Viện trợ nước ngoài được coi là một trong những lý do giúp Ukraine đứng vững trước Nga trong cuộc xung đột đang diễn ra. Nhưng một báo cáo mới cho thấy lượng viện trợ mới cho Ukraine đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây.
Theo báo cáo từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, các gói viện trợ mới đã giảm 87% từ tháng 8 đến tháng 10 so với cùng kỳ năm 2022. Lượng viện trợ cam kết hiện tại cũng là mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 1.2022, một tháng trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.
Dữ liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho thấy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Mỹ, Đức và các nước khác để tăng cường khả năng phòng thủ. Sự hỗ trợ này bao gồm cả hỗ trợ tài chính và các thiết bị quân sự như xe tăng và máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, ông Christoph Trebesch, người đứng đầu nhóm theo dõi viện trợ cho Ukraine tại Viện Kiel, nhận định “có thái độ do dự từ các quốc gia viện trợ trong những tháng gần đây”.
Ông Trebesch nói: “Việc trì hoãn [bổ sung viện trợ] rõ ràng sẽ củng cố vị thế của ông Putin”.
Viện trợ cho Ukraine đã trở thành một chủ đề nóng ở Mỹ. Các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ hôm 6.12 đã chặn một dự luật tài trợ bổ sung có bao gồm 61 tỉ USD viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine.
Ông Trebesch cho rằng trước sự “không chắc chắn” về gói viện trợ tiếp theo của Mỹ, Ukraine có thể hy vọng EU cuối cùng sẽ thông qua gói hỗ trợ 50 tỉ euro đã được thông báo từ lâu.
Mặc dù vậy, báo cáo của Viện Kinh tế Thế giới Kiel lưu ý rằng Ukraine vẫn có thể trông cậy vào viện trợ đến từ các cam kết nhiều năm từ các quốc gia như Đan Mạch, Na Uy và Đức.
Một thay đổi khác trong viện trợ cho Ukraine được phản ánh trong báo cáo là việc tăng cường trang bị quân sự thay vì hỗ trợ tài chính. Hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất với cam kết 47 tỉ USD.
Bình luận (0)