Vài tâm sự với 'Đường lên đỉnh Olympia'

05/08/2014 17:05 GMT+7

Thực tế đã cho thấy, "lối mòn" lựa chọn nơi làm việc ở môi trường ngoài nước đã là sự thật hiển nhiên đối với 12 nhà vô địch 'Đường lên đỉnh Olympia' . Dẫu biết rằng, làm việc ở đâu không quan trọng, quan trọng là họ có đóng góp, cống hiến cho Tổ quốc, cho đất nước này hay không mà thôi, nhưng sao trong tôi có chút gì đó hụt hẫng quá.

Thực tế đã cho thấy, "lối mòn" lựa chọn nơi làm việc ở môi trường ngoài nước đã là sự thật hiển nhiên đối với 12 nhà vô địch "Đường lên đỉnh Olympia". Dẫu biết rằng, làm việc ở đâu không quan trọng, quan trọng là họ có đóng góp, cống hiến cho Tổ quốc, cho đất nước này hay không mà thôi, nhưng sao trong tôi có chút gì đó hụt hẫng quá.

 
Nguyễn Trọng Nhân, chàng trai Tiền Giang đã xuất sắc trở thành nhà vô địch 
Đường lên đỉnh Olympia 2014

"Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 14 vừa hạ màn với việc xác định được chủ nhân của vòng nguyệt quế là một nam sinh ở Tiền Giang. Cậu học trò này sẽ nhận được suất học bổng du học ở nước ngoài. Trong niềm hân hoan vô hạn của người chiến thắng được ống kính truyền hình quay liên tục trên sóng, tôi - một người khán giả quen thuộc và yêu thích chương trình - có chút gì đó chạnh lòng khi mà trước đó vài ngày, tôi đọc được thông tin là trong số 13 nhà “cựu” vô địch Olympia, chỉ duy nhất một người trở về Việt Nam làm việc sau khi du học xong.

Không thể chối cãi những gì mà chương trình Đường lên đỉnh Olympia trong suốt hơn một thập kỷ qua mang lại. Một chương trình mà có lẽ đã gắn bó với nhiều thế hệ học trò 8x, 9x. Tôi dám chắc rằng, trong mỗi cô cậu học trò của trước đây hơn một thập kỷ sẽ không dưới một lần bị cuốn hút với những câu hỏi hóc búa, những ô chữ thông minh ở chương trình này.

Chương trình không chỉ là cơ hội cho những thí sinh so tài với các đối thủ khắp mọi miền đất nước, mà đây còn là dịp để những khán giả học trò cùng ôn lại những kiến thức vô cùng bổ ích. Những nhà vô địch Olympia đều là những người thật sự xứng đáng, nếu không muốn nói là quá giỏi và thật sự có tài. Họ không chỉ vô địch với các kiến thức đã học trong nhà trường mà họ vô địch cả những kiến thức của xã hội cùng với chỉ số thông minh khá cao.

Trở lại với câu chuyện hậu "Đường lên đỉnh Olympia". Với một khán giả xem truyền hình như tôi thì chỉ nghĩ, mục đích cuối cùng của chương trình chính là tìm ra một gương mặt thật sự xuất sắc nhất để trao phần thưởng học bổng ở nước ngoài. Đó là cơ hội nâng bước cho các cô cậu học trò có thể tiếp thu với nền giáo dục tiên tiến hơn. Còn sau khi có được vốn kiến thức tinh túy ấy thì việc lựa chọn việc làm là quyền của mỗi người.

Thực tế đã cho thấy, “lối mòn" lựa chọn nơi làm việc ở môi trường ngoài nước đã là sự thật hiển nhiên đối với 12 nhà vô địch của Olympia. Họ đã không trở về nước với nhiều lý do khác nhau. Dẫu biết rằng, làm việc ở đâu không quan trọng, quan trọng là họ có đóng góp, cống hiến cho Tổ quốc, cho đất nước này hay không mà thôi, nhưng sao trong tôi có chút gì đó hụt hẫng quá.

Đặt trường hợp không có chương trình Đường lên đỉnh Olympia tổ chức, những học trò này sẽ thi đại học như bao học sinh khác và sau khi tốt nghiệp đại học, họ có thể lựa chọn học cao hơn (trong nước hoặc có thể ra nước ngoài). Nhưng sau đó, phần lớn họ vẫn sẽ làm việc trên đất nước Việt Nam thân yêu này và mỗi ngày cùng góp công xây dựng Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

Còn với 12 nhà vô địch, họ có thể không về nước nhưng họ vẫn cống hiến cho đất nước bằng cách này hay cách khác, hoặc là ở một thời điểm khác. Nhưng theo tôi, với cách nghĩ như vậy là chưa thật sự thuyết phục. Làm sao có thể ngăn được dòng suy nghĩ của tôi và nhiều bạn khán giả khác là, phải chăng vì môi trường làm việc, điều kiện làm việc hay mức lương không tương xứng nên đã không thể giang rộng vòng tay chào đón những người tài này về phục vụ đất nước?

Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn nhận lại nên hay không nên trao phần thưởng học bổng du học như chương trình đã từng làm 14 năm qua, hay là chúng ta phải có ràng buộc cụ thể đối với những nhà vô địch để những nhân tài này có dịp trở về phục vụ quê hương, đất nước, tránh tình trạng “chảy máu chất xám” thật oan uổng như hiện nay (?!).

 

Trường Vũ*

*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân sống tại TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

>> Chung kết Đường lên đỉnh Olympia
>> Những "hạt sạn" trong Đường lên đỉnh Olympia
>> Gặp gỡ các nhà vô địch "Đường lên đỉnh Olympia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.