Út ‘trọc’ bị tố cáo như thế nào?

09/04/2018 07:17 GMT+7

Đinh Ngọc Hệ (biệt danh Út “trọc” ), nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, đã bị Bộ Quốc phòng khởi tố điều tra. Trước đó, Út “trọc” cũng đã bị tố cáo có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, Báo Thanh Niên đã nhận được đơn “kêu cứu” của bà Lê Cao Quỳnh Thư (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Royal Lighting ở Q.10, TP.HCM) tố cáo ông Đinh Ngọc Hệ.
Dùng “luật rừng”
Theo đơn của bà Thư, từ 2005 - 2011, Công ty TNHH Royal Lighting lần lượt ký hợp đồng với Công ty Đ.B (Q.1, TP.HCM) thuê 2 địa điểm: khu đất mặt tiền đường ở Q.Đống Đa (TP.Hà Nội) và khu đất ở Q.Tân Bình (TP.HCM). Hai khu đất này của Bộ Quốc phòng (BQP). Để được Công ty Đ.B ký các hợp đồng này, bà Thư phải thương thảo và trực tiếp đưa tiền đặt cọc cho ông Hệ.

Năm 2006, bà Thư đưa 480 triệu đồng tiền đặt cọc cho ông Hệ để thuê khu đất ở Hà Nội và đưa 72.000 USD (năm 2011) thuê khu đất ở Q.Tân Bình. Năm 2006, bà Thư chi 7 tỉ đồng xây dựng 1.100 m2 sàn, 5 tầng, một phần làm văn phòng đại diện của Công ty Royal Lighting ở Hà Nội, phần còn lại cho Công ty L.G thuê.
Năm 2011, bà Thư đưa 72.000 USD tiền đặt cọc cho ông Hệ để thuê mặt bằng ở Q.Tân Bình với thỏa thuận bên cho thuê xây dựng nhà xưởng diện tích 2.000 m2. “Tám tháng sau khi nhận tiền đặt cọc, ông Hệ vẫn không xây nhà xưởng đúng theo hợp đồng, trong khi tôi nhập 10 container hàng về không có chỗ lưu trữ. Tôi nhiều lần đến trụ sở Công ty Đ.B gặp ông Hệ, van xin xây dựng nhà xưởng hoặc trả tiền lại nhưng ông nói xài hết tiền rồi.
Ba tháng sau, ông Hệ mới bàn giao nhà xưởng nhưng thiếu 500 m2. Tôi bỏ ra 3 tỉ đồng xây dựng thêm 500 m2 nhà xưởng còn thiếu cùng một số hạng mục. Trong quá trình hoạt động, ông Hệ cho một cơ sở thuê sản xuất nước đá gần nhà xưởng của tôi đã gây sập 500 m2 nhà xưởng của tôi, làm hư hỏng hàng hóa trị giá 300.000 USD. Tôi báo cho ông Hệ và lãnh đạo Công ty Đ.B khắc phục, bồi thường hàng hóa hư hại nhưng đều bị từ chối”, bà Thư kể.
Tháng 8.2015, Công ty Đ.B chấp thuận cho bà Thư hợp tác với Công ty sản xuất bánh B. đầu tư 7,2 tỉ đồng (chưa tính máy móc) xây dựng xưởng sản xuất bánh. Vì là khu đất do BQP quản lý nên trong lúc đang xây dựng, một đơn vị của BQP đình chỉ 4 tháng với lý do đất này không phải của Công ty Đ.B, nhưng sau đó được cho xây dựng tiếp. Tuy nhiên, khi xưởng bánh vừa đưa vào hoạt động, thì Công ty Đ.B yêu cầu bà Thư trả 5 tháng tiền thuê mặt bằng 33.000 USD (6.600 USD/tháng) nhưng bà không đồng ý vì những tháng này bị đình chỉ xây dựng. Từ đó, hai bên xảy ra tranh chấp.
Ngày 5.3.2016, ông Hệ đi trên xe biển số đỏ cùng một số lãnh đạo Công ty Đ.B, kèm theo còn có nhóm người “lạ” xông vào xưởng bánh, đuổi công nhân ra ngoài, kéo 2 container đến bít cổng ra vào xưởng bánh.
Bà Thư đưa clip cho chúng tôi xem camera của xưởng bánh ghi lại việc ông Hệ mặc đồ thường phục, đi trên ô tô biển số đỏ đến xưởng bánh... vào thời điểm xảy ra vụ việc nói trên. Từ ngày 6 - 7.3.2016, nhóm người này đến chặn cửa ra vào xưởng bánh, không cho công nhân vào làm việc khiến 25 cửa hàng bánh phải đóng cửa. Đỉnh điểm, ngày 8.3.2016, nhóm người xông vào xưởng khóa trái cửa, lấy camera, cắt phá hệ thống điện làm hệ thống cấp đông, dây chuyền sản xuất bị tê liệt, gây thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
Đem container bít lối đi
Cũng theo nội dung tố cáo của bà Thư, năm 2014, bà ký hợp đồng đầu tư hơn 20 tỉ đồng xây dựng, sửa chữa tại khu đất ở Q.10, TP.HCM (của BQP) do Công ty B.T quản lý, để hợp tác kinh doanh trung tâm thương mại. Năm 2015, một nhân viên của Công ty Đ.B đến yêu cầu bà Thư gặp ông Hệ và lãnh đạo Công ty Đ.B ký hợp đồng thuê trực tiếp. Lý do là đất này của Công ty Đ.B cho Công ty T.T thuê 45 năm nhưng không trả tiền đất, sau đó Công ty T.T giao cho Công ty C.Đ, Công ty B.T quản lý.
Bà Thư đến gặp ông Hệ xin được đóng tiền thuê mặt bằng và ông hướng dẫn bà đến gặp lãnh đạo Công ty Đ.B ký hợp đồng thuê 400 triệu đồng/tháng, rồi thanh lý hợp đồng với Công ty B.T Nhưng ngày 11.3.2016, người của Công ty Đ.B cùng nhóm người lạ mặt mang 9 container chắn ngang mặt tiền (dài 60 m) bít lối ra vào của các cửa hàng, công ty thuê đất ở đây với lý do bà Thư không trả tiền thuê mặt bằng. Các ngày 12 - 13.3.2016, nhóm người lạ mặt kéo đến cắt dây điện, dùng tôn, thanh sắt hàn bít lối ra vào, dùng búa đập phá cửa cuốn sắt, cửa kính, giật camera, xây bít tường, khóa trái cửa... Đến nay, Công ty Đ.B cùng nhóm người lạ vẫn còn phong tỏa văn phòng của công ty chiếm giữ nhiều mỹ phẩm, dược phẩm, máy tính, máy in, máy photocopy, máy scan... trị giá 10 tỉ đồng; niêm phong cửa hàng bán bánh trị giá 5 tỉ đồng.
Liên quan đến mặt bằng ở Q.10, ngày 20.4.2016, UBND Q.10 chỉ đạo UBND P.12 yêu cầu bà Thư và Công ty Đ.B giải quyết các tranh chấp liên quan đến quản lý mặt bằng, hợp đồng kinh tế tại tòa nhà. Qua đó, UBND Q.10 khẳng định Công ty Đ.B tự ý niêm phong chắn cửa, dùng khóa, hàn cửa văn phòng của công ty bà Thư là vi phạm quy định về lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội và PCCC… UBND Q.10 giao UBND P.12 có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ, tài liệu, biên bản liên quan đến vụ việc và tiến hành xử lý hành vi vi phạm, xử phạt hành chính đối với Công ty Đ.B theo thẩm quyền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu để Công ty Royal Lighting hoạt động.
Về vụ việc này, đại diện của Công ty Đ.B cho biết: “Do bà Thư nợ tiền thuê các mặt bằng nói trên nên công ty lấy mặt bằng lại”. Tuy nhiên bà Thư cho rằng: “Trong quá trình đầu tư xây dựng mặt bằng thuê của Công ty Đ.B, tôi không nợ công ty này. Tôi sẵn sàng gặp lãnh đạo công ty để đối chiếu sổ sách, hóa đơn chứng từ công nợ”.
Trước những bức xúc trên, giữa năm 2016, bà Thư gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng. Giữa năm 2017, Thanh tra BQP vào cuộc điều tra làm rõ nội dung tố cáo của bà Thư.
Đến nay, Công ty Đ.B cũng đã làm với việc bà Thư để thỏa thuận bồi thường chi phí đầu tư xây dựng, hàng hóa bị tổn thất tại khu đất (Q.10) nhưng khu đất (Q.Tân Bình) và Q.Đống Đa (Hà Nội) thì hai bên chưa đạt thỏa thuận.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, Út “bộ trưởng”, 47 tuổi, quê Ninh Bình, ngụ Q.2, cấp bậc thượng tá) được một đơn vị của Quân khu 7 tạm tuyển làm công nhân viên lái tàu thủy. Năm 2003, ông được điều động đến làm việc cho một xí nghiệp của BQP. Tháng 1.2008, được điều chuyển về làm Phó trưởng phòng Kinh doanh của Tổng công ty (TCT) Thái Sơn. “Năm 2009, ông Hệ đại diện phần vốn của TCT Thái Sơn tại Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn (gọi tắt Công ty Thái Sơn). Từ 2009 - 2010, ông Hệ được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn. Cuối năm 2016, ông Hệ được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc TCT Thái Sơn nhưng đến cuối năm 2017 thì bị cách chức. Đầu năm 2017, TCT Thái Sơn rút hết vốn khỏi Công ty Thái Sơn. Từ thời điểm rút hết vốn, Công ty Thái Sơn không còn là công ty thành viên của TCT Thái Sơn. Trong thời gian công tác tại TCT Thái Sơn, công ty chưa nhận được đơn tố cáo nào về ông Hệ. Do thượng tá Hệ thuộc BQP quản lý nên cũng không nắm rõ công việc của ông có điều hành doanh nghiệp nào khác hay không”, trung tá Hoàng Văn Nguyễn, Chủ nhiệm chính trị của TCT Thái Sơn, cho biết.
Về việc ông Hệ có được phép sử dụng ô tô gắn biển số đỏ (BS: CM 13…) đi đến xưởng bánh (nói trên), ông Nguyễn nói: “Ô tô gắn biển số đỏ này không phải của TCT Thái Sơn. Công ty Thái Sơn không phải của BQP nên không được cấp ô tô gắn biển số đỏ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.