HỌC VỀ GIỚI TÍNH TỪ KHU VỰC TOILET
Tại Trường mầm non Kim Đồng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, việc giáo dục giới tính cho trẻ mầm non được chú trọng, có trong chương trình, được lồng ghép với nhiều hoạt động giáo dục. Trẻ sẽ được dạy về các bộ phận trên cơ thể khác biệt giữa bạn nam và nữ. Khi trẻ tắm, thay đồ, đi vệ sinh, thì khu vực của trẻ nam và trẻ nữ phải riêng biệt. Khi trẻ đi ngủ, các bé trai và bé gái sẽ nằm dãy riêng, có giáo viên trực trong giờ ngủ của các con, để giờ ngủ trưa của trẻ luôn an toàn.
Cô Lục Ngọc Hồ, Hiệu trưởng Trường mầm non Kim Đồng, cho biết việc giáo dục giới tính cho trẻ mầm non phải nhẹ nhàng, gần gũi với trẻ. Các cô sẽ trò chuyện, tâm sự với các con để các con biết tự bảo vệ bản thân, những khu vực trên cơ thể không được để người khác chạm vào… Với các bé gái, khi các con mặc váy, cô sẽ hướng dẫn con cách đi, cách ngồi ra sao để kín đáo, những hành vi nào bạn nam không được làm.
Thầy Minh Tuấn, chủ một trường mầm non tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết từ mầm non thì trẻ đã được tham gia các hoạt động về giáo dục giới tính, lồng ghép từ môi trường lớp học như khu vực thay đồ của bé trai và bé gái sẽ riêng biệt, có màn ngăn cách. Khu vực nhà vệ sinh (toilet) trong trường học cũng được ngăn cách riêng biệt với biểu tượng phòng của bé trai riêng, bé gái riêng. Từ khu vực vệ sinh, thay đồ cho trẻ cũng thể hiện rõ sự riêng tư, giáo dục cho trẻ về việc cần thiết của bảo vệ sự riêng tư của cá nhân mình và các bạn khác.
"Quy tắc 5 ngón tay rất đơn giản, dễ thuộc hiện nay cũng được chia sẻ rộng rãi cho trẻ em từ độ tuổi mẫu giáo để giáo dục giới tính cho trẻ, phòng tránh trẻ khỏi các nguy cơ bị xâm hại. Trong quy tắc này sẽ nói cho bé ai được phép ôm, thể hiện yêu thương, tắm rửa cho bé khi còn nhỏ; ai thì bé sẽ chỉ để cho nắm tay, khoác vai, chơi đùa, nếu cố tình chạm vào "vùng đồ bơi", bé sẽ hét to và gọi mẹ. Ai thì bé chỉ nên bắt tay; ai thì nên vẫy tay chào và ai thì khiến bé lo sợ, bất an…", thầy Tuấn nói.
VẼ ĐƯỜNG ĐỂ HƯƠU CHẠY ĐÚNG ĐƯỜNG
Với thâm niên gần 30 năm trong nghề, bác sĩ Huỳnh Trung Tuần, nhân viên y tế Trường tiểu học Trưng Trắc, Q.11, TP.HCM, khẳng định: "Công tác giáo dục giới tính trong trường học là có, bắt buộc phải có, không thể thiếu". Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Tuần nói: "Người lớn đừng ngại giáo dục giới tính là vẽ đường cho hươu chạy. Hươu đã chạy rồi, mình phải hướng đúng đường, nắn cho hươu chạy không sai đường. Chúng ta không nói gì cho trẻ về giới tính thì mới là sai".
Kinh nghiệm của bác sĩ Huỳnh Trung Tuần khi giáo dục giới tính cho các học sinh (HS) tiểu học là với lớp 1, 2, 3 đã cần thiết có các cuộc trò chuyện, trao đổi với các em về giới tính, bảo vệ bản thân. Đặc biệt, khi lớp 4, lớp 5, nhiều HS đã dậy thì nên cần tách HS thành nam, nữ riêng, mời các bạn xuống hội trường để dễ dàng chia sẻ, đặt các câu hỏi cho bác sĩ.
"Giáo dục giới tính cho HS tiểu học cần phải tế nhị, nhẹ nhàng, người nói chuyện cần chủ động khơi gợi các vấn đề để dần dần các em dám đặt các câu hỏi, băn khoăn, thắc mắc. Từ đó, mình sẽ hướng dẫn cho trẻ đi đúng đường, đánh tan trong đầu trẻ những cách nghĩ, cách hiểu sai", bác sĩ Tuần cho biết.
Bác sĩ Tuần cho hay trong các buổi giáo dục giới tính, bác sĩ có thể gợi mở, giảng giải cho các HS nữ quy luật phát triển cơ thể bình thường, khi nào có kinh nguyệt, hay vì sao khi con lớn hơn một chút, con sẽ thấy thích bạn này hơn một chút; rồi đâu là 5 vùng cấm người khác xâm phạm trên cơ thể các con… Dần dần, các HS mạnh dạn nêu câu hỏi. Như có bạn hỏi "Bác sĩ ơi con đau bụng, vì sao có kinh nguyệt lại đau bụng?"; "Vì sao khi con xem phim, thấy các cặp nam nữ yêu nhau lại thường hôn nhau?". Có bạn nam hỏi "Con thấy bạn nam kia chọc tay vào quần bạn nam khác, thế là đúng hay sai?". "Khi các học trò nêu các câu hỏi, tôi đều đánh giá đó là câu hỏi hay, tôi không chê câu hỏi nào là tầm bậy hay hỏi không đúng trọng tâm. Nếu như thế, không có học trò nào dám đặt câu hỏi với bác sĩ, với nhân viên y tế trường học cả…", bác sĩ Tuần chia sẻ.
GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM LÀ CẦU NỐI
Tại Trường tiểu học Điện Biên, Q.10, TP.HCM, việc giáo dục giới tính cho HS được thực hiện lồng ghép trong các môn học hoặc ở tiết hoạt động trải nghiệm; nhà trường còn mời các bác sĩ ở trung tâm y tế, thầy cô ở trung tâm kỹ năng sống về trò chuyện với các em; ngoài ra nhân viên y tế trường còn trao đổi với HS nam/nữ về giới tính, tuổi dậy thì; giáo viên chủ nhiệm chia sẻ với HS trong các tiết sinh hoạt lớp.
Cô Tạ Thị Thái, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết việc giáo dục giới tính là cực kỳ quan trọng, HS cần được giáo dục càng sớm càng tốt. Trong trường có phòng y tế học đường, nhân viên y tế trường học cũng là người sẵn sàng lắng nghe thắc mắc, hỏi đáp của HS về giới tính… Tuy nhiên, có thể một số HS sẽ e ngại gặp riêng nhân viên y tế, các em sẽ tin tưởng, thích tâm sự với giáo viên chủ nhiệm hơn. Do đó, theo cô Thái, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng khi là cầu nối giữa nhà trường - phụ huynh. Khi quan sát thấy HS có những dấu hiệu tuổi dậy thì, có thể tâm sự riêng với các con, dạy các con kỹ năng bảo vệ bản thân, giữ gìn vệ sinh cơ thể, nhắc các con kỹ năng an toàn… Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cũng nhắn thêm với cha mẹ HS để quan tâm, chú ý trò chuyện với các con nhiều vấn đề khó nói.
Cha mẹ không đứng ngoài cuộc
Không chỉ có nhà trường mang tới các liều "vắc xin" giáo dục giới tính cho trẻ em. Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính cho trẻ em từ gia đình.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Giào, ngay cả việc nếu cha mẹ đột ngột phát hiện trẻ vì tò mò giới tính, vì bạn bè rủ rê, vì sự cám dỗ của môi trường số trên mạng…, trẻ có thể đọc các truyện, xem phim nội dung nhạy cảm thì cha mẹ cũng tuyệt đối không nên la mắng, chỉ trích con ngay lập tức hay sử dụng những hình phạt nặng như đòn roi. Cách làm ổn là để khi tất cả bình tĩnh, cha mẹ hãy ngồi xuống trò chuyện lịch sự cùng con, xem con đang cần gì, con nên làm gì, vì sao con tò mò với những câu chuyện, bộ phim nhạy cảm… và thiết lập môi trường an toàn để dìu dắt cho con nhận thức đúng về vấn đề nhạy cảm mà con được tiếp cận.
"Cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con, cung cấp cho con kiến thức và công cụ cần thiết để hiểu về sự phát triển của cơ thể, quan hệ tình dục, quyền và trách nhiệm cá nhân. Từ đó, hỗ trợ trong việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh, tôn trọng và công bằng giữa các giới", thạc sĩ - bác sĩ Phạm Văn Giào nói.
Trong khi đó bà Trần Thu Hà (mẹ Xu Sim), tác giả nhiều đầu sách về nuôi dạy con như Con nghĩ đi mẹ không biết, Buông tay để con bay khuyên cha mẹ hãy dạy con về giáo dục giới tính trước cả khi con đi học mẫu giáo. "Cha mẹ không cần phải là chuyên gia mới có thể dạy con. Cha mẹ có thể mua sách, truyện tranh, mở phim hoạt hình dễ thương… về giáo dục giới tính để cùng xem, cùng học với con", bà Hà trao đổi.
Bình luận (0)