Các chuyên gia đang lo ngại rằng biến thể Lambda của SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền cao hơn bất kỳ phiên bản nào hiện có. Các nhà vi rút học đặc biệt lo lắng về protein đột biến L452Q trong biến thể Lambda do có khả năng lây nhiễm sang người, tương tự L452R ở chủng Delta và Epsilon.
Tuy nhiên, một nghiên cứu từ Trường Y khoa Grossman của Đại học New York (Mỹ) chỉ ra việc tiêm chủng có thể giúp ngăn ngừa sự biến đổi của biến thể Lambda và nguy cơ gây bệnh nghiêm trọng. Các nhà khoa học đã thử nghiệm để các mẫu của biến thể Lambda chống lại các kháng thể kích thích bằng vắc xin.
Kết quả cho thấy các kháng thể được kích hoạt bởi tia mRNA vẫn chống lại biến thể Lambda trong điều kiện phòng thí nghiệm. Cả vắc xin của Pfizer và Moderna đều đang dựa trên công nghệ mRNA, công nghệ mới chưa từng được sử dụng để điều chế vắc xin cho đến khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Mặc dù chưa được đánh giá ngang hàng, nhưng nghiên cứu xuất bản trên chuyên trang sinh học BioRxiv đã nêu bật tầm quan trọng của việc áp dụng tiêm chủng rộng rãi sẽ giúp bảo vệ các cá nhân khỏi dịch bệnh, giảm sự lây lan của vi rút và làm chậm sự xuất hiện của các biến thể mới.
Các tác giả nghiên cứu của Đại học New York viết: “Kết quả cho thấy rằng các loại vắc xin đang được sử dụng hiện tại sẽ vẫn bảo vệ khỏi biến thể Lambda và liệu pháp kháng thể đơn dòng sẽ vẫn có hiệu quả”.
Biến thể Lambda, còn được gọi là C.37, được cho là bắt nguồn từ Peru từ mùa hè năm 2020. Giáo sư Pablo Tsukayama, công tác tại Đại học Cayetano Heredia (Peru), cho biết chủng vi rút này đã bùng nổ ở quốc gia Nam Mỹ “nhanh hơn bất kỳ biến thể nào khác”. Chỉ xuất hiện ở mức 1/200 ca vào tháng 12.2020, biến thể này cho đến nay đã là nguyên nhân gây ra 82% trong tổng số ca mắc mới ở Peru kể từ tháng 4.
Ngày 15.6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp đột biến này vào loại “biến thể toàn cầu được quan tâm”. WHO cho biết nó dễ dàng lây lan hơn so với phiên bản SARS-CoV-2 gốc và có khả năng chống lại các kháng thể trung hòa.
Trong khi đó, tờ Daily Mail ngày 6.7 dẫn ý kiến từ các chuyên gia Anh cho biết khả năng lây truyền thực sự của biến thể Lambda vẫn là dấu hỏi lớn và chưa có bất kỳ bằng chứng nào về việc biến thể này thực sự dễ lây lan hơn các chủng hiện có, bao gồm cả Delta hoặc Delta Plus.
Giáo sư David Livermore, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học East Anglia (Anh), nhận định: “Rõ ràng là chúng ta cần để mắt đến các biến thể mới. Tuy nhiên, cho đến nay, không có bằng chứng về sự lây lan lớn của Lambda bên ngoài Peru và Chile cũng như việc Lambda có thể “né tránh” vắc xin”.
Úc đã trở thành quốc gia mới nhất phát hiện ra Lambda, tuy nhiên theo cơ sở dữ liệu gien quốc gia AusTrakka, biến thể này đã được phát hiện ở một du khách từ tháng 4.
Bình luận (0)