Ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm

08/12/2022 07:00 GMT+7

Trong 3 ngày (7 - 9.12), kỳ họp cuối năm của HĐND TP.HCM tập trung thảo luận, xem xét thông qua nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế, đầu tư công, y tế, giáo dục .

Cắm ranh cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong năm 2023

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng trình bày dự án (DA) nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc đến sông Vàm Thuật), có tổng mức đầu tư hơn 9.664 tỉ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2028. Về giải phóng mặt bằng (GPMB), DA ảnh hưởng đến 1.796 hộ dân và tổ chức ở Q.Bình Thạnh và 84 trường hợp ở Q.Gò Vấp, với tổng kinh phí bồi thường hơn 6.560 tỉ đồng. Theo kế hoạch, đoạn qua Q.Gò Vấp sẽ khởi công từ tháng 8.2024, còn đoạn qua Q.Bình Thạnh khởi công vào tháng 4.2025. DA này góp phần khơi thông dòng chảy, chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và tạo không gian thông thoáng cho khu vực; đồng thời làm tăng giá trị đất đai khu vực, tạo cơ chế tài chính và giải pháp khai thác quỹ đất thu hồi vốn đầu tư, kết nối giao thông đồng bộ với các khu vực lân cận.

UBND TP.HCM cũng có tờ trình về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn DA đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo phương thức đối tác công tư, hợp đồng BOT. DA có tính kết nối liên vùng này dài khoảng 50 km, trong đó có 23,7 km đi qua TP.HCM quy mô 8 làn xe, 26,3 km đi qua Tây Ninh làm 6 làn xe. DA thu hồi đất một lần hoàn chỉnh nhưng trong giai đoạn 1 chỉ đầu tư 4 làn xe, tổng mức đầu tư 16.729 tỉ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2027. Để hoàn vốn, nhà đầu tư thu phí trong 18 năm 1 tháng.

TP.HCM đề xuất chi hơn 9.600 tỉ đồng cải tạo rạch Xuyên Tâm, chỉnh trang đô thị

Ngọc Dương

Trao đổi với Thanh Niên về các bước tiếp theo sau khi được HĐND TP.HCM thông qua khả năng cân đối vốn, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết Hội đồng thẩm định liên ngành (Bộ KH-ĐT) sẽ trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi DA trong tháng 12.2022. Ở DA này, TP.HCM đề xuất tách bồi thường, GPMB thành DA độc lập tương tự như DA Vành đai 3 TP.HCM. Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, cả TP.HCM và Tây Ninh cùng bắt tay vào triển khai lập DA bồi thường để có thể bắt đầu cắm ranh mốc từ quý 3/2023. Song song đó, tư vấn lập DA xây dựng theo hình thức BOT và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, UBND TP.HCM cũng đề xuất tạm ngừng thực hiện 17 DA với tổng số vốn 1.417 tỉ đồng, trong đó có một số DA lớn như xây dựng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Xây dựng), mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp, nút giao thông tại cổng chính Đại học Quốc gia TP.HCM… Đồng thời, UBND TP.HCM muốn được duyệt tăng 640 tỉ đồng tiền vốn cho 351 DA, và bổ sung vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đường Vành đai 4, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ và xây đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu…

Kiên quyết xử lý dự án “treo”

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM Trần Kim Yến, nhiều địa phương có số lượng DA chưa tìm được nhà đầu tư hoặc được điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích, hình thức sử dụng khác nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Công tác bồi thường GPMB kéo dài, một số DA sử dụng vốn ngân sách chưa được ghi vốn thực hiện, hoặc có những DA sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai do nhà đầu tư thiếu năng lực, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, tập trung nhiều nhất là H.Bình Chánh. “Các DA chậm triển khai và chậm tiến độ đã và đang gây ra sự lãng phí xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân, kéo lùi tốc độ phát triển”, bà Yến nói. Do đó, bà đề nghị kiểm tra, rà soát và kiên quyết xử lý các DA kéo dài hơn 10 năm mà chưa có nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư thiếu năng lực, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm. Nếu DA không thực hiện thì chính quyền các cấp cần có phương thức bỏ DA để bảo đảm quyền lợi người dân về công nhận quyền sở hữu, xây dựng và sửa chữa nhà ở.

Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Cần Giờ nêu thực tế “dở khóc dở cười” ở địa phương khi nhiều người dân gia hạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) phải tháo dỡ nhà ở vì hiện trạng không đúng như trong GCNQSDĐ. Do đó, bà Cẩm đề nghị Sở TN-MT căn cứ vào thời điểm xây dựng công trình để tháo gỡ cho người dân. Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Bảy khẳng định việc hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc xây dựng trên đất nông nghiệp là không đúng pháp luật. Thành ủy TP.HCM đã ra Chỉ thị 23 với nhiều giải pháp quyết liệt nhằm lập lại trật tự xây dựng. Ông Bảy đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo cụ thể và phối hợp Sở Xây dựng, Sở TN-MT xem xét trên tinh thần “không hợp thức hóa cái sai” mà nghiên cứu pháp luật từng thời điểm mà người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình để xử lý phù hợp.

Hệ số K năm 2023 sẽ từ 2,5 - 3,5 lần so với bảng giá đất

Cũng trong ngày họp hôm qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng thay mặt UBND TP.HCM trình tờ trình cho ý kiến về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2023 trên địa bàn TP.

Cụ thể, nhóm 1 (áp dụng cho trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không phải đất ở sang đất ở đối với diện tích đất ở vượt hạn mức), UBND TP.HCM đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất là 2,5 lần. Nhóm 2 (áp dụng đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm chia làm 5 khu vực): Đối với mục đích kinh doanh, thương mại, dịch vụ, UBND TP.HCM đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất cao nhất là 3,5 lần, thấp nhất là 2,7 lần. Đối với mục đích sản xuất kinh doanh có hệ số cao nhất là 2,7 lần, thấp nhất là 2,5 lần. Nhóm 3 (áp dụng đối với trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá, hoặc cho thuê đất nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê) thì tương tự như nhóm 2, chia thành 5 khu vực, hệ số điều chỉnh giá đất cao nhất là 3,5 lần, thấp nhất là 2,7 lần.

Theo UBND TP.HCM, hệ số K dự kiến ban hành và áp dụng năm 2023 mặc dù có tăng nhưng chỉ ở mức từ 2,5 - 3,5 lần so với bảng giá đất. Việc điều chỉnh hệ số K không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất trong hạn mức mà chỉ ảnh hưởng đối với hộ gia đình, cá nhân có phần diện tích đất vượt hạn mức theo quy định của pháp luật và trường hợp thuê hoặc giao đất không qua đấu giá (theo bảng giá đất) dưới 30 tỉ đồng.

Hà Nội sẽ xử lý hơn 400 dự án sử dụng đất chậm triển khai

Sáng 7.12, HĐND TP.Hà Nội khai mạc kỳ họp thứ 10. Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2022, TP tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, sự biến động về lãnh đạo chủ chốt đã tác động không nhỏ đến thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh; đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các sở, ngành tập trung cho 6 nhóm nhiệm vụ của năm 2023. Trong đó, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; phấn đấu thực hiện tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7% trở lên... Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, đẩy nhanh các công trình trọng điểm, nhất là hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; hoàn thành các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và khởi công DA đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô; xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; tiếp tục rà soát, xử lý hơn 400 DA sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.