Vải thiều mất mùa đơn hàng vẫn tăng, doanh nghiệp lo thiếu hàng xuất khẩu

24/05/2024 17:37 GMT+7

Vải thiều mất mùa nhưng các đơn hàng xuất khẩu từ các thị trường vẫn tăng khiến doanh nghiệp bị đẩy vào thế khó, lo không đủ nguyên liệu để xuất khẩu.

Chia sẻ với Thanh Niên, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, cho hay doanh nghiệp này đang thu mua vải chín sớm, giống vải u hồng để xuất khẩu. Ngày 27.5, những lô vải thiều đầu tiên sẽ có mặt thị trường Pháp, Úc. 

Hiện tại, vải xuất khẩu là vải chín sớm, được doanh nghiệp thu mua tại H.Thanh Hà (Hải Dương). Do vải thiều chính vụ mất mùa nặng nên ngay từ đầu vụ, giá vải chín sớm đã tăng gấp đôi so với mùa vụ năm 2023.

Vải thiều mất mùa đơn hàng vẫn tăng, doanh nghiệp lo thiếu hàng xuất khẩu- Ảnh 1.

Giá vải chín sớm tại Hải Dương, Bắc Giang năm nay cao gấp 2 lần so với năm 2023

PHAN HẬU

"Giá vải chín sớm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được các doanh nghiệp đang mua là 40.000 đồng/kg, trong khi đó, cùng thời điểm này năm 2023, giá cao nhất chỉ 25.000 đồng/kg", bà Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, sản lượng vải xuất khẩu nhiều nhất hàng năm là vải thiều chính vụ, bắt đầu cho thu hoạch từ giữa tháng 6. Nhưng năm nay, phần lớn diện tích vải thiều ở Hải Dương, Bắc Giang đều mất mùa khiến các doanh nghiệp gặp khó trong thu mua nguyên liệu.

"Sản lượng vải thiều xuất khẩu từ các đối tác đặt hàng tăng 20% so với năm 2023, trong khi hiện tại, chúng tôi chưa chốt được giá với nông dân và đang rất lo không đủ hàng giao cho khách", bà Hồng nói.

Mở hàng vụ xuất khẩu vải năm nay với lô hàng 2,5 tấn đang trên đường đến Trung Đông, bà Đỗ Linh Nhâm, Phó tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho biết các thị trường rất quan tâm đến vải thiều Việt Nam. 

Nhưng thế khó của doanh nghiệp hiện nằm ở giá thu mua nguyên liệu tăng rất cao. Năm nay, giá vải thiều tươi xuất khẩu được doanh nghiệp này chào đối tác hơn 6 USD/kg, vải chế biến hơn 4 USD/kg, tất cả đều cao gấp 2 lần so với năm 2023 nhưng vẫn có nhiều đơn hàng.

Cũng theo bà Nhâm, tại thị trường Nhật Bản, quả vải thiều tươi có doanh nghiệp đặt mua 20 tấn đưa vào siêu thị. Đối với vải thiều chế biến, Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu đã chốt được đơn hàng 500 - 600 tấn.

"Giá vải rất cao nên dù có nhiều đơn đặt hàng nhưng sản lượng thu mua xuất khẩu vải tươi và vải chế biến dự kiến chỉ bằng 1/3 so với năm 2023 thôi", bà Nhâm nói.

Vải thiều mất mùa đơn hàng vẫn tăng, doanh nghiệp lo thiếu hàng xuất khẩu- Ảnh 2.

Vải thiều chính vụ mất mùa, giá cao, nhiều doanh nghiệp lo không đủ hàng xuất khẩu

PHAN HẬU

Ghi nhận tại Hải Dương và Bắc Giang, vải chín sớm ở các địa phương này đang được thu mua xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc. Đối với vải thiều chính vụ dự kiến cho thu hoạch từ ngày 15.6 đến hết tháng 7.

Tại Bắc Giang, sản lượng vải thiều chính vụ ước đạt 50.000 tấn đã có nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua. Còn tại Hải Dương, vải được trồng chủ yếu tại H.Thanh Hà với khoảng 3.200 ha, trong đó 1.900 ha trồng vải sớm, còn lại trồng vải thiều chính vụ. Sản lượng vải toàn huyện khoảng 20.000 - 22.000 tấn, chỉ bằng 50% so với năm 2023.

Theo các nhà vườn trồng vải tại H.Thanh Hà, vải thiều chính vụ có cùi dày, độ đường cao nên ngoài xuất khẩu còn được sấy khô để bán quanh năm. Nhưng năm nay do mất mùa, các hợp tác xã sẽ không có vải sấy khô khi sản lượng vải tươi đã không đủ cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. 

Hiện tại, các vùng vải thiều chính vụ ở Bắc Giang và Hải Dương đang thu hút nhiều doanh nghiệp về khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm để xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như: Nhật Bản, Úc, Mỹ, EU...

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cho biết Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của quả vải Bắc Giang. Để xuất khẩu được thuận lợi, Bắc Giang đã làm việc với các cửa khẩu đường bộ tại Lạng Sơn, Lào Cai; trực tiếp trao đổi với cơ quan chức năng phía Trung Quốc đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi xuất khẩu vải thiều khi vào chính vụ.

Cũng theo ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, để chuẩn bị cho mùa vụ xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Úc..., sở này và các doanh nghiệp đã lấy 50 mẫu để phân tích dư lượng; hướng dẫn các nhà vườn chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch và chuẩn bị đón các đoàn kiểm tra thực địa vùng trồng sẵn sàng cho mùa vụ xuất khẩu vải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.