Ưu tiên hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án, mô hình giảm nghèo

Thu Hằng
Thu Hằng
16/08/2023 17:47 GMT+7

Các dự án, mô hình giảm nghèo thuộc huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sẽ được ưu tiên hỗ trợ kinh phí thực hiện trong năm 2023.

Theo thông báo về việc đăng ký thực hiện dự án, mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2023 của Bộ LĐ-TB-XH, cơ quan này đang có nhu cầu lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án, mô hình giảm nghèo.

Hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án, mô hình giảm nghèo - Ảnh 1.

Huyện đoàn Nam Giang (Quảng Nam) hỗ trợ heo giống giúp thanh niên vùng cao thoát nghèo bền vững

MẠNH CƯỜNG

Cụ thể, căn cứ đề xuất các dự án, mô hình là các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ, ngành hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Các dự án, mô hình giảm nghèo về bình đẳng giới được đề xuất như: hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và các mục tiêu về giảm nghèo của địa phương.

Hồ sơ đề xuất các dự án, mô hình bao gồm: văn bản đề xuất thực hiện dự án, mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo về bình đẳng giới năm 2023; dự án, mô hình dự kiến triển khai thực hiện.

Thời gian thực hiện dự án trong năm 2023 trên phạm vi cả nước, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án, mô hình giảm nghèo - Ảnh 2.

Tỉnh đoàn Quảng Ninh tặng trâu nuôi sinh sản cho thanh niên thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Đồng Lâm (TP.Hạ Long, Quảng Ninh)

T.N

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỉ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung. Đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 1,05 triệu hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,03% tổng số hộ của cả nước.

Tuy nhiên, thách thức phải kể đến là phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định. Việc ban hành văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn chậm ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 ở một số địa phương còn chậm…

Những tháng đầu năm nay, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Đến tháng 6, kinh phí thực hiện chương trình đã phân bổ là 12.692 tỉ đồng; bao gồm vốn đầu tư phát triển là 5.400 tỉ đồng, vốn sự nghiệp là 7.292 tỉ đồng.

Bộ LĐ-TB-XH cũng phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý...

Theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18.2.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đối tượng hỗ trợ gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) trên phạm vi cả nước.

Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; các tỉnh có huyện nghèo.

Các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn các tỉnh có huyện nghèo.

Các tổ chức, cá nhân liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.