, vũ khí tiếp tế cho bộ đội ở đảo Cồn Cỏ bằng cách nào. Đặc biệt, các chị khoe năm 1959 Bác Hồ đã tặng cho cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Kim một chiếc máy cày. Đó là một báu vật không chỉ của Vĩnh Kim mà là của toàn thể quân dân Vĩnh Linh.
Cứ thế, tôi đã thức suốt đêm cùng các cô gái Vịnh Mốc trong cái ẩm lạnh và ánh đèn dầu le lói của thế giới dưới lòng đất.
Bây giờ ngồi viết những dòng này, nhớ đến người xưa cảnh cũ, một lần nữa tôi thật sự thấy mình có lỗi vì tại sao đến tận hôm nay mới ao ước được quay trở lại, dù chỉ một lần, để được nắm chặt tay chị Thơn, chị Cẩm (tôi cầu mong các chị còn sống mạnh khỏe); để được nói với các chị rằng, dù chỉ sống bên nhau rất ngắn ngủi nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ quên các chị và bà con Vĩnh Linh - những người phụ nữ, người dân anh hùng của mảnh đất miền Trung kiên cường dù luôn hứng chịu khí hậu và thiên tai khắc nghiệt nhưng tình người lại vô cùng ấm áp, yêu thương.
|
Bình luận (0)