Trao đổi với PV Thanh Niên cuối giờ chiều 11.4, ông Hồ Xuân Hòe, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết dự kiến đến tháng 8, một con đập cao su mới sẽ thay thế con đập cũ.
Trên thân đập xuất hiện nhiều lỗ thủng - Ảnh: Nguyễn Phúc |
.Ông Hòe cũng có một số trao đổi với PV để làm rõ nhiều thắc mắc liên quan đến việc con đập cao su trữ 10 triệu m3 đang được vá lỗ rò bằng nêm gỗ quấn màn tuyn.
PV Thanh Niên: Thưa ông, con đập hiện nay đã xuống cấp rất nghiêm trọng, được vá bằng nêm gỗ và màn tuyn, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã có giải pháp gì?
Ông Hồ Xuân Hòe: Vì công trình đã lão hóa, xuống cấp nên sau một thời khắc phục tạm thời ngành NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Trị phương án khắc phục về lâu dài.
Cụ thể, ngày 30.3 vừa rồi Sở đã có tờ trình cho UBND tỉnh về vấn đề này. Hiện, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Dự án hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Trị” trong đó có hạng mục về đập cao su đầu mối hệ thống Nam Thạch Hãn.
* Cụ thể là như thế nào, thưa ông?
- UBND tỉnh đã đồng ý bố trí 2 nguồn vốn (vốn xây dựng trung hạn năm 2016 và nguồn vốn chống hạn năm 2015, 2016 - PV) tổng cộng 10 tỉ đồng để thay mới đập cao su dài 135 m, gồm 2 khoang, chiều cao túi đập 2 m. Vật liệu cao su thân đập loại Neopren, dày 10 mm, 2 lớn bố, cường độ chịu kéo 26,2 KN/m.
* Mất bao lâu để việc thay thế được triển khai ra thực tế?
- Dự kiến khoảng đầu tháng 8 này chúng tôi sẽ thực hiện.
Công nhân vận hành đập sử dụng nêm gỗ quấn màn tuyn để vá đập - Ảnh: Nguyễn Phúc
|
* Ông có thể cho biết thêm vai trò và nhiệm vụ của con đập cao su này?
- Nhiệm vụ của đập tràn cao su đầu mối hệ thống Nam Thạch Hãn là tràn xả lũ trên sông, tận dụng tối đa nguồn nước tưới tiêu và công tác chống hạn. Khi bình thường thì tổ vận hành sẽ bơm đập cao su căng lên để trữ nước. Khi mùa lũ thì mình xả hơi xuống để thoát lũ.
* Xin cảm ơn ông!.
Bình luận (0)