Uống rượu bia có ý thức

10/02/2018 10:07 GMT+7

Việt Nam không thuộc danh sách 10 nước uống bia đứng đầu thế giới nhưng cách mà người trẻ uống và sử dụng rượu bia lại đáng lo ngại. Vấn đề này càng nghiêm trọng trong những dịp lễ, tết.

Lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam ngày càng tăng, tuy nhiên số liệu mà Statista (một công ty phân tích hàng đầu trên mạng, có trụ sở tại Đức) công bố vào tháng 1.2018 cho thấy Việt Nam không thuộc danh sách những nước uống bia đứng đầu thế giới.

Thế nhưng cách mà người trẻ Việt Nam uống và sử dụng rượu bia có vấn đề.

Uống bia trên tầng thượng tòa nhà lưu niệm bia Guiness ở Ireland Ảnh: Đăng Nguyên

Đứng đầu bảng nhưng quy định khắt khe

Theo số liệu mới nhất, những nước uống bia nhiều nhất thế giới lần lượt là: CH Séc (137,38 lít/người/năm), Ba Lan (98,06), Đức (95,95), Áo (95,46), Lithuania (92,00), Croatia (81,19), Ireland (79,22). Đứng sau đó trong top 15 là các nước như Latvia, Slovenia, Romania, Bulgaria, Mỹ, Úc, Estonia, Bỉ. 

Thống kê những nước uống bia nhiều nhất thế giới Nguồn: statista

Tuy nhiên, với đa số các nước xếp vào loại uống bia nhiều đã kể ở trên, uống bia gần như là văn hóa kéo dài qua nhiều thế kỷ. Văn hóa này đến từ các bar tồn tại lâu đời, khác hẳn Việt Nam chủ yếu uống bia lề đường và quán nhậu. Các quán bar có những luật lệ riêng mà tất cả người đến đây phải tôn trọng. Điều này tạo nên phong cách uống bia riêng ở các nước châu Âu, rất khác so với Việt Nam.

Chúng tôi đã có dịp chứng thực điều này khi ở Ireland, đất nước uống bia đứng thứ 7 trên thế giới. Đa phần người uống bia ở Ireland là giới trẻ. Đây là nước có dân số trẻ nhất châu Âu, có 40% dân số là người dưới 30 tuổi. Bước vào bar, bạn có thể thấy những nhóm bạn trẻ cầm ly bia, lắc lư theo điệu nhạc. Nhưng cũng ở góc phòng là một vị giáo sư đạo mạo ngồi với cuốn sách trên tay và ly bia trên bàn. Thỉnh thoảng một cô gái xinh đẹp đẩy cửa bước vào, đến quầy, gọi một ly bia và từ từ nhấm nháp. Uống hết ly bia, cô gái tính tiền, lại bước ra ngoài, hòa vào dòng người đi trên đường.

Những ngày cuối tuần càng đặc biệt đông đúc. Các bar dọc đường, dưới hầm các tòa nhà ken đặc người trẻ. Phía trước quán nào cũng có một hàng dài các bạn trẻ xếp hàng để chờ đến lượt mình vào quán gọi một ly bia. Tại một khu nổi tiếng của thủ đô Dublin là Temple Bar thì càng đông. Dù xếp hàng vào được quán, cũng khó mà tìm được một chỗ đứng rộng rãi. Mỗi người chỉ có thể đứng một chỗ cùng với ly bia của mình.

Tất cả các bar đều yêu cầu người vào quán phải ăn mặc lịch sự. Khi chúng tôi ở một khách sạn tại Ireland, phía trước có bar The Bleeding Horse khá nổi tiếng. Vì quá gần, tối đó chúng tôi cứ mặc quần lửng tà tà đến quán. Nhưng khi đến cửa, bảo vệ nhất quyết không cho vào. Các bar cũng cấm hút thuốc. Muốn hút thuốc, khách buộc phải ra ngoài. Điều này được tuân thủ một cách nghiêm ngặt và chủ quán sẽ bị phạt nếu khách hút trong quán. Các bar cũng tuyệt đối không bán bia cho trẻ dưới 16 tuổi. Trẻ em vào quán phải có người lớn đi kèm và phải luôn để mắt tới chúng.

Giới trẻ xếp hàng dài chờ vào quán bar ở Dublin (Ierland) Ảnh: Đăng Nguyên

Theo anh Đinh Ngọc Tường, kỹ sư Viện máy và kỹ thuật công nghiệp, một người từng đến thăm Ireland và có hiểu biết nhiều về nước này, điều đặc biệt là các  bar có thể mở tới sáng, nhưng hôm sau chỉ mở lại sau 11 giờ. Trong giờ làm việc tuyệt đối cấm người lao động uống bia. Khách uống bia nói chuyện với nhau vừa đủ nghe, không ồn ào như chợ vỡ giống ở Việt Nam. Cũng không thấy ép nhau uống hoặc cả nhóm đứng lên, mỗi người cầm trong tay cốc bia, miệng hô zô zô… làm náo loạn cả quán.

Ở Ireland cũng tuyệt đối không thấy ai uống bia xong, ra khỏi quán lên xe cầm vô lăng. Chỉ có thể về nhà bằng xe buýt, taxi hoặc người không uống (thường là vợ) lái.

Thay vì uống rượu thì uống... trà

Khi đến Đài Loan, chúng tôi đã từng rất bất ngờ khi được mời dự một buổi tiệc tất niên tại Trường ĐH Khoa học và công nghệ Bình Đông (TP.Bình Đông). Trên các bàn tiệc cũng để các ly nhỏ, có hai chai màu trắng đục và màu như rượu chuối hột ở Việt Nam. Nhưng hóa ra đó là… sữa đậu nành và trà. Thay vì cụng rượu, mọi người cụng bằng ly trà.

Cô Âu Quý Hi, Bí thư giáo dục Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, cho biết trước đây người dân ở Đài Loan uống rượu bia rất nhiều. Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do người uống rượu bia lái xe gây ra. Trước tình hình đó, chính quyền đã cấm lái xe khi uống rượu bia và phạt thật nặng nếu vi phạm. Cùng với việc xử phạt, ngành giáo dục cũng dạy cho học sinh từ tiểu học biết tác hại của rượu bia, tuyệt đối không uống rượu bia khi lái xe. Dần dần, việc uống rượu bia tại Đài Loan giảm hẳn và tai nạn giao thông cũng không còn nhiều như trước.

Ngày 4.2 mới đây, một người Việt Nam đi xe đạp điện tại Đài Loan, đâm vào cảnh sát, đo nồng độ cồn là 0,46. Ngay lập tức, người này bị đưa lên tòa án. May mắn là nhờ một người quen làm ở Bưu điện Đài Việt làm thủ tục, xin bảo lãnh, người này chỉ đóng phạt và được cho về nhà. Thông thường, với những người sang đây làm việc, nếu nồng độ cồn trong người lúc lái xe ô tô, xe máy, xe đạp điện từ 0,36 trở lên bị phạt 60.000 đài tệ và bị về nước. Nồng độ cồn từ 0,48 trở lên bị phạt tù 2 tháng và phạt 90.000 đài tệ, bắt buộc phải về nước.

Một người Việt tại Đài Loan bị bắt về đồn vì đi xe đạp điện nhưng uống rượu say Ảnh: Mike Yi

Và uống rượu bia ở Việt Nam

Theo báo cáo của Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, năm 2017 lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỉ lít, tăng 6% so với năm 2016. Con số này đã sát mục tiêu đạt 4,1 tỉ lít bia vào năm 2020 trong quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam do Bộ Công thương phê duyệt. Với dân số 93,7 triệu người hiện nay, ước tính mỗi người dân Việt Nam uống gần 43 lít bia/năm. Việt Nam là nước tiêu thụ bia đứng thứ 3 tại châu Á, sau Nhật Bản và Trung Quốc.

Càng không vui khi mức tiêu thụ bia rượu tăng nhanh nhưng năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam so với Singapore là 14,3 lần năm 2016, với Malaysia 5,7 lần, với Thái Lan là 2,7 lần. Giới phân tích cho rằng, thị trường bia Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ dân số trẻ và thu nhập tăng. Với dân số có tuổi trung bình là 30 và kinh tế tăng trưởng mạnh, dự báo, sản lượng ngành bia Việt Nam trong 5 năm tới sẽ tăng trưởng 4%-5%/năm.

Năm 2016,  một tập đoàn bia đã tiến hành một nghiên cứu chuyên sâu tại 10 quốc gia trong đó có Việt Nam với mục tiêu tìm hiểu hành vi lái xe sau khi uống rượu bia của người tiêu dùng tại các quốc gia này. Kết quả cho thấy, bình quân 28% người cho rằng việc lái xe sau khi uống rượu bia là hành vi được chấp nhận. Trong khi đó ở Việt Nam, con số này là 37%.

Tại Việt Nam, có đến hơn 86% người được khảo sát thừa nhận đã từng lái xe sau khi uống rượu bia và hơn 1 trong 3 người vẫn lái xe khi đã uống rượu bia.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, từng có nghiên cứu về “Thực trạng hành vi nghiện rượu bia của sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi tại Việt Nam”. Có 49,6% sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi uống rượu bia “một lần nhưng không đều đặn mỗi tuần”, 25,5% “trên ba lần/tuần”, 13% uống “ba lần/tuần” và 11,9% “hai lần/tuần”.

Nhiều người được phỏng vấn thừa nhận mỗi lần đi uống rượu bia là họ phải uống đến say rồi mới về. Số người không tự kiểm soát và nhận thức một cách rõ ràng về hành động của mình sau khi uống bia là rất lớn. Chẳng hạn theo một nghiên cứu của tác giả Hồ Văn Nghĩa, Trường ĐH Mở TP.HCM, có đến 60-90% số người được hỏi cho rằng chưa bao giờ sử dụng cách tránh lái xe sau khi uống rượu bia như gọi taxi, xe ôm hay gọi người thân chở về. Chỉ có 1- 3% số người được điều tra thường xuyên sử dụng cách này.

Trả lời trong một cuộc trò chuyện trên Đài Truyền hình Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, cho biết trong lịch sử ngàn năm nay chưa bao giờ có tình trạng ăn uống tràn lan như hiện nay. Nhiều người cho rằng rượu bia nhẹ độ cồn nhưng lại uống hàng chục chai, hàng két rượu thì chất cồn trong dạ dày không hề ít. Chưa kể đến việc không có tính văn hóa đẹp trong cách sử dụng bia rượu.

Quy định uống bia rượu ở các nước

Ở Đức, nước đứng thứ 3 về tiêu thụ bia rượu trên thế giới, hành vi ép nhau uống là đáng khinh bỉ. Nhiều thành phố ra quy định cấm uống bia rượu trên phương tiện công cộng. Khi lái xe, nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05 mg, người cầm lái sẽ bị phạt 500 euro, tạm giữ 4 phút và cấm lái xe trong 1-3 tháng tiếp theo. Trường hợp nghiêm trọng nhất, người lái xe sẽ bị cấm lái suốt đời.

Ở Mỹ, không ai được phép uống bia rượu ở công viên, các cánh rừng, nơi công cộng. Cầm một lon bia đã được mở nút đi ngoài phố cũng sẽ bị phạt tới 500 USD và có thể ngồi tù 3 tháng. Nhà hàng gần trường học cũng không xin được giấy phép bán bia. Từ năm 1988, 50 bang và đặc khu hành chính Washington D.C đều đặt ra mức giới hạn tuổi là chỉ có những người từ 21 tuổi trở lên mới được mua và uống rượu bia. Ở Mỹ, lái xe sau khi uống rượu bị coi là một hành vi phạm tội nguy hiểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.