USAID đánh giá cao hệ thống y tế công cộng Việt Nam

18/11/2022 15:11 GMT+7

Bác sĩ Atul Gawande, Giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), gọi Việt Nam là hình mẫu của nỗ lực ứng phó dịch Covid-19 , kêu gọi thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế công cộng.

Bác sĩ Atul Gawande thăm trung tâm sàng lọc lao phổi ở Q.8, TP.HCM

usaid

Trong chuyến thăm TP.Hồ Chí Minh, bác sĩ Gawande đã có buổi nói chuyện tại Trung tâm Hoa Kỳ về tình hình y tế toàn cầu, các dịch bệnh mới nổi, hợp tác y tế giữa Mỹ và Việt Nam.

Tầm quan trọng của y tế công cộng

Mở đầu buổi nói chuyện, bác sĩ Gawande cho hay hiện tuổi thọ trung bình trên toàn cầu đã được nâng lên ngưỡng 80 tuổi, mức cao nhất từ đạt được trong lịch sử nhân loại.

Điều này do trong thế kỷ qua, con người đã nắm trong tay khoảng 6.000 loại thuốc, 4.000 quy trình y tế và phẫu thuật, hơn 2.000 cách thức can thiệp sức khỏe cộng đồng (như sàng lọc, tiêm chủng, thay đổi hành vi-lối sống…). “Nếu có thể tăng cường năng lực tiếp cận những phương thức trên, tuổi thọ trung bình của con người sẽ gia tăng”, ông cho biết.

Tuy nhiên, giám đốc USAID thừa nhận đến nay điều đó vẫn chưa đạt được. “Thậm chí ở Mỹ, vẫn đang tồn tại sự chênh lệch khoảng 15 năm giữa nhóm 1% dân số giàu nhất và nhóm 1% nghèo nhất”, ông chỉ ra. “Đây là thách thức của cả thế hệ, và chúng ta sẽ mất cả đời người để học được cách trao năng lực trên cho tất cả mọi người”, theo bác sĩ Gawande.

Trên cương vị giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu tại USAID, bác sĩ Gawande lãnh đạo đội ngũ gồm 2.500 nhân viên trong lĩnh vực y tế. Trong số này, 1/3 số nhân viên đóng tại Washington D.C và 2/3 còn lại được triển khai đến những nơi như Việt Nam để thực thi nỗ lực mang đến sự tiếp cận công bằng cho tất cả. Đây là điều có thể thực hiện nếu tăng cường năng lực cho đội ngũ y tế công cộng, ông cho biết.

Bác sĩ Atul Gawande thăm trại nuôi nhím ở Đồng Nai

usaid

Lý do đến Việt Nam

Bác sĩ Gawande cho biết vào đầu năm nay, ông đưa ra 3 ưu tiên, và đó là lý do dẫn ông đến Việt Nam. “Ưu tiên thứ nhất là biến Covid-19 trở thành bệnh đường hô hấp đặc hữu có thể kiểm soát được. Và có mặt ở đây (Việt Nam) là cơ hội chứng kiến một số công việc phi thường mà chúng tôi đã và đang hợp tác (với các bạn)”, ông nói. Chẳng hạn, USAID Việt Nam đã tài trợ hệ thống ôxy lỏng cho tổng cộng 23 bệnh viện trên toàn quốc.

Tăng cường khả năng tiếp cận ôxy cho bệnh nhân sẽ giúp củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng, cũng như những bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp như viêm phổi và lao.

Ưu tiên số hai là ngăn chặn dịch bệnh kế tiếp, có nghĩa là kiện toàn công tác chuẩn bị cho nguy cơ bùng nổ đại dịch tiếp theo, phát hiện các đợt bùng dịch đủ sớm để hành động và ứng phó. Bác sĩ Gawande lưu ý đến 75% các đợt bùng dịch đủ sức lây lan khắp thế giới bắt nguồn từ động vật trước khi lây sang người, chẳng hạn như bệnh Covid-19, bệnh đậu mùa khỉ.

“Trong ưu tiên này, Việt Nam là nơi quan trọng mà tôi cần đến vì hai lý do. Thứ nhất là Việt Nam có cam kết mạnh mẽ đối với cái gọi là “One Health”, theo đó nếu muốn tìm ra cách giải quyết cho những vấn đề dịch bệnh, chúng ta cần truy ngược đến nguồn gốc của nó. Điều này có nghĩa là phải hiểu biết không những về sức khỏe con người mà cả sức khỏe động vật, tình trạng của môi trường góp phần vào những nguy cơ đó”, bác sĩ Mỹ giải thích.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trẻ ở mức độ dồi dào, và tập trung vào cách tiếp cận “One Health”.

Ưu tiên thứ ba đã dẫn dắt ông đến Việt Nam là, trong lúc đối phó bệnh dịch, USAID cũng như các đối tác trên thế giới cần tiếp tục theo dõi sát sao các mối đe dọa lớn cho con người, bao gồm sức khỏe trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, các căn bệnh HIV, lao phổi và sốt rét, sức khỏe sinh sản đối với nữ giới.

“Điều mà chúng ta nhận ra thông qua đại dịch là chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu để đạt được thành công trong nỗ lực giúp đỡ con người trong mọi giai đoạn của đời sống”, ông nhắc nhở.

Bác sĩ Gawande đánh giá Việt Nam sở hữu một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu nổi bật trên toàn thế giới. Việc con người có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, bằng các phương pháp và kỹ thuật thực hành có cơ sở khoa học, là lý do cho phép Việt Nam ứng phó vượt trội trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát và trở thành hình mẫu cho toàn thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.