Hãng Moderna ngày 29.6 công bố nghiên cứu mới cho thấy vắc xin Covid-19 của hãng này kích thích phản ứng kháng thể chống lại toàn bộ các biến chủng được thử nghiệm.
Theo Reuters, nghiên cứu được thực hiện dựa trên phân tích mẫu huyết thanh của 8 người sau 1 tuần tiêm liều vắc xin Moderna (mRNA-1273) thứ hai.
Kết quả cho thấy vắc xin sản xuất kháng thể chống lại biến chủng Delta (được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ) hiệu quả hơn so với biến chủng Beta (được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi).
Cụ thể, lượng kháng thể được tạo ra để vô hiệu hóa biến chủng Beta giảm 6 - 8 lần so với lượng kháng thể được tạo ra để chống lại chủng virus nguyên bản tại Trung Quốc. Trong khi đó, lượng kháng thể được tạo ra để chống lại các biến chủng phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ như Delta và Kappa giảm chỉ 3,2 - 2,1 lần so với chủng nguyên bản.
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm này chưa được bình duyệt nên có thể không phản ánh khả năng của vắc xin ngoài thực tế nhưng Moderna gọi đây là thông tin hứa hẹn, cho thấy vắc xin của hãng có thể chống lại các biến chủng. Cổ phiếu của Moderna tăng hơn 6% sau khi kết quả nghiên cứu được công bố.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Mỹ được đăng trên chuyên san khoa học Nature ngày 28.6 cho thấy thời gian miễn dịch của vắc xin của Pfizer và Moderna có thể kéo dài nhiều năm và lâu hơn những hiểu biết trước nay.
Các tác giả cho rằng người tiêm những vắc xin sử dụng công nghệ mRNA này có thể không cần tiêm nhắc lại nếu như các biến chủng virus không tiến hóa lên. Những người bị nhiễm Covid-19 hồi phục lại và tiêm vắc xin Pfizer hoặc Moderna sau đó cũng không cần tiêm nhắc ngay cả khi virus đột biến.
Bình luận (0)