Vải thiều rộng cửa vào Nhật Bản

05/06/2020 06:56 GMT+7

Chuyên gia kiểm dịch thực vật do Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) phái cử đã sang Việt Nam để kiểm soát việc xuất khẩu vải thiều, khiến gần như chắc chắn loại quả đặc sản này sẽ được xuất sang Nhật Bản trong năm nay.

Hoàn tất kỹ thuật, vải thiều chờ đi Nhật

Theo Cục Bảo vệ thực vật (BVTV - Bộ NN-PTNT), ngay sau thông báo ngày 5.12.2019 của MAFF chấp thuận cho quả vải tươi Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này, Cục BVTV phối hợp với các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương xây dựng vùng nguyên liệu. Đến nay, Cục BVTV đã cấp 19 mã số vùng trồng cho 103 ha tại Bắc Giang, cấp 11 mã số vùng trồng cho 78 ha tại Hải Dương đủ điều kiện xuất vải sang Nhật Bản.
Ngay từ khi cây vải chuẩn bị ra hoa, Cục BVTV đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với nông dân áp dụng quy trình chăm sóc vải, giám sát sử dụng thuốc BVTV; phía Nhật Bản nhiều lần cử chuyên gia trực tiếp kiểm tra, giám sát. Trực tiếp đàm phán mở cửa thị trường Nhật Bản cho quả vải thiều, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, chia sẻ ngoài chỉ tiêu khắt khe về an toàn dịch bệnh, đặc biệt là không có tồn dư thuốc BVTV, phía Nhật Bản yêu cầu giám sát tỉ mẩn, khắt khe từ khi vải chưa ra hoa đến khi thu hoạch.
Ông Hoàng Trung cho biết, khác với Mỹ, Úc yêu cầu vải phải được chiếu xạ, Nhật Bản yêu cầu quả vải được xông hơi khử trùng. Đây là công nghệ do chuyên gia Nhật Bản và các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật của Việt Nam trực tiếp nghiên cứu và hoàn thiện quy trình xử lý. MAFF đã chấp thuận cho Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Bắc Giang), Công ty xuất nhập khẩu Hưng Việt (Hải Dương) và Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (thuộc Cục BVTV) đặt tại Hà Nội thực hiện công nghệ này, trước khi vải xuất sang Nhật Bản.
Cũng theo ông Hoàng Trung, đến nay mọi yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng quả vải về độ ngọt, dư lượng thuốc BVTV; yêu cầu kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, đóng gói cho đến yêu cầu về kiểm dịch thực vật hiện đã hoàn tất, chỉ chờ ngày xuất khẩu.

Vải Việt Nam “đấu” với vải Đài Loan, Trung Quốc

Không chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp (DN) được chọn xuất khẩu thử nghiệm đang nóng lòng, hồi hộp chờ ngày lô vải đầu tiên được xuất khẩu đi Nhật Bản.
Qua kiểm tra thử nghiệm, vải thiều xuất sang Nhật Bản đã vượt yêu cầu độ ngọt xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản Ảnh: Phan Hậu

Qua kiểm tra thử nghiệm, vải thiều xuất sang Nhật Bản đã vượt yêu cầu độ ngọt xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản

Ảnh: Phan Hậu

Ông Đỗ Hoàng Phương, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, cho rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng vải xuất khẩu trong năm đầu tiên sẽ không nhiều. DN của ông Phương đã có đơn hàng đầu tiên với 1 tấn quả chuyển theo đường biển và hàng không. DN này cũng đã nhận hợp đồng cung cấp khoảng 40 tấn vải cho các DN khác đã có đối tác xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Cũng theo ông Đỗ Hoàng Phương, tại Nhật Bản, vải thiều Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với vải thiều Trung Quốc và Đài Loan. Năm đầu tiên, DN của ông không đặt kỳ vọng xuất khẩu được nhiều nhưng vấn đề là mở được cửa vào thị trường Nhật Bản. “Khi đã được Nhật Bản công nhận thì quả vải thiều Việt Nam có đủ chất lượng, công nghệ kỹ thuật để “đấu” với quả vải Trung Quốc, Đài Loan”, ông Phương bày tỏ.
Cũng mang tâm trạng hồi hộp như ông Phương, bà Ngô Tường Vy, Phó tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho rằng khi đã đủ tiêu chuẩn vào Nhật Bản thì vải thiều Việt Nam gần như chắc chắn sẽ vào được các nước khác trên thế giới.
Theo ông Lê Bá Thành, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, dự kiến sản lượng vùng vải có mã số xuất đi Nhật Bản là khoảng 600 tấn. Qua chạy thử thành công hệ thống sơ chế đóng gói, xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Promide thành công trong ngày 10.5 vừa qua, ước tính có khoảng 400 tấn vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Trung cho rằng để tăng lượng xuất khẩu, hạ giá thành thì quả vải phải đi bằng đường biển giống như xoài và thanh long. Các DN cũng sẵn sàng phương án xuất khẩu vải đi Nhật Bản theo đường biển. Thời gian từ lúc thu hoạch đến khi tới Nhật Bản sẽ mất tối thiểu 1 tháng, vì vậy Cục BVTV phối hợp với Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT) đã nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học kéo dài thời gian bảo quản vải tươi và sẽ đưa vào sử dụng ngay trong năm nay để nâng cao sản lượng xuất khẩu vải thiều theo đường biển.
Theo Cục BVTV, sau khi đến Hà Nội chiều 3.6, chuyên gia Nhật Bản trong trang phục bảo hộ phòng chống dịch Covid-19 đã được đưa bằng xe y tế về cách ly tại Bắc Giang, sau đó sẽ tham gia giám sát các lô vải xuất khẩu đi Nhật Bản.
Thống kê từ Cục BVTV cho thấy, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu vải đầu mùa tương đối thuận lợi. Đến ngày 2.6, đã có 13.200 tấn vải được xuất sang Trung Quốc, 5 tấn sang Singapore, 18 tấn sang Úc. Dự kiến trong 15 - 20 ngày nữa, vùng trồng vải xuất khẩu Nhật Bản sẽ bắt đầu thu hoạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.