Ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước cho tín dụng chính sách xã hội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
02/07/2024 16:14 GMT+7

Các ý kiến của chuyên gia, các nhà quản lý cho thấy cơ sở thực tiễn, sự cần thiết của việc đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Sáng 2.7, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hội thảo khoa học Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới.

Phát biểu đề dẫn, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hồng Sơn cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm phục vụ xây dựng Đề án tổng kết Chỉ thị 40 ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước cho tín dụng chính sách xã hội- Ảnh 1.

Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hồng Sơn phát biểu đề dẫn hội thảo

GIA HÂN

Nhiệm vụ của việc tổng kết Chỉ thị 40 là đưa ra các quan điểm, giải pháp mới trong bối cảnh mới nhằm nâng cao chất lượng và tính bền vững của tín dụng chính sách xã hội thông qua việc tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành một văn bản chỉ đạo mới.

"Văn bản mới đó cần được ban hành dưới hình thức nào? Kết luận tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40, hay kết luận mới của Ban Bí thư, hay đề xuất nâng cấp văn bản này lên mức cao hơn? Rất mong có được những phân tích và lập luận chuyên sâu của các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý", ông Sơn nêu.

Ngân hàng duy nhất thành viên hội đồng quản trị đều là bộ trưởng, thứ trưởng

Các tham luận tại hội thảo đều đánh giá, Chỉ thị 40 về tín dụng chính sách xã hội là chủ trương đúng đắn, mô hình tín dụng chính sách xã hội tại Việt Nam "rất thành công".

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, nói "tín dụng chính sách xã hội là mô hình phương thức đặc thù, đặc biệt, riêng có của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta chưa có một mô hình mẫu nào cả", ông Thắng nói.

Theo Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, khi thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều tổ chức quốc tế cũng băn khoăn. Vì theo nguyên tắc thị trường, một tổ chức tín dụng cho vay lãi suất dương, đi vay để cho vay, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội thì cho vay lãi suất âm.

Ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước cho tín dụng chính sách xã hội- Ảnh 2.

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng tham luận tại hội thảo

GIA HÂN

Tuy nhiên, đến năm 2019 vừa rồi, Ngân hàng Thế giới (World Bank) vào đánh giá Ngân hàng Chính sách xã hội và họ công nhận mô hình của chúng ta phù hợp với cấu trúc chính trị Việt Nam.

"Không có tổ chức tín dụng nào bộ phận quản trị ngân hàng từ cấp T.Ư, địa phương cho tới cơ sở đều là các lãnh đạo kiêm nhiệm", ông Thắng nói.

PGS.TS Lê Thanh Tâm, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cũng cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam mà các thành viên hội đồng quản trị đều là các bộ trưởng, thứ trưởng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Cùng đó là mạng lưới hoạt động rộng khắp, mô hình hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội; chi phí giao dịch thấp, thủ tục đơn giản và đặc biệt là lãi suất thấp.

Duy trì tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 là dịp để tìm kiếm giải pháp nhằm cân đối, bố trí nguồn lực phù hợp cho tín dụng chính sách xã hội vì nhu cầu của người dân rất lớn.

Cùng đó là phát huy hiệu quả của mô hình tín dụng chính sách xã hội, lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước cho tín dụng chính sách xã hội- Ảnh 3.

GS-TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu kết luận hội thảo

GIA HÂN

Nâng cao năng lực của Ngân hàng Chính sách xã hội là giải pháp được nhiều đại biểu nhấn mạnh. PGS-TS Lê Thanh Tâm cho rằng, dù có nhiều điểm mạnh, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng có nhiều điểm yếu. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, cần cố gắng để đứng vững trên thương trường hoặc là liên kết với các tổ chức, liên doanh, chia sẻ thị phần, tận dụng khả năng chuyển giao công nghệ...

"Cùng đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cần giảm thiểu chi phí hành chính, có chính sách quản trị rủi ro tốt để chờ thời cơ xoay chuyển tình hình", bà Tâm nêu.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua duy trì tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đảm bảo ổn định nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Kết luận hội thảo, GS-TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, ý kiến tại hội thảo đã chỉ ra nhiều bài học kinh nghiệm cũng như các giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội. Trong đó bao gồm việc cân đối, ưu tiên nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác cho tín dụng chính sách xã hội.

"Các tham luận, ý kiến phát biểu cũng đã cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn và sự cần thiết của việc đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới", ông Lợi cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.