Mất mùa vải, nông dân Bắc Giang thất thu hàng nghìn tỉ

10/05/2024 07:00 GMT+7

Giá vải đầu mùa bán tại vườn cao ngất ngưởng khiến nông dân Bắc Giang đang tiếc hùi hụi khi cây vải mất mùa rất nặng. Ước tính các nhà vườn thất thu, thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng.

Nhà vườn thất thu

Khảo sát tại Hà Nội, nhiều chợ, cửa hàng bán hoa quả đang rao bán vải đầu mùa giá từ 90.000 - 120.000 đồng/kg. Giá cao ngất ngưởng nhưng quả vải có chất lượng chưa ngon khi vỏ vẫn xanh, cùi còn vị chua, chát.

Mất mùa vải, nông dân Bắc Giang thất thu hàng nghìn tỉ- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đã khảo sát vườn, ký hợp đồng thu mua vải xuất khẩu

NGUYỄN NHUNG

Theo ông Trần Văn Ngoan, một tiểu thương ở xã Huyền Sơn, H.Lục Nam (Bắc Giang), một số diện tích vải chín sớm ở Hải Dương, Quảng Ninh bắt đầu cho thu hoạch. Tại Hải Dương, giá vải mua buôn tại vườn dao động 50.000 - 60.000 đồng/kg. Còn tại Quảng Ninh, vải u trứng ngọt dù chưa ngon lắm nhưng chủ vườn đang bán 70.000 - 80.000 đồng/kg.

"Giá cắt từ vườn năm nay đã cao như thế thì đến tay người tiêu dùng tại Hà Nội phải hơn 100.000 đồng/kg", ông Ngoan nói.

Ông Ngoan cho biết thêm, Đắk Lắk cũng đang thu hoạch vải chín sớm. Đây là giống vải u đường được đưa từ H.Tân Yên (Bắc Giang) vào trồng từ nhiều năm trước. Chất lượng của quả vải trồng tại Đắk Lắk không thể so sánh với vùng trồng vải Bắc Giang nhưng lợi thế của địa phương này là khí hậu nắng nóng nên vải chín sớm và giá bán đầu mùa luôn cao hơn chính vụ.

"Hàng năm, giá vải nếu tăng, chỉ chênh trên dưới 10% nhưng năm nay rất khó dự báo. Khi nhiều vùng trồng vải lớn ở miền Bắc bị mất mùa nặng, vườn nào đậu quả nhiều nhất chỉ bằng nửa so với năm ngoái. 24 năm trong nghề buôn vải, tôi thấy chưa năm nào các vùng trồng vải mất mùa đồng loạt, mất sản lượng lớn như năm nay", ông Ngoan phản ánh.

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Tô Văn Hải, chủ một vườn vải tại xã Giáp Sơn (H.Lục Ngạn, Bắc Giang), cho biết năm 2023, cây vải mang lại cho gia đình doanh thu hơn 200 triệu đồng, còn năm nay thì thất thu, chỉ mong gỡ được vốn. Cả khu vườn vải chỉ có diện tích trồng giống vải u hồng sản lượng nhiều nhất khoảng 3 - 5 tấn, khu trồng vải lai Thanh Hà mất 80% sản lượng. Khu trồng vải thiều Lục Ngạn thì thê thảm hơn, ước tính chỉ được vài chục kg.

"Sản lượng vải năm nay rất ít, chúng tôi kỳ vọng giá lên cao để gỡ được vốn đầu tư. Các nhà vườn của địa phương năm nay thất thu nặng, nhà ít thì vài chục triệu, nhà nhiều lên tới hàng trăm triệu đồng", anh Hải cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch UBND H.Lục Ngạn (Bắc Giang), cho rằng nếu so sánh với mùa vụ năm 2023 thì năm nay ước tính thiệt hại của các nhà vườn ở "thủ phủ trồng vải" này lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

"Năm 2023, quả vải mang về cho nông dân hơn 3.000 tỉ đồng. Năm nay, cập nhật đến thời điểm này, qua rà soát lại sản lượng trong toàn huyện, chúng tôi dự báo doanh thu quả vải chỉ bằng 20 - 30% so với năm 2023 thôi. Lịch sử trồng vải ở Lục Ngạn chưa khi nào mất mùa nặng như năm nay", ông Hải đánh giá.

Mất mùa vải, nông dân Bắc Giang thất thu hàng nghìn tỉ- Ảnh 2.

Vải đầu mùa tại Hà Nội được bán với giá 100.000 - 120.000 đồng/kg

PHAN HẬU

Doanh nghiệp chốt đơn đến hết năm 2030

Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, vải là trái cây có giá trị kinh tế rất cao trong số cây trồng ở địa phương này. Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ổn định, giá vải tăng đều hàng năm. Năm 2023, sản lượng vải của Bắc Giang đạt trên 201.000 tấn, doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ lập kỷ lục 6.876 tỉ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, doanh thu trực tiếp từ quả vải trên 4.658 tỉ đồng, còn lại là các ngành dịch vụ phụ trợ.

Còn năm nay, sản lượng vải toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 100.000 tấn, thời gian thu hoạch vải thiều sớm từ ngày 20.5; vải thiều chính vụ từ ngày 10.6 - 30.7. Sản lượng vải chỉ còn 50% so với năm 2023, đồng nghĩa nông dân Bắc Giang thất thu, thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng.

Trong các thị trường xuất khẩu quả vải Việt Nam, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, nhận định Trung Quốc vẫn là thị trường chính. Hiện nhiều doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc là bạn hàng truyền thống đã chuẩn bị cho việc giám sát thu mua, tiêu thụ vải thiều tại H.Tân Yên và H.Lục Ngạn.

"Chúng tôi đã chuẩn bị và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội, thương hội quan tâm đến khảo sát, giám sát thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều và các loại nông sản khác của tỉnh Bắc Giang sang thị trường Trung Quốc", ông Tấn nói.

Theo kế hoạch đã ban hành, dự kiến cuối tháng 5, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải chín sớm của H.Tân Yên, triển khai đưa quả vải lên tiêu thụ ở các sàn thương mại điện tử. Sang đầu tháng 6, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và du lịch mùa vải thiều H.Lục Ngạn.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Tân Yên (Bắc Giang), cho biết do nhiều huyện trong tỉnh bị mất mùa nên năm nay lượng doanh nghiệp dồn về mua vải ở Tân Yên tăng nhiều hơn những năm trước. Đến nay, đã có 9 doanh nghiệp đăng ký mua vải xuất khẩu ở huyện này với giá ký hợp đồng phổ biến 35.000 đồng/kg, cao hơn năm 2023 là 5.000 đồng/kg.

Còn theo bà Nguyễn Thị Nhung, cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa (H.Tân Yên), thị trường tiêu thụ vải chín sớm năm nay "nóng" ngay từ đầu vụ. Hiện các vườn vải có mã số vùng trồng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đều có doanh nghiệp ký hợp đồng mua xuất khẩu đến các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, EU…

Điểm mới so với những năm trước đây là nhiều doanh nghiệp đàm phán ký hợp đồng thu mua cho cả giai đoạn 2024 - 2030 chứ không ký theo từng năm. Giá mua tại vườn phổ biến 35.000 đồng/kg, trong trường hợp thị trường giảm, giá không thấp hơn 25.000 đồng/kg.

"Năm nay vải mất mùa nên có thể giá bán ngoài thị trường sẽ cao hơn so với giá ký hợp đồng. Nhưng đây là các hợp đồng cam kết thu mua trong dài hạn, các nhà vườn đều tính toán được chi phí trong khoảng an toàn để sản xuất và đảm bảo vẫn có lãi khi liên kết làm vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Vì thế, có nhiều nhà vườn ở Phúc Hòa đã ký xong hợp đồng bán vải cho doanh nghiệp đến năm 2030", bà Nhung thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.